Dấn thân vì cái chữ

Dấn thân vì cái chữ
TPO - Chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam, chương trình "Khi người ta trẻ" số 6 - VTV6 đã có cuộc đối thoại cởi mở chủ đề Giáo viên vùng cao.

Nhân vật của cuộc đối thoại là thầy Nguyễn Năng Khải, trưởng phòng GD-ĐT huyện Đồng Văn- Hà Giang và cô giáo Ngần Thị Minh Hiếu (GV THCS Mai Châu- Hòa Bình).

Biết đường khó, vẫn đi

Vừa ra trường, được phân công về dạy học ở trường Phù Bin (Mai Châu- Hòa Bình), cô giáo Ngần Thị Minh Hiếu chưa hình dung được đoạn đường đi gian khó thế nào nhưng trong lòng vẫn nghĩ: “mình đến những nơi học sinh cần mình nên đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng với mọi khó khăn”.

Hiếu chia sẻ: “Tôi học để ra trường dạy học sinh cấp 2 nhưng khi thực tế đến dạy nhiều học sinh lớp 6 chưa đọc thông viết thạo nên tôi phải dạy lại các em từ đầu. Dạy chữ O, A, làm công việc của giáo viên tiểu học. Nhiều lúc mệt và tủi thân, nhưng lại thương các em lội bộ đường xa đi học vất vả, tôi lại cố sức”.

Tình yêu cộng với lòng say nghề đã níu chân những người trẻ như Hiếu ở lại với dân bản, mang cái chữ đến cho học trò nghèo. “Tới một gia đình học sinh có 3 em, 2 em học lớp 9, 1 em còn nhỏ, nhà thiếu ăn các em phải gặm bắp ngô già qua cơn đói, chứng kiến cảnh ấy tôi thương học sinh hơn, càng phải giục lòng mình phải làm được nhiều điều cho học sinh của mình”, Hiếu xúc động kể lại.

Phóng sự của chương trình đưa khán giả đến thăm học sinh trường THCS Phù Bin, nơi cô giáo Hiếu đã từng dạy học. Ngôi trường đơn sơ, những mái nhà cấp bốn lợp bằng tôn, gỗ, lớp học mù sương, về mùa đông sương giăng ướt hêt bàn, học sinh phải mang nilong dải ra bàn ngồi học. Con đường đến trường khúc khuỷu, các thầy cô phải dắt xe lội bộ, có những em phải đi bộ 10km mới tới được trường.

Những ngày mưa bão đường bị sạt lở 15 chỗ, không còn đường đi, các cô giáo như Hiếu phải lội xuống suối có nhiều đoạn nguy hiểm đá có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, có những lúc các thầy cô không dám nhìn hòn đá, cứ lao qua mà đi, nguy hiểm rình rập.

Minh Hiếu chia sẻ: "trước đây Phù Bin chỉ có 4 phòng, chật chội, đường tới trường vừa nhỏ, khó đi lại vất vả, các thầy giáo trẻ vừa đi vừa dùng cuốc, dao để chặt cây rừng, mở lối. Ở lại trường, sống tự lập, nhiều hôm vào rừng kiếm củi bị vắt cắn mà không quen thuốc chữa…”. 

Dấn thân vì cái chữ ảnh 1
Thầy giáo Nguyễn Năng Khải- Trưởng phòng Giaso dục- đào tạo huyện Đồng Văn

Còn ở Đồng Văn, từ các xóm, bản tới trường đều khó khăn. Ở vùng núi đất, thì sạt lở khi mưa xuống, còn vùng núi đá thiếu nước vào mùa khô... thầy Nguyễn Năng Khải chia sẻ.

Từ 8/1983 lên Đồng Văn, thầy phải tiếp cận với người dân bằng cách làm việc cùng họ, học tập quán, phong tục giọng nói địa phương, động viên các em đi học.

Đau đầu bài toán giữ lớp

Đối mặt với những khó khăn về giao thông đi lại, cơ sở vật chất thiếu thốn, các thầy cô vùng cao còn đau đầu với chuyện bỏ học giữa chừng của học sinh. Càng lên lớp cao, các học sinh bỏ học càng nhiều.

Đặc biệt ở huyện vùng cao Đồng Văn, học sinh dân tộc Mông thường lấy vợ rất sớm và thương con trai lấy vợ cao tuổi hơn mình theo tục lệ “bắt vợ”.

Theo nghị định 61 của Chính phủ ban hành ngày 20/6/2006 quy định có phụ cấp cho các cán bộ quản lý và giáo viên ở các vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Phụ cấp đứng lớp ưu đãi 70%, phụ cấp thu hút 70%. Phụ cấp ban đầu đến 4 triệu, ngoài ra còn có phụ cấp nước ngọt sinh hoạt, học tập. Ngoài ra, nếu vợ hoặc chồng chuyển cả gia đình lên sinh sống được trở cấp 5 triệu đồng.

Một lớp học có 6 học sinh thì 3 em đã lấy vợ, lớp học chỉ có con trai, con gái đã lấy chồng hết, để động viên các em tới trường, các thầy cô phải tốn nhiều công sức.

Học sinh dân tộc Thải ở Hòa Bình thường bỏ học khi tự thấy khả năng mình yếu kém, để động viên các em đi học các thầy cô phải đến từng nhà. 

Để giữ học sinh, theo thầy Khải, “nếu lớp học có từ 3-7 học sinh thì phải có ban đại diện phụ huynh học sinh để động viên các em đến lớp nhiều hơn. Vì đôi khi chính phụ huynh lại không tạo điều kiện cho các em đi học, nhiều phụ huynh đi làm xa, bắt con ở nhà trông em nhỏ, không được tới trường”.

Có mặt tại buổi đối thoại, TS Mông Ký Slay, Vụ trưởng vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục đào tạo chia sẻ: “Các thầy cô vùng cao phải tự hào rằng nhiều học trò mà các thầy đã dạy nay đã trở thành cán bộ chủ chốt vùng cao. Vùng cao là nơi đang cần trí tuệ, lòng nhiệt tình của các giáo viên trẻ!”.

Chương trình "Khi người ta trẻ" thông qua chương trình này, gửi tới các giáo viên tương lai một thông điệp: Hãy mang tình yêu đến với vùng cao, nơi đang cần các bạn.

MỚI - NÓNG