Dân Thủ đô sống trong những ngày nước nổi

Dân Thủ đô sống trong những ngày nước nổi
TP- Đi làm phải qua đò lệ phí tiền trăm, tắm cho trẻ sơ sinh bằng nước mưa… Sau bốn ngày bị nhấn chìm trong nước, không điện, nước, thức ăn, cuộc sống của nhiều người dân đảo lộn, khốn khổ trăm bề.

Trong những ngày này, nhiều người dân của thủ đô đang lâm trong cảnh thiếu thốn đủ đường: Thiếu điện, thiếu nước, thiếu… đường đi. Trong nhà thấy nước mưa, ra đường gặp nước ngập, cảnh tắc đường, xe chết máy, lội nước bì bõm làm người dân nhốn nháo.

Chị Lê Dung (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì) kể: “Nhà tôi cách cơ quan 11 km nhưng phải đi mất 3 tiếng, trong khi ngày thường chưa đến 1 giờ”. Chị Dung bảo, cả khu ngập nước quá đầu gối, để đưa xe qua chỗ lội, chị phải lấy túi ni lông bịt kín ống xả, tắt máy dắt xe. Qua chỗ lầy lội, mới dám nổ máy đi tiếp.

“Mỗi ngày đi làm hai chuyến đò mất 150.000 đồng. Nếu vài ngày tới mà nước vẫn cứ ngập thế này chắc xin nghỉ vài hôm chứ lấy tiền đâu ra”, chị Ngọc ở quận Hoàng Mai nói.

Theo quan sát của chúng tôi, ở nhiều vùng ngập, không ít người dân ở nhà cao tầng phải “giao dịch” với thế giới bên ngoài bằng… dây thừng. Bà con ở tổ 14A, phường Thịnh Liệt phản ánh, mất nước, nhà vệ sinh gây mùi xú uế, lan khắp tầng một nên khóa cửa tầng này lại. Vì thế, những người ở tầng trên phải dùng dây thừng để kéo hàng cứu trợ từ người thân.

Đến chiều 4/11, tổ 20 của phường Thịnh Liệt vẫn ngập trên 1m nước. Ba dãy căn phòng trọ xập xệ vẫn dập dềnh trong nước. Ba mẹ con chị Như Thị Giang đang ngồi trên giường vẫn ngập nước, dù được kê cao: “Tôi mới sinh cháu thứ hai được gần một tháng. Mấy hôm nay hết gạo, không ra ngoài được, tôi phải ăn mỳ tôm cho qua bữa. Không có sữa, cháu cứ khóc ròng. Bốn ngày qua tôi phải rửa cho cháu bằng nước mưa. Thương con nhưng không biết làm sao…” - Chị Giang nói, mắt ngấn lệ.

Cũng lâm vào cảnh khó khăn trên, một người dân sống ở B7, Khu tập thể Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, để tiếp tế nước cho người dân, hàng ngày UBND phường cử người mang nước sạch đun sôi đến phát cho từng gia đình để uống. Nhưng muốn có nước nấu ăn, rửa…, người dân phải hứng nước mưa dùng thay nước máy.

“Thiếu nước, gia đình tôi phải “nhịn” tắm và hạn chế đi… vệ sinh. Nhiều nhà phải dùng cả nước bẩn, lấy ở dưới đường ngập để dội sau mỗi lần đi vệ sinh” - Người dân này kể.

Trong khi đó, chị Ngọc (phố Đại Đồng, quận Hoàng Mai) lắc đầu ngao ngán: Nhà tôi mất điện và mất nước từ hôm thứ Sáu. Để có nước sinh hoạt, gia đình phải mua nước của những người gánh thuê với giá 10.000 đồng/thùng. “Nước đó chỉ đủ cho sinh hoạt tối thiểu như nấu ăn, đánh răng, rửa mặt… chứ không dám tắm rửa”.

Chị Ngọc phàn nàn, ngoài trời mưa to, trong nhà mất điện, đã làm đảo lộn thói quen sinh hoạt hàng ngày. Đến bữa tối, cả nhà ngồi quanh mâm cơm dưới ánh nến le lói sáng. Không tivi, đài, internet, sinh hoạt của mọi thành viên trong gia đình đều chìm trong bóng tối.

Dân Thủ đô sống trong những ngày nước nổi ảnh 1
Đám tang trong nước  Ảnh: Minh Thùy

Đám tang trong mưa lụt

“Thấy nước vào nhà, mẹ tôi xuống tát, sau đó bị sốt. Các con đòi đưa đi viện nhưng mẹ cứ nằng nặc bảo là nước cao thế không đi được, chỉ uống thuốc là khỏi… Nào ngờ!” - Anh Trịnh Đình Công ở phố Giáp Nhị, Thịnh Liệt (Hà Nội) nức lên không thành lời trước linh cữu của cụ Trần Thị Chuyến.

Ngõ vào đám tang cụ Chuyến là một “dòng sông” heo hút không bóng người. Hai chiếc bàn chỉ có vài người con dâu, rể trong nhà. “Các cụ già ở trong phố đã di tản, điện thoại thì hết pin không báo cho người thân được” - một người con cụ Chuyến cho biết.

“Mong trời đêm nay đừng mưa nữa để ngày mai đất khô đào huyệt chứ mưa như đêm qua thì không biết sẽ ra sao nữa” - Một người hàng xóm nói thêm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.