Dân ta phải biết sử ta

Dân ta phải biết sử ta
TP - Ngay từ đầu năm 1942, cách đây hơn 7 thập kỷ, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã viết cuốn “Lịch sử nước ta” bằng 208 câu thơ lục bát dễ hiểu tóm lược trên 30 mốc quan trọng trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc.

“Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Tầm quan trọng của việc hiểu biết lịch sử dân tộc đối với quần chúng nhân dân đã được Hồ Chí Minh xác định rất rõ ngay từ trước khi nước nhà được độc lập.

GS Phan Huy Lê, trong bài trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong hôm nay, đã bày tỏ lo ngại về thực trạng dạy và học môn sử hiện nay trong hệ thống giáo dục phổ thông, nhất là sau khi Bộ GD&ĐT vừa quyết định đưa sử trở thành môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Nguyên nhân trước hết, theo GS Phan Huy Lê chính là vì quan điểm về dạy sử như thế nào chưa được xác lập rõ ràng. Ông chỉ rõ: “Ai có dịp đọc SGK thì sẽ thấy nó rất chán. Tôi mà là học sinh tôi cũng phải chán. La liệt sự kiện, rất nặng nề. Thừa rất nhiều cái mà lại thiếu những cái rất căn bản. Nhất là thiếu sức hấp dẫn với học sinh”.

GS Ngô Bảo Châu cũng cho rằng: “Tôi đồng ý là sách chán thật. Rất nhiều sự kiện, rất nhiều ngày tháng, nhưng không hề có câu chuyện, không hề có phân tích, có ý kiến”.

Như vậy, việc HS đang quay lưng lại với môn sử lỗi đâu phải do các em. Chính cách dạy và học, chính nội dung môn sử trong SGK đến nỗi cả hai giáo sư lừng danh, một sử học, một toán học đều kêu chán, mới là nguyên nhân cần mổ xẻ. Thêm nữa, cả một thời gian dài, phim dã sử Trung Quốc, Hàn Quốc mặc nhiên tràn ngập màn ảnh nhỏ các gia đình Việt Nam, thử hỏi HS (và cả người lớn nữa) sẽ thuộc sử nước nào đây?

Nếu SGK môn sử được thiết kế lại để hay hơn, dễ học, dễ nhớ ắt sẽ hấp dẫn và cuốn hút được học sinh. Khi ấy, dù môn sử có là môn thi bắt buộc hay không, không là điều quan trọng nữa. Một khi triết lý giáo dục thực sự được thay đổi, từ việc học chỉ để thi sang học để làm người, làm một công dân có ích cho xã hội, khi đó nỗi lo của GS Lê về việc môn sử đang bị đẩy ra khỏi ý thức HS vì là môn tự chọn, cũng không còn.

Dân ta phải biết sử ta, biết được cội nguồn của mình và dân tộc mình, để từ đó chung tay dựng xây và bảo vệ đất nước, xứng đáng với ông bà, tổ tiên. Đó cũng chính là cái đích mà môn sử cần nhắm tới.

Thiết nghĩ, tinh thần, tư tưởng, cách dạy sử từ cuốn “Lịch sử nước ta” của Hồ Chí Minh cách đây trên 70 năm vẫn còn nguyên giá trị cho ngày nay, đó là điều các các nhà chuyên môn, biên soạn SGK môn sử rất cần phải học tập và noi theo.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.