Dân khắc khoải chờ thương lái, doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với trên 70 ngàn héc ta chuyên canh về các loại cây ăn trái, tỉnh Đồng Nai được xem là thủ phủ trái cây, cung cấp cho thị trường trong nước, chế biến và xuất khẩu. Tình trạng dịch COVID-19 kéo dài suốt nhiều tháng qua cùng với đó là giãn cách xã hội đã khiến nông sản ùn ứ, tràn ngập tại vườn. Tại Đắk Lắk, dân cho bò ăn bơ vì không thể tiêu thụ.

Ùn ứ

Ông Nguyễn Hùng Võ, ở Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) đầu tư trồng hơn 1 ha chôm chôm Thái. Vào vụ thu hoạch cũng là lúc tỉnh Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội. Các phương tiện vận tải gặp khó khăn trong lưu thông nên các chủ vựa giảm thu mua, thậm chí tạm dừng hoạt động, trong khi các chợ đầu mối đóng cửa khiến giá chôm chôm rớt mạnh, từ trung bình 15.000 đồng xuống còn khoảng 5.000 đồng/kg tại vườn. Dù vậy, ông Võ vẫn phải bán để lấy lại phần nào vốn đầu tư.

Tuy nhiên, chưa thu hoạch được bao nhiêu thì địa phương tiếp tục siết chặt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, đường vào làng, xã đều bị rào chắn, có lực lượng chức năng chốt chặn kiểm soát và xử phạt nặng đối với những người ra đường không có lý do chính đáng. Đến lúc này thì vườn chôm của ông Võ cũng như những hộ dân khác ở địa phương không có người mua, thậm chí cho cũng không ai lấy. Không còn cảnh thương lái dập dìu như trước, những vườn chôm bạt ngàn, chín đỏ cây tự rụng ngập tràn mặt đất. Bao nhiêu tiền đầu tư của nông dân cũng theo đó tan biến. Hằng ngày ông Võ không biết làm gì với vườn chôm chôm đặc trái, ngoài hái một ít làm thức ăn cho đàn dê.

Dân khắc khoải chờ thương lái, doanh nghiệp ảnh 1

Chôm chôm chín đỏ cây, dân chỉ còn biết hái làm thức ăn nuôi dê. Ảnh: Mạnh Thắng

Vì lý do tương tự, hàng trăm gốc chuối của ông Nhẫn ở xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) cũng không người đến mua. Ông Nhẫn cho biết, ông gọi điện cho các thương lái thì nhận được câu trả lời là vận chuyển khó khăn, không có thị trường tiêu thụ… Đến thời điểm chuối chín, ông Nhẫn phải bán cho những trại nuôi dê, nuôi heo rừng với giá 1.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Thanh Hoàng là người chuyên thu mua trái cây tại vườn rồi vận chuyển ra vựa bán cho các thương lái ở xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc). Khi dịch diễn biến phức tạp, anh Hoàng phải ở nhà vì không còn mấy chủ vựa đóng hàng. Ở nhà mãi cũng khó, anh Hoàng tính tiếp tục đi đến vườn thu mua để bán kiếm tiền lo cho gia đình nhưng gặp phải lệnh cấm nên không thể đi lại giữa các địa phương.

Cũng vì vướng quy định giãn cách, hơn 10 tấn bưởi da xanh trong vườn anh Phan Hắc Huỳnh (xã Xuân Thiện, TP Long Khánh) quá tuổi thu hoạch nhưng chưa có ai “dòm ngó”. Anh Huỳnh vừa làm vườn, vừa thu mua bưởi của nông dân trong vùng đưa đi tiêu thụ tại nhiều chợ ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua, các các chợ truyền thống đồng loạt đóng cửa phòng, chống dịch khiến nguồn tiêu thụ bưởi của anh bị cắt đứt. Vì thế, bưởi của nông dân trong vùng cũng ế ẩm vì không có nơi tiêu thụ.

Số liệu từ UBND tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có khoảng 6.500ha sầu riêng cho thu hoạch, sản lượng khoảng 73.000 tấn; bơ có gần 5.500ha, ước tính cho thu khoảng 40.000 tấn. Sản lượng dự kiến tăng đột biến do được mùa và diện tích thu hoạch tăng nhanh so với những năm trước. Thời vụ thu hoạch hai loại quả trên tập trung từ tháng 8 đến tháng 10, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch thông qua các thương lái ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch nên dù trái cây được mùa, người trồng vẫn thấp thỏm lo đầu ra.

Anh Lê Văn Trung (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) có khoảng 1ha sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê cho biết, hiện có 120 cây sắp thu hoạch. Dự kiến thu 25 tấn, tăng 8 tấn so với vụ năm ngoái nhờ thời tiết thuận lợi, số cây cho trái tăng lên. Dù vườn cây được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP song anh Trung vẫn lo lắng đầu ra do ảnh hưởng của dịch COVID-19. “Tầm này mấy năm trước, thương lái đến thu mua sầu riêng rất đông nhưng năm nay khá ít. Huyện đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 nên tôi rất lo lắng đầu ra cho sản phẩm bởi khoảng 15 ngày nữa đến vụ thu hoạch”, anh Trung cho hay.

Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt gần 70 ngàn ha. Tháng 7 và 8 là cao điểm thu hoạch với tổng sản lượng thu hoạch của sản phẩm trồng trọt ước khoảng 367 ngàn tấn, chủ yếu tập trung vào mặt hàng trái cây như chôm chôm, chuối, thanh long, bưởi. Thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Đồng Nai là TPHCM, ngoài ra còn nhiều tỉnh, thành khác và xuất khẩu.

Về giải pháp tháo gỡ, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Đồng Nai cho biết, Sở NN-PTNT đã làm việc với các đơn vị tỉnh thành bạn kiến nghị về việc vận chuyển, lưu thông nông sản giữa các địa phương, nhất là các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tạo điều kiện cho xe vận chuyển nông sản lưu thông nếu đáp ứng đầy đủ giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với lái xe và hàng hóa.

Bơ cũng là đặc sản của tỉnh Đắk Lắk, tuy nhiên năm nay giá loại quả này rẻ chưa từng thấy. Ông Nguyễn Văn Nam (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) có hơn 110 cây bơ trồng xen với hồ tiêu, sầu riêng… cho biết, chưa năm nào, bơ 034 (một trong những loại bơ ngon, đắt tiền) lại có giá 2 nghìn đồng/kg. Cả vụ thu hoạch, ông Nam chỉ bán được vài tạ, còn lại rụng đầy gốc, cho hàng xóm nhặt về cho heo, bò ăn.

Tại Lâm Đồng, giá bán thấp nhưng phí vận chuyển tăng gấp 2-3 lần khiến nhiều nông dân ở Đà Lạt và một số huyện lân cận như Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng phải cắt hoa cho bò ăn, nhổ bỏ rau làm phân vì càng bán càng lỗ nặng.

Ngày 4/8, anh Lê Hữu Phước (phường 7, thành phố Đà Lạt) cho biết vụ này, chỉ riêng tổ Thánh Mẫu đã có hàng chục hộ không bán được rau, hoa. Mỗi hộ đều xuống giống ngàn mét vuông rau, phần lớn là bó xôi, tần ô, xà lách, cải thảo, đều là những loại dễ hỏng. Hàng loạt nhà vườn phải cắt hoặc nhổ hàng chục tấn rau hoa, chở đi đổ bỏ hoặc dùng xe cơ giới cày nát các loại nông sản quá lứa tại vườn để làm phân. Mỗi hộ thiệt hại trên dưới 100 triệu đồng hoặc thậm chí nhiều hơn vì để sản xuất 1.000m2 rau, nhà vườn sẽ mất khoảng 25 triệu đồng tiền đầu tư cho cây giống, phân bón, thuốc dưỡng, hóa chất trừ sâu… Đó là chưa tính công trồng, chăm sóc, thu hoạch.

Dân khắc khoải chờ thương lái, doanh nghiệp ảnh 2

Sầu riêng ở Đắk Lắk chờ thương lái đến mua. Ảnh: Huỳnh Thủy

Trả lời câu hỏi vì sao vừa qua TPHCM đã cấp khá nhiều thẻ luồng xanh để dễ dàng vận chuyển hàng hóa thiết yếu mà rau lại ứ đọng, một số nhà vườn cho hay: Với giá từ 4.000-5.000 đồng/kg như hiện nay thì nhà vườn sẽ lỗ sau khi trừ các chi phí.

Biết kẹt nhưng khó gỡ

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội nông dân TP Long Khánh cho biết, sản lượng chôm chôm ở Long Khánh trong vụ này khoảng 20 ngàn tấn. Sau khi tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển hàng hóa giữa tỉnh thành thì nông dân đã tiêu thụ được khoảng 70% sản lượng. Song đến nay tình hình tiêu thụ lại rất khó khăn, bởi quy định chặt chẽ của giãn cách xã hội. Giá chôm chôm hiện quá rẻ, nhà vườn nếu bán được cũng không đủ trả tiền công thu hoạch.

Ông Dũng cho biết, Hội Nông dân TP Long Khánh cùng chính quyền kêu gọi các đầu mối tiêu thụ giúp bà con nhưng số lượng đã được giải quyết không đáng kể. “Với quy định giãn cách chặt chẽ nên không phải ai cũng đi lại được. Hội, đoàn thể ở địa phương phải lập các tổ xung kích đảm bảo các quy định phòng dịch để đi vận chuyển nông sản cho các nhà vườn giao cho khách hàng”, ông Dũng cho biết.

Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Xuân Lộc cho hay, về thu mua nông sản, huyện cũng đã chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái thu mua nông sản, nhưng phải thực hiện đảm bảo các quy định phòng, chống dịch theo quy định.

Ông Từ Nam Thành, Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ cho biết, sau khi quy định về “luồng xanh” được thực hiện tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, rồi chính quyền địa phương cũng mở ra các điểm bán hàng thì cũng giúp tiêu thụ được sản phẩm của nông dân, tuy nhiên cũng chỉ giải quyết được phần nào, chứ không thể như bình thường được.

MỚI - NÓNG