Dân Trung Quốc thích Trump hơn Clinton?

Bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 8/11?. Ảnh: Fiscal Times
Bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 8/11?. Ảnh: Fiscal Times
TP - Người dân trên khắp Đông Á ủng hộ bà Hillary Clinton hơn ông Donald Trump, nhưng người Trung Quốc đại lục ít ác cảm với ông Trump hơn các nước láng giềng, theo kết quả thăm dò của báo Hong Kong South China Morning Post.

Cuộc thăm dò được thực hiện với 3.600 người ở Đông Á cho thấy, chỉ có 13% người trả lời từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Philippines và Indonesia muốn tỷ phú Trump thắng cử, nhưng tỷ lệ ủng hộ ông Trump ở Trung Quốc là 39%.

Bà Clinton cứng rắn hơn, khó đối phó hơn

Theo các nhà phân tích, kết quả khảo sát cho thấy ông Trump được ủng hộ nhiều hơn ở Trung Quốc là điều phù hợp với dư luận Trung Quốc và cách đưa tin của báo chí Trung Quốc về hai ứng viên Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng, ông Trump được ủng hộ nhiều hơn ở Trung Quốc một phần là vì người ta vẫn chưa biết gì nhiều về ông trùm bất động sản này. Còn bà Clinton đã là chính trị gia nổi tiếng và có nhiều quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.

Trong số hơn 3.600 người trả lời khảo sát trực tuyến từ ngày 12 tới 23/10, có 1.500 người đến từ các thành phố lớn của Trung Quốc đại lục. Trung bình, 54% người trả lời từ Đông Á nói rằng, bà Clinton trở thành tổng thống sẽ là điều tốt hơn cho châu Á, nhưng chỉ có 38% người trả lời từ Trung Quốc đồng ý với nhận định này. Có 67% người dân Đông Á không nghĩ rằng ông Trump sẽ giúp thế giới trở nên an toàn hơn, nhưng người Trung Quốc đại lục đánh giá ông Trump và bà Clinton ngang nhau ở tiêu chí này.

Điều thú vị là ở Trung Quốc, ông Trump được đánh giá cao hơn bà Clinton trong câu hỏi ai sẽ làm tốt hơn việc đóng góp giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ, đối phó chủ nghĩa khủng bố quốc tế và an ninh mạng, thúc đẩy quan hệ thương mại với châu Á. Những người tham gia khảo sát cũng được yêu cầu so sánh hai ứng viên với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nhiều người Trung Quốc tin rằng, ông Trump sẽ làm việc hiệu quả hơn bà Clinton trong việc quản lý các tranh chấp trên biển Đông, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và các quan hệ thương mại, còn bà Clinton sẽ mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ nhân quyền và sở hữu trí tuệ.

Ông Richard Bush, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Đông Á thuộc Viện Brookings, nói rằng, ông không ngạc nhiên với kết quả khảo sát này vì ứng viên Trump thường nói mạnh về các đồng minh của Mỹ trong những vấn đề thương mại và an ninh. “Nếu chính sách của ông ấy là làm giảm quan hệ đồng minh với Hàn Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc sẽ như thế nào?”, ông Bush nêu vấn đề.

Ông Robert Sutter, một chuyên gia về Trung Quốc tại ĐH George Washington, nói rằng, người Trung Quốc nói chung không ưa cả hai ứng viên Mỹ, nhưng nghĩ về bà Clinton tiêu cực hơn vì cho rằng chính trị gia này khó đối phó hơn. Nhà nghiên cứu Wang Yiwei công tác tại Trường Quan hệ quốc tế thuộc ĐH Nhân dân Trung Quốc, cũng đồng ý rằng, tư tưởng chống bà Clinton phổ biến ở Trung Quốc khiến ông Trump giành được tỷ lệ ủng hộ cao hơn trong cuộc khảo sát này.

Các nhà phân tích đại lục cho rằng, bà Clinton, một luật sư được đào tạo ở ĐH Yale, hay chỉ trích các chính sách ngoại giao và hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Bà còn bị ghét hơn ở Trung Quốc sau khi trở thành người ủng hộ mạnh mẽ chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á, chính sách được coi là nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Hối hả chặng cuối

Trong cuộc vận động tối 5/11, ông Trump được các đặc vụ hộ tống gấp khỏi khán đài khi đang diễn thuyết trước đám đông ở Reno, bang Nevada, vì cảnh báo giả. Ai đó trong đám đông hét lên “có súng” trong cuộc ẩu đả với một người đàn ông giơ biểu ngữ phản đối ông Trump. Vụ việc xảy ra khi ông Trump và đối thủ Clinton đang đi khắp nước Mỹ để thực hiện đợt vận động cuối cùng để thuyết phục những người còn lưỡng lự và kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu vào ngày bầu cử 8/11.

Hai đặc vụ đã hộ tống ông Trump về phía hậu trường trong lúc cảnh sát khống chế một người đàn ông, lục soát và áp giải anh ta ra khỏi đám đông trong tình trạng bị bẻ tay về phía sau. Sau khi được thả, người đàn ông tên Austyn Crites này nói với kênh tin tức KTVN-2 rằng, anh ta ủng hộ đảng Cộng hòa nhưng dự cuộc vận động này để thể hiện sự phản đối ông Trump. Crites kể rằng, sau khi trưng biểu ngữ phản đối, anh ta lập tức bị đám đông tấn công, trước khi ai đó hét lên cảnh báo có súng, dù anh không mang súng.

Trong khi đó, tại Philadelphia, ca sĩ nhạc pop Katy Perry biểu diễn tại buổi vận động của bà Clinton. Perry là một trong nhiều ngôi sao từng có mặt để kêu gọi các cử tri trẻ ủng hộ đại diện đảng Dân chủ. “Khi con cháu các bạn hỏi bạn đã làm gì trong năm 2016, tôi muốn các bạn có thể nói rằng, các bạn đã bỏ phiếu cho một nước Mỹ tốt đẹp hơn, mạnh mẽ hơn”, bà Clinton nói.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, bà Clinton vẫn có lợi thế ở những bang quyết định kết quả bầu cử. Nhưng mức độ vượt trước của bà bị kéo xuống sau khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) thông báo mở cuộc điều tra mới đối với những email liên quan bà Clinton để xem bà xử lý thông tin mật như thế nào khi còn là ngoại trưởng.

Kết quả thăm dò do hãng McClatchy-Marist thực hiện với cử tri khắp cả nước và công bố hôm 5/11 cho thấy, bà Clinton đang dẫn trước 1 điểm phần trăm so với đối thủ, thấp hơn mức 6 điểm phần trăm hồi tháng 9. Theo kết quả khảo sát do hãng Reuters/Ipsos công bố hôm 5/9, bà Clinton dẫn trước 4 điểm phần trăm.

Cả hai ứng viên đều đầu tư công sức vào Florida, một trong những bang phải cạnh tranh quyết liệt nhất. Kết quả cuộc bầu cử năm 2000 được quyết định ở Florida sau khi cuộc tranh cãi về phiếu bầu và kiểm phiếu được đưa lên Tòa án Tối cao Mỹ, với phán quyết được đưa ra sau đó nghiêng về ứng viên Cộng hòa George W. Bush trước đối thủ đảng Dân chủ Al Gore. Khảo sát ở Florida cho thấy, bà Clinton đang dẫn trước 1 điểm phần trăm, nghĩa là cuộc chạy đua giữa hai ứng viên cực kỳ khốc liệt.

Triều Tiên phóng tên lửa tầm trung đúng ngày bầu cử Mỹ?

Theo các nguồn tin quân sự Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên có thể phóng Musudan, tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn khoảng 3.500 km, vào dịp bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin hôm qua. Quân đội Hàn Quốc thông báo, họ đã phát hiện một quả Musudan ở tỉnh Pyongan - nơi Triều Tiên thử nghiệm một quả tên lửa loại này hôm 20/10.

Dân Trung Quốc thích Trump hơn Clinton? ảnh 1

Tôi đã chờ 96 năm

Ngày 8/11, hàng triệu phụ nữ Mỹ sẽ làm một việc mà họ chưa từng có cơ hội để làm trước đó – bầu cho một phụ nữ được chọn là ứng viên của một đảng lớn để trở thành tổng thống Mỹ, BBC đưa tin. Đối với một số phụ nữ, cuộc bầu cử đặt dấu chấm hết cho 96 năm chờ đợi. Bất kỳ ai sinh ra trước ngày 18/8/1920 ở Mỹ đều bắt đầu cuộc sống ở một đất nước không cho phép phụ nữ đi bầu cử. Trong số này có cụ bà Estelle Schultz, 98 tuổi, công nhân nhà máy thời Thế chiến 2. Bị bệnh tim nặng, đang được chăm sóc đặc biệt, cụ Estelle nói: “Tôi đã quyết định rằng, mình sẽ sống dai để thấy việc bầu cử nữ tổng thống đầu tiên của chúng ta”. Hồi tháng 10, khi đánh dấu phiếu bầu, cụ bảo cháu gái Sara đăng ảnh lên Facebook. Bức hình cụ Schultz tóc bạc trắng cầm phiếu bầu (ảnh) nhanh chóng thu hút hàng trăm lượt “like”, khiến gia đình cô Sarah tìm kiếm những câu chuyện tương tự. Và thế là website “Tôi đã đợi 96 năm” ra đời, đăng nhiều lời bình luận của những người sinh ra trước thời điểm phụ nữ có quyền bỏ phiếu và hiện ủng hộ ứng viên Hillary Clinton.

MỚI - NÓNG