Ngày 11-4, chúng tôi có mặt tại xã Buôn Triết (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) nơi bị thiệt hại nặng nhất. Trên con đường từ huyện vào xã, mùi hôi lúa chết úng bốc lên nồng nặc từ những đống lúa xám xịt bùn đất mà người dân cố vớt về sau đợt lụt.
Đóng nốt những bao lúa bám đầy bùn đen, anh Tri Công Nghĩa (trưởng thôn Tân Cường, xã Buôn Triết) nói: Nhà có 1,4 ha lúa, dự tính vụ này sẽ thu được hơn chục tấn, nhưng bây giờ may lắm chỉ được hơn hai tấn. Lúa úng, sợ ăn hôi nuốt không nổi.
Anh Nghĩa vẫn còn may hơn nhiều hộ chẳng thu được hạt lúa nào. Trong thôn có cặp vợ chồng mới cưới mua được 5 sào ruộng, nay lúa bị mất trắng mà chủ nợ đến hối liên tục, cả đôi đóng cửa đi mấy ngày chưa thấy về.
Bà Phạm Thị Tích cùng thôn cũng có hơn 1ha lúa đang độ trổ bông, nước ngập mấy ngày thối rục hết.
Ông Nguyễn Đăng Trọng, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết cho biết xã bị thiệt hại gần 1.000 ha lúa. Nếu không được hỗ trợ, hàng ngàn hộ dân của xã sẽ thiếu đói.
Báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Lăk: diện tích ngập lụt rơi vào 3 xã trọng điểm sản xuất lúa nước của huyện là Đăk Liêng, Buôn Triết, Buôn Tría khoảng 1.280ha, khả năng mất trắng số diện tích này rất cao vì hầu hết lúa đang thời kì trổ bông, ngậm sữa. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó phòng NN&PTNT huyện Lăk cho biết đoàn liên ngành đang kiểm tra, xác minh lại diện tích bị thiệt hại cụ thể, ước tới trên 50 tỷ đồng. Phòng đã có kiến nghị tỉnh và huyện sớm có chính sách hỗ trợ lúa giống vụ hè thu, gạo cứu đói, khoanh nợ ngân hàng với các các hộ dân bị ngập lụt và mất trắng.
Tháng 10-2011, trong một đợt lũ, đường Suối Cụt (thuộc xã Đăk Liêng) rộng 8m, dài 3km là tuyến đường giao thông chính bà con dùng để đi lại và sản xuất nông nghiệp của 3 xã, bị vỡ một đoạn 32m, sâu hơn 10m. Đoạn vỡ này đã mở lối cho lũ tiểu mãn từ sông Krông Ana tràn vào “tấn công” vựa lúa của huyện Lắk.
Tháng 12-2011, nước lũ tràn vào gây ngập úng 50 ha lúa vừa gieo sạ vụ đông xuân. Lo lắng đoạn đường vỡ sẽ khiến nước lũ xâm nhập sâu, người dân hai xã Buôn Triết và Buôn Tría đã nhiều lần kiến nghị huyện sớm cho đắp lại đường, mãi không thấy triển khai. Đợt mưa lớn trái mùa tháng tư vừa qua lại khiến nước sông Krông Na lên cao, tràn vào đoạn đường vỡ rồi đổ về gây ngập.
Ông Chiến cho biết, Phòng đã hai lần tham mưu cho UBND huyện làm tờ trình gửi UBND tỉnh về việc xin chủ trương đầu tư, sửa chữa đoạn đường này vì ngân sách của huyện quá eo hẹp, nhưng đến nay vẫn chưa được đồng ý. Ước tính, chi phí để sửa chữa, kiên cố 32m đường này vào khoảng 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu về dài cần phải có một đê bao chạy dọc sông Krông Na khoảng 1km, mới kiểm soát được lũ tiểu mãn.