Vụ 2 nhà máy thép gây ô nhiễm ở Đà Nẵng:

Dân lại muốn dời đi, nhà máy xin “luyện nốt”

TP - Chiều 14/3, Ủy ban MTTQ huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã có cuộc họp lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 (xã Hòa Liên), liên quan việc thực hiện quyết định ngừng hoạt động hai nhà máy thép gây ô nhiễm.

Dù trước đó, tại buổi thông báo kết luận của UBND thành phố về việc xử lý 2 nhà máy thép DaNa – Úc và DaNa – Ý gây ô nhiễm chiều 2/3, với giải pháp chính là ngừng hẳn hoạt động của hai nhà máy, hủy bỏ chủ trương di dời dân, người dân hai thôn đã rất đồng tình. Song tại cuộc gặp gỡ này, không ít người lại bày tỏ mong muốn được dời đi. Ông Lê Văn Đông (thôn Vân Dương 2), thẳng thắn: “Cả hai thôn giờ đều ô nhiễm nghiêm trọng từ đất đai cho tới nguồn nước, cây cối hoa màu không sống nổi. Dân đang phải nằm trên vùng ô nhiễm, vì vậy thành phố hãy thực hiện di dời dân ra khỏi vùng ô nhiễm đi!”. Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Dũng (thôn Vân Dương 2) cũng mong muốn người dân được di dời đến nơi có môi trường sống trong lành hơn để đảm bảo sức khỏe, an tâm làm việc.

Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hòa Vang cho hay sẽ ghi nhận toàn bộ ý kiến của bà con và chuyển đến các cơ quan chức năng. Bà cũng mong người dân chấp hành tốt chủ trương của thành phố. Ông Huỳnh Tấn Bôn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho hay sau khi có quyết định không di dời dân, Phòng Nông nghiệp huyện Hòa Vang và cán bộ các thôn đã rà soát, tìm biện pháp khắc phục sản xuất nông nghiệp cho bà con. Trước mắt khơi thông thủy lợi, cày xới đất, hỗ trợ giống. Riêng về việc làm, con số thực tế nắm được chỉ có hơn 60 người dân tại hai thôn này làm việc cho nhà máy. Do vậy, thành phố đang nghiên cứu để chuyển đổi ngành nghề, sắp tới đây sẽ mời những công nhân thất nghiệp lên để lắng nghe ý kiến.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Thép DaNa – Úc có văn bản gửi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và lãnh đạo các sở ban ngành TP. Đà Nẵng sau thông báo ngừng hẳn việc sản xuất của hai nhà máy. Theo công ty, thông báo này khiến họ hoàn toàn bất ngờ và bị động. Việc ngừng hẳn sản xuất đột ngột ảnh hưởng đến đời sống hàng trăm lao động, mất uy tín, thương hiệu của công ty, khiến công ty có nguy cơ bị phá sản. Vì vậy, công ty kiến nghị thành phố xem xét lại quyết định ngừng sản xuất trực tiếp (nấu luyện). Trong thời gian xem xét, đề nghị thành phố cử các ban ngành giám sát cho nhà máy sản xuất hết lượng nguyên liệu, phế liệu tồn đọng đã nhập về (khoảng 22.000 tấn thép phế liệu) để giải quyết tạm thời đời sống của các lao động, đồng thời giúp công ty thực hiện đơn hàng cho khách đã ký hợp đồng trước đó, trả nợ… Công ty cam kết trong thời gian cho phép hoạt động lại sẽ bảo vệ môi trường một cách tốt nhất. Ngoài những đề xuất trên, DaNa – Úc cũng kiến nghị thành phố xem xét và bồi thường thiệt hại cho đơn vị do thông báo ngừng sản xuất gây ra.                

MỚI - NÓNG