Đàn tê giác trắng quý hiếm bị cưa bỏ sừng

Tê giác tại vườn thú Dvur Kralove. Ảnh: AFP
Tê giác tại vườn thú Dvur Kralove. Ảnh: AFP
TPO - Một vườn thú ở Cộng hòa Czech cho biết sẽ dùng máy cưa bỏ sừng của đàn tê giác quý hiếm sau khi xảy ra vụ tấn công tàn bạo vào vườn thú ở Pháp, khiến một con tê giác trắng bị giết và lấy mất sừng.

“Kế hoạch này là vì sự an toàn của đàn tê giác”, Andrea Jirousova, phát ngôn viên vườn thú Dvur Kralove ở trung tâm thị trấn Dvur Kralove nad Labem, Cộng hòa Czech, cho biết.

Theo Jirousova, cuộc tấn công ở Pháp đưa ra lời cảnh báo về mối nguy hiểm đối với loại động vật quý hiếm này.

Jirousova tiết lộ, bác sĩ thú y sẽ gây mê cho những con tê giác trước khi dùng cưa cắt đứt sừng, nhưng từ chối tiết lộ thời gian thực hiện.

Vườn thú Dvur Kralove hiện đang sở hữu 21 con tê giác đen và tê giác trắng phương nam, trong đó có 3 con tê giác con sẽ không phải thực hiện việc cắt bỏ.

Trước đó, ngày 7/3, một vườn thú ở Thoiry, gần Paris (Pháp), thông báo, những kẻ xâm nhập, chưa rõ danh tính, đã phá bỏ hàng rào an ninh và giết chết một con tê giác trắng phương nam giống đực để lấy sừng.

Trên “chợ đen”, sừng tê giác được bán với giá “cắt cổ” lên đến 60.000 USD/kg, đắt hơn vàng hay ma túy. Sừng tê giác rất đắt hàng tại một số nước châu Á vì họ cho rằng đây là một phương thuốc quý hiếm, “có thể trị bách bệnh”.

Dvur Kralove là vườn thú duy nhất trên thế giới thành công trong việc nuôi 4 tê giác trắng phương Bắc cực hiếm có khả năng sinh sản. Năm 2009, chúng được chuyển đến khu bảo tồn động vật hoang dã Ol Pejeta ở Kenya. Tính đến tháng 11/2015, chỉ có ba con tê giác của phân loài này còn sống.

Tê giác trắng hay tê giác môi vuông (Ceratotherium simum) là một trong năm loài tê giác còn tồn tại và là một trong số rất ít loài động vật ăn cỏ lớn còn tồn tại. Chúng có nguồn gốc ở đông bắc và miền nam châu Phi. 

Tê giác có xu hướng sống thành bầy đàn từ 1 đến 7 con, mặc dù chúng là những động vật to lớn. Trên mõm của chúng có hai sừng với cấu tạo từ các sợi keratin (không phải xương như ở gạc hươu, nai).

Tê giác trắng có một bướu rõ nét ở phía sau cổ để giữ được cái đầu to lớn. Mỗi chân của tê giác trắng có ba ngón.  Chúng có khả năng đi 4 đến 5 ngày mà không cần nước uống. Tê giác trắng rất ít sinh sản khi bị giam cầm.


Theo Theo Guardian
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.