Theo tìm hiểu của phóng viên, sau đợt nước sạch sông Đà bị ô nhiễm, nhiều gia đình đã hút cạn nước và thuê các công ty vệ sinh làm công tác xúc rửa bể nước ăn. Trung bình mỗi gia đình phải trả từ 500 – 1 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở phố Khương Trung (Thanh Xuân) cho biết, gia đình có một bể nước ngầm khoảng 2m3 và một téc nước trên nóc 3.000 lít. Sau khi có thông tin khuyến cáo về ảnh hưởng của nguồn nước sạch gia đình chị đã gọi điện đến một công ty môi trường ở gần đó xử lý. “Họ báo giá rửa bể ngầm hết 500 nghìn đồng, còn làm sạch téc nước trên mái nhà hết 200 nghìn đồng”, chị Hoa thông tin. Ông chủ quán Miến tên Tuấn tại Khu A1 Khương Trung hôm nay cũng tranh thủ thuê 3 người đục sàn nhà, rửa lại bể nước ngầm, chi phí cho mỗi người hết 300 nghìn đồng.
Còn chị Phạm Thị Huyền nhà ở phường Trung Văn (Nam Từ Liêm) cho biết, cũng có một bể ngầm và téc nước trên mái nhà, sau khi đăng ký gia đình phải đợi ba ngày sau mới được công ty môi trường bố trí công nhân đến làm. Chi phí phải trả là 800 nghìn đồng.
Nhiều hộ dân phải thuê người đục cả sàn nhà để mở đường thau rửa bể nước ngầm.
Liên hệ với công ty môi trường trên phố Trung Kính, đơn vị này cho biết gần đây có nhiều người gọi đến hỏi thuê người thau rửa bể, sẵn trang thiết bị nên công ty cũng bố trí một đội nhận nhiệm vụ này. Tuy nhiên, khi ngỏ ý muốn thau rửa bể ngay trong ngày, nhân viên công ty từ chối vì công nhân đã kín lịch trong tuần, nếu chờ được phải đến cuối tuần sau mới đến lượt. Một công ty khác ở Thanh Xuân cũng cho biết, lượng khách hàng xục rửa đường ống nước, thau bể mấy tuần nay tăng đột biến. Công ty có nhiều chi nhánh, với lượng công nhân lớn, làm việc chuyên nghiệp nhưng cũng phải lên lịch cụ thể. Muốn thau rửa ngay công ty sắp xếp được nhưng chi phí sẽ đắt hơn.
Theo tìm hiểu, để thau rửa một bể ngầm có thể tích khoảng 2m3 và téc nước trên mái nhà, hai công nhân sẽ mất thời gian trong một buổi sáng mới làm xong. Thông thường, khi rửa bể nước sinh hoạt, ít có đơn vị sử dụng hóa chất mà đa phần dùng vòi phun áp lực cao để thau rửa. Ngoài ra, tùy điều kiện và thiết kế bể nước hộ gia đình, công nhân phải cọ rửa bằng phương pháp thủ công tốn khá nhiều thời gian.
Ngoài ra, nhiều hộ gia đình khác cũng tranh thủ tự rửa bể nước của gia đình. Đối với việc tự rửa bể ngầm của hộ gia đình ông Đỗ Thụy Đằng, nguyên giảng viên Xây dựng ngầm và mỏ (Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội) khuyến cáo, người dân cần trang bị những kiến thức cơ bản, có sự chuẩn bị để làm việc trong môi trường kín, thiếu không khí và ánh sáng. Bởi bể nước ngầm trong gia đình là môi trường nhỏ hẹp, kín, thiếu không khí vì cửa bể thông khí rất nhỏ, thiếu ánh sáng. Đặc biệt, trong bể nước ngầm lâu ngày sẽ có xác sinh vật (vi khuẩn, vi sinh vật lẫn trong nước…) và cặn bẩn nên tỷ lệ dưỡng khí rất thấp, thậm chí dưới mức an toàn. Vì vậy trước khi xuống bể làm việc nhất thiết phải quạt gió (bằng quạt có công suất 40W trở lên) tối thiểu 30 phút để trao đổi khí.
"Khi có người xuống bể, nhất thiết phải có người cộng tác trực tiếp để chiếu đèn, điều chỉnh quạt gió, quan sát chỉ điểm các vị trí cần tập trung thau rửa… và đặc biệt chú ý theo dõi mọi động thái của người dưới bể. Nếu phát hiện người dưới bể say phải đưa người đó ra sát cửa bể và gọi người hỗ trợ", chuyên gia Đỗ Thụy Đằng nói.