Ốc đảo nghèo Đông Bình bao đời bị kẹp chơi vơi giữa ngã ba sông Thu Bồn – Ly Ly. Chuyện đi lại làm ăn, học hành, bệnh tật, ốm đau chết chóc… của hàng ngàn con người phó thác may rủi cho cây cầu phao mục nát cùng những chuyến đò ngang mong manh. Tiền nhà nước thừa biết khó có để xây cầu, nhất là nơi ấy chẳng thể “khai thác quỹ đất”.
Nhưng khi dân làng đề xuất ngăn một nhánh sông để làm đường thì lãnh đạo lại sợ cấp trên. Sợ vi phạm giao thông đường thủy, sợ ngăn sông là húy kỵ, lo thoát nước mùa lũ… Để rồi dân phải tự giải vây cứu lấy mình, bằng con đường dài 300m đắp cao hơn đỉnh lũ từ số tiền 200 triệu đồng và 2.000 ngày công dân tự đóng góp, tự tính toán, tự thi công. Nhờ con đường, lần đầu tiên cả làng được đón một cái Tết an lành, trọn vẹn.
Câu chuyện tương tự Đông Bình đang diễn ra ở rất nhiều nơi. Mâu thuẫn đến hồi gay gắt giữa nhu cầu an sinh bức thiết của người dân với sự thờ ơ của không ít cấp lãnh đạo địa phương, viện vào lý do ngân sách có hạn. Nhưng người dân không tài nào hiểu, vì sao vẫn có những công trình, dự án chục tỷ, trăm tỷ được hối hả đầu tư với danh nghĩa “phục vụ dân”, nhưng dân không cần đến, hoặc không dùng được, cuối cùng bỏ không? Liệu những chương trình, dự án “khủng” trên còn có cái “lợi” nào khác dành cho ai đó mà dân không biết?
“Cuộc chiến” quyết liệt để giành nguồn nước về cho dân từ “tay” các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn mà Đà Nẵng đang lĩnh xướng cũng phần nào cho thấy điều này. Cái lợi từ thủy điện dân đã thấy. Nhưng “cơn khát” của hơn 1,7 triệu dân cùng hàng trăm ngàn hecta ruộng đồng phía hạ du của Đà Nẵng – Quảng Nam, đến nỗi dân sắp phải mua nước sinh hoạt với giá cao vì hiếm nước, thì không phải bộ ngành, quan chức nào cũng thấu.
Thủy điện chỉ muốn vơ vét thêm lợi nhuận, mà không chịu điều tiết, chia sẻ hài hòa quyền lợi với dân. Một thứ quyền lợi đương nhiên chung hưởng, là nước và khí trời.
Dân có thể chống lệnh lãnh đạo để tự ngăn sông đắp đường “giải vây” thế cô lập cho mình, dù số phận con đường ấy sẽ còn phải thử thách qua những trận mưa lũ bạo liệt sắp tới. Nhưng còn những trận lũ ập xuống bất ngờ, những cơn khát dai dẳng hàng năm do thủy điện luân phiên mang lại theo từng mùa, thì dân bất khả, chỉ biết trông đợi vào cấp trên, vào bộ máy công quyền.
Ngày đầu xuân, ở một ngôi làng thuộc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, người dân tổ chức Lễ hội Minh thệ. Với lời thề “Ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử”. Có thể nhân rộng lễ hội đầy ý nghĩa thời sự ấy được không, thay vì đẻ ra vô vàn lễ hội vô bổ khác? Và tự hỏi, “của công” có bao gồm nguồn nước, rừng, không khí sạch… hay không?