Chuyện kỳ quặc ở Quỳnh Lưu (Nghệ An):

Dân muốn nhận 'sổ đỏ' phải nộp tiền xây trường học

Dân muốn nhận 'sổ đỏ' phải nộp tiền xây trường học
TP - Giấy chứng nhận QSD đất huyện cấp từ năm 1998, nhưng chính quyền xã ém gần chục năm trời. Người dân phải ký vào giấy “tự nguyện nộp tiền” để xây dựng trường cao tầng thì mới được nhận bìa đỏ!
Dân muốn nhận 'sổ đỏ' phải nộp tiền xây trường học ảnh 1

Gần hai chục hộ dân tại xã Quỳnh Phương (huyện Quỳnh Lưu) tỏ ra rất bức xúc. “Bìa đỏ” đã được chính quyền huyện cấp từ năm 1998 vẫn bị xã “ém” tại văn phòng suốt gần chục năm trời, chẳng hề chịu phát cho bất cứ ai.

Rồi đến một ngày, ông Chủ tịch xã Hồ Ngọc Trung bỗng nảy ra sáng kiến: Ai muốn nhận bìa, phải ký vào giấy “tự nguyện” nộp tiền xây dựng trường THCS của xã! Cuộc họp của lãnh đạo xã diễn ra chớp nhoáng. Giấy “tự nguyện” nộp tiền được văn thư xã nhanh chóng đánh máy, in ra. Ai muốn nhận bìa, phải đóng tiền rồi ký vào!

Ông Hồ Viết Hà (thôn Tân Phong) bất bình: “Phát bìa đỏ cho dân là trách nhiệm của xã, trong khi lệ phí làm bìa chỉ hết 25.000 đồng. Chẳng hiểu xã có quyền gì mà bắt dân phải nộp khoản tiền lớn một cách vô lý đến vậy? Như nhà tôi, đợt vừa rồi phải chạy vạy khắp nơi cắn răng nộp 11.686.000 đồng”.

Bà vợ ông ngồi cạnh, xót xa: “Hai vợ chồng già làm ruộng, đến bữa cơm còn chưa no, lấy đâu ra ngần ấy tiền. Rồi cũng phải đi vay nóng mấy nơi về mà lấy bìa”. Chỉ tay về phía ngôi trường cấp 2 khang trang, bà bảo, đợt vừa rồi vì chưa có tiền trả, mấy chủ nợ đã vào nhà xiết đồ đạc.

“Ngôi trường đó hoàn thành, cũng là “nhờ” chủ trương của xã đấy. Như nhà tôi đây là phải đóng góp nhiều nhất”. 

Gia cảnh của hộ ông Nguyễn Văn Miên (thôn Quang Trung) cũng bi đát không kém. Quanh năm nuôi mấy con gà, trồng khoai, cơm phải chạy ăn từng bữa. Đợt rồi, nghe tin xã mời các hộ dân lên nhận bìa đỏ, ông khấp khởi mừng thầm. Bảo vợ chạy sang hàng xóm vay tạm 25.000 đồng, ông lao lên ủy ban.

Nghe anh cán bộ địa chính thông báo: “Gia đình phải nộp 3.820.000 đồng xây trường đã rồi mới được nhận bìa”, ông giật mình ngã ngửa. Tiền đâu mà nộp? Mà sao lấy bìa đỏ lại phải nộp tiền xây dựng trường, vô lý vậy? Những câu hỏi cứ váng vất trong ông suốt quãng đường từ ủy ban về nhà.  

Những hộ “tự nguyện” đóng góp tiền xây dựng trường đã được nhận bìa. Còn những gia đình quá nghèo, không có tiền, thôi thì bìa đỏ cứ yên tâm nằm trong ủy ban, coi như xã “giữ hộ”, khi nào có tiền nộp xây dựng trường sẽ hay. Nhiều người cho biết, chính quyền xã đã thu trái phép của 15 hộ dân tổng số tiền hơn 50 triệu đồng.

Người nghèo thua thiệt

“Sáng kiến” của xã ép dân nộp tiền xây trường rồi mới phát bìa, với những người nông dân nghèo chẳng khác gì đánh đố. Tìm gặp ông Chủ tịch xã Quỳnh Phương suốt mấy lần, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời: “Bận họp”!

Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Phương Hồ Trung Hòa giải thích: “Lãnh đạo xã chẳng qua cũng chỉ vì thương dân. Mà nói cho cùng thì bên nào cũng có lợi cả. Dân được lấy bìa, xã có tiền để đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng là để phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của con em địa phương”.

Nhưng khi chúng tôi hỏi: “Xã có được quyền thu trái phép của dân số tiền lớn một cách vô lý như vậy không? Lãnh đạo huyện có biết không?”, ông Hoà phân trần: “Việc ấy chẳng có gì to tát nên xã cũng tự làm thôi, không thông báo với huyện. Việc này nếu có sai thì cũng chỉ là sai ở cách thực hiện. Thương dân quá cũng khổ thế đấy! Hôm họp để thống nhất đưa ra phương án thực hiện, tôi bận việc nên không tham gia. Nếu hôm ấy tôi ở nhà, có thể sự việc đã khác”.

Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Hồ Phúc Hợp cũng đồng quan điểm với cấp dưới. Ông cho rằng, việc thu tiền này đã được sự thống nhất, “tự nguyện” ủng hộ từ phía người dân nên chẳng có gì là sai!

Nhưng nếu người dân không “tự nguyện” nộp tiền xây dựng trường, thì có lẽ bìa đỏ sẽ mãi nằm ở Ủy ban xã, chẳng biết bao giờ mới đến tay chủ sở hữu. Cách hành xử tréo ngoe của chính quyền xã Quỳnh Phương đang khiến hàng chục hộ dân phải “cõng” trên vai một khoản tiền đóng góp vô lý.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.