Danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ:

Dân không chăm sóc, chớ làm quan

Dân không chăm sóc, chớ làm quan
TP- Cuộc đời làm quan của Đặng Huy Trứ dưới triều vua Tự Đức chỉ có 19 năm. Mất khi 49 tuổi, nhưng ông đã nêu tấm gương sáng của người làm quan và để lại nhiều bài học quý cho đời sau.
Dân không chăm sóc, chớ làm quan ảnh 1
Đặng Huy Trứ (1825 - 1874)

Đặng Huy Trứ (1825-1874), tự Hoàng Trung, quê ở làng Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Ông không chỉ là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn vào giữa thế kỷ XIX, mà còn là một sĩ phu yêu nước chống Pháp đứng về phái “chủ chiến” ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta, là một nhà quân sự, một ông quan thanh liêm chính trực đương thời.

Ông ra làm quan năm 1856 đúng lúc tàu chiến Pháp đến cửa biển Đà Nẵng bắn phá bán đảo Sơn Trà, mở đầu cuộc xâm lược… Làm quan trong cảnh “nước sôi lửa bỏng” của chiến tranh, Đặng Huy Trứ là người đầu tiên dùng văn thơ kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước.

Là một nhà quân sự yêu nước, ông chủ trương cho đóng tàu, đúc súng ống, mua đại pháo của nước ngoài, xây dựng được một quân đội dũng cảm, có kỷ luật, không ức hiếp phụ nữ, không sách nhiễu dân.

Theo ông, muốn chống giặc phải dùng đường lối nhân hòa, dựa vào dân, được lòng dân, vì dân là người quyết định vận mệnh đất nước.

Muốn vậy phải chăm lo đời sống cho dân, phải canh tân đất nước. Quan lại phải trong sạch, phải được dân tin yêu. Ông nói: “Trị dân nhi ái dân” (cai trị dân mà dân yêu).

Khi làm quan, Đặng Huy Trứ tự xác định “Dân không chăm sóc, chớ làm quan”. “Điều tự răn” này do ông viết trong bài thơ “Thí chúc” (Cho cháo) vào năm 1864 là năm đất nước chịu nhiều thiên tai, bão lụt, mất mùa ở nhiều nơi làm nhân dân đói khổ.

Trong bài thơ ông kêu gọi “Nhà nhà giảm bớt một phần ăn” để cứu giúp người bị đói, vì:

“Gáo nước, cá may tươi sống lại

Dân không chăm sóc, chớ làm quan”

Ông còn viết: “Năm Giáp Tý (1864), lúa chiêm thất bát, dân không đủ no. Lấy gì làm cơm? Lấy gì làm cháo?… Thương sao những kẻ bơ vơ, không nơi nương tựa! Cứu dân không cách gì, lòng ta rối bời…”.

Theo ông, người làm quan phải hết lòng thương yêu dân, không được coi mình là “phụ mẫu của dân” để ban ơn cho dân, mà là “thứ dân chi tử” (con của người thứ dân).

Ông coi dân là người nuôi mình, từ miếng cơm ăn đến tấm áo mặc đều do từ mồ hôi của dân mà có: “Thực thử cao chi tương nãi hà?” (Nợ dân dầu mỡ (mồ hôi) tính sao đây?). Do đó phải luôn tâm niệm đền ơn trả nghĩa dân. Làm quan đứng đầu một tỉnh mà ông lại tự ví mình như khuyển mã và luôn tự trách mình:

Khuyển mã ngô sinh tứ thập niên

Đồ đa tuế nguyệt cánh đa khiên”

Nghĩa là:

“Khuyển mã đời ta bốn chục rồi

Uổng bao năm tháng lắm lầm sai”

Làm quan sẵn có quyền hành, nắm tiền bạc của Nhà nước trong tay, vậy mà Đặng Huy Trứ vẫn sống liêm khiết, nêu tấm gương tận tụy vì dân, vì nước: “Thức đến tàn canh, dậy trước lại. Ăn rành một món khổ cùng dân” và “Dân miếng ăn chẳng có, ta ngồi ăn sao đang”.

Từ tấm lòng thương yêu dân như vậy, Đặng Huy Trứ càng ghét cay ghét đắng bọn quan tham ô lại áp bức, bóc lột dân và đã thẳng thắn vạch mặt chỉ tên bọn chúng. Ngay từ thời bấy giờ ông đã nhận ra tệ nạn tham nhũng, hối lộ gây nguy hại cho nước, cho dân. Ông viết:

“Mình thiệt lợi dân, dân gắn bó

Đẽo dân mình béo, dân căm hờn

Hờn căm, gắn bó tuỳ ta cả

Duy chữ “Thanh danh” đối thế nhân”

Do đó ông nêu ra 3 phẩm chất mà người làm quan cần phải có là Thanh – Cần – Thận.

- Thanh là liêm khiết giữ mình. Không được nhận mọi thứ của cải phi nghĩa. Không lấy trước mặt, mà lấy sau lưng lại càng xấu xa.

- Cần là chăm chỉ việc nước, việc nhà. Làm quan mà một ngày không chăm chỉ thì dân ắt phải hứng chịu mọi điều tệ hại. Quan không làm việc tận tâm thì yên lòng dân sao được?

- Thận trọng là một đức tính mà người làm quan cần phải có: Đưa ra một lệnh sai thì tệ hại sẽ phát sinh, hậu quả sẽ nghiêm trọng. Một lần xử án sai sẽ làm nảy sinh oan khuất.

Việc quan thì công văn giấy tờ bề bộn, nếu không cẩn thận để nhầm lẫn rồi giải quyết sai có thể làm thiệt hại cho dân.

Đặng Huy Trứ còn đề ra nhiều đức tính khác của một người làm quan là: Công tâm, thành thực, khiêm tốn, khoan hòa, giữ chữ tín, mẫn cán, bao dung, nhẫn nại, khoan hồng, không ngại phiền, quyền biến, không nghe lời xiểm nịnh, phải tìm hiểu tình hình, có tình người và tấm lòng thành thực, làm điều lợi trừ điều hại, đối với cấp trên không nịnh bợ.

Đối với cấp dưới và nha lại nên kết bạn, chú ý việc giáo dục thân hào, thân quyến, chú ý việc dạy bảo con cái, sửa chữa sai sót của cấp dưới, quan tâm tới việc nhà, khéo xử sự với hàng xóm, đừng hà tiện việc bố thí, không chơi sang, không ham của đẹp, không mua rẻ, không mượn đồ vật của ai, không mê tín dị đoan…

Như vậy ông đã đưa ra trên 30 cách ứng xử của người làm quan, có phân tích giải thích rõ ràng. Xem thế đủ biết làm quan cho thật… ra quan khó biết chừng nào?

Cuộc đời làm quan của Đặng Huy Trứ dưới triều vua Tự Đức chỉ có 19 năm (1856 – 1874). Ông mất quá sớm (ngày 7/8/1874), lúc mới 49 tuổi, nhưng ông đã nêu một tấm gương sáng của người làm quan và để lại nhiều bài học quý cho đời sau.

Sách Đại Nam nhất thống chí có viết: “Đặng Huy Trứ khảng khái có chí lớn, đương trù tính nhiều việc, làm chưa xong đã mất, ai cũng tiếc”.

MỚI - NÓNG