Ảnh minh họa. |
Bà Hà Thị Dịu, thôn 5, xã Lam Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, nói: Phương thức thu mua mủ cao su do Cty đưa ra hiện nay để áp dụng cho người dân là chưa được dân chủ. Vì bán mủ cao su ra ngoài thị trường, dân thu lợi nhuận cao hơn nên mọi người tìm đủ mọi cách để bán ra ngoài. Ngoài ra, dân phải bán mủ ra bên ngoài vì Cty TNHH một thành viên Lam Sơn thu mua mủ nước, phía Cty lại thu mua mủ quy khô. Mà việc đốt hàm lượng mủ quy khô tại Cty thì người dân không kiểm soát được mức độ thất thoát... Đây cũng chính là lý do mà phía hộ dân đề nghị được nộp tiền mặt thay vì bán mủ cho Cty này. Tuy nhiên, phía Cty TNHH một thành viên Lam Sơn lại không chấp nhận.
Người dân cũng phản ánh nhiều bất cập như chuyện vừa qua, Cty tự cho mình quyền tổ chức thu mủ, bát, máng gom mủ của hộ gia đình chị Mai Thị Tuyết (thôn 5) khi chị Tuyết nhiều lần bán mủ ra ngoài thị trường. Trong khi, nhiều chính sách Công ty đưa ra không hợp lý, nhiều ưu đãi của Nhà nước dành cho dân trồng cao su không được Cty này triển khai thực hiện với người dân. Ví như chuyện các hộ dân có cây cao su bị thiệt hại do thiên tai không được miễn giảm thuế, hỗ trợ…
Ông Nguyễn Quốc Minh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lam Sơn cho biết, ông đã nhận được ý kiến của 20 hộ dân và một trưởng thôn phản ánh những nội dung liên quan việc vi phạm hợp đồng kinh tế của Cty TNHH một thành viên Lam Sơn. Lãnh đạo xã đã có công văn yêu cầu phía Cty trả lời, song vẫn còn phải chờ.
Để được rõ hơn những vấn đề trên, chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Xuân Thành- Giám đốc Cty TNHH một thành viên Lam Sơn, tuy nhiên, ông Thành lấy lý do bận, chưa thể trả lời được.