2-9: Buýt nhanh BRT sau 2 năm vận hành:

Dẫn đầu toàn mạng về vé tháng, thời gian di chuyển

 Mới đi vào hoạt động nhưng xét về thời gian di chuyển và sản lượng hành khách đi vé tháng, buýt BRT đang dẫn đầu toàn mạng Ảnh: Như Ý
Mới đi vào hoạt động nhưng xét về thời gian di chuyển và sản lượng hành khách đi vé tháng, buýt BRT đang dẫn đầu toàn mạng Ảnh: Như Ý
TP - Từ chỗ chỉ có xe buýt truyền thống, từ đầu năm 2017 giao thông Thủ đô đã đón nhận sự ra đời của tuyến buýt nhanh (BRT). Do đây là tuyến xe buýt nhanh đầu tiên tại Hà Nội và cũng là cả nước, BRT còn có những ý kiến khác nhau, tuy nhiên đánh giá về mặt hiệu quả sau 2 năm hoạt động, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho rằng, buýt BRT đang có nhiều chỉ số dẫn đầu toàn mạng buýt.

Tăng trưởng khách lớn nhất toàn mạng

Để tăng cường năng lực vận chuyển và đa dạng hệ thống vận tải hành khách công cộng, sau một thời gian xây dựng từ ngày 1/1/2017 UBND thành phố Hà Nội đã đưa vào sử dụng tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên tại Thủ đô. Tuyến buýt BRT có lộ trình trạm trung chuyển Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông), dài 14,7 km. Đặc điểm khác biệt lớn nhất giữa buýt BRT với buýt thường là buýt BRT chạy trên làn đường dành riêng, hành khách tiếp cận xe ở dải phân cách giữa hai làn đường, phương tiện hoạt động là loại xe khách khối lớn 90 chỗ (buýt thường lớn nhất 80 chỗ), được trang bị đầy đủ các tiện ích (GPS, Camera giám sát, Wifi, Led, âm thanh thông báo điểm điểm dừng…) của một xe chở khách chất lượng cao, thân thiện với môi trường. 

Trước thực tế, lượng cá nhân lớn, giao thông trên đường vào giờ cao điểm thường xảy ra ùn tắc kéo dài, trong khi đó trên dọc hành trình tuyến BRT hoạt động luôn có một làn đường dành riêng để BRT hoạt động. Với tần suất từ 3 đến 10 phút/chuyến và với đặc thù hoạt động buýt nói chung (có giờ cao điểm và thấp điểm), trên xe không phải lúc nào cũng chở đủ 90 hành khách… Từ thực tế trên, một số ý kiến cho rằng, buýt BRT hoạt động chưa hiệu quả, chưa đúng thời điểm… 

Nhằm đánh giá toàn diện hoạt động của buýt BRT sau 2 năm hoạt động đầu tiên và làm rõ một số ý kiến còn băn khoăn theo chỉ đạo của đại diện Thành ủy Hà Nội, vừa qua Sở GTVT Hà Nội đã làm việc với các bên liên quan. Đồng thời, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã có văn bản báo cáo đại diện Thành ủy Hà Nội.

Theo đó, đánh giá sau 2 năm vận hành của buýt BRT, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, đã có những hiệu quả nhất định, riêng chất lượng dịch vụ và sản lượng hành khách không ngừng được nâng cao, tăng trưởng. “Bước sang năm thứ 2 (2018) hoạt động, buýt nhanh BRT đã đạt 5,3 triệu hành khách, tăng 6,3% so với năm 2017 (lớn nhất toàn mạng), với 6 tháng đầu năm 2019 đạt 2,6 triệu lượt hành khách, tăng 1,1% só với cùng thời kỳ năm trước. Lượng khách tính theo lượt năm 2018 đạt 42,6 khách/lượt, 6 tháng đầu năm 2019 đạt 43,4 khách/lượt, riêng lượng khách trong giờ cao điểm thường dao động từ 70 đến 110 khách/lượt” - ông Viện dẫn số liệu theo dõi. 

Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, nếu tính lượng khách đi vé tháng trên 1 tuyến buýt thì BRT đang chiếm tỷ lệ cao nhất toàn mạng với 2,2 nghìn khách/tháng (chiếm 7,6% lượng vé tháng 1 tuyến của toàn mạng). “Cùng với đó nhóm đối tượng hành khách thường xuyên đi trên BRT cũng có khác biệt, nếu các tuyến buýt truyền thống học sinh, sinh viên thường chiếm tỷ lệ khách cao nhất thì buýt BRT nhóm khách chiếm tỷ lệ này thuộc về cán bộ, công chức, nhân viên văn phòng (chiếm 43%)”, ông Viện nêu thực tế.

BRT cần thêm thời gian để khẳng định ưu thế

Một nội dung quan trọng khác và có liên quan đến tiêu chí hoạt động của BRT cũng được Sở GTVT Hà Nội làm rõ, đó là thời gian di chuyển trên đường của BRT so với buýt thường. Cụ thể, qua khảo sát tốc độ di chuyển của buýt BRT, các đơn vị khảo sát cho rằng, nhờ có đường ưu tiên BRT đạt tốc độ trung bình là 20km/h, tốc độ này so với buýt thường nhanh hơn khoảng 30%, thời gian xe di chuyển trên đường là 45 phút cho quãng đường 14,7km, so với buýt thường cũng rút ngắn được gần 20% thời gian di chuyển. Ngoài yếu tố này ra, buýt BRT còn có các lợi thế kèm theo: thời gian chạy xe ổn định, lịch trình không bị thay đổi do thực tế giao thông, tỷ lệ đúng giờ cao... 

Vấn đề trợ giá của buýt cũng đang là nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận, tuy nhiên qua khảo sát lãnh đạo Sở GTVT đánh giá, tuy là loại hình vận tải đặc thù, xe khổ lớn, hiện đại nhưng tỷ lệ trợ giá (chi phí) của thành phố cho BRT luôn ở mức thấp nhất so với toàn mạng. Sở dĩ có được điều này, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, doanh thu của buýt BRT (qua bán vé) luôn ở mức cao. Cụ thể, doanh thu của BRT năm 2018 đạt 27,5 tỷ, 6 tháng đầu năm 2019 đạt 12,6 tỷ đồng, đứng thứ nhất về doanh thu của toàn mạng lưới xe buýt thành phố.

Ngoài các kết quả trên, lãnh đạo Sở GTVT cũng nhấn mạnh, bên cạnh những ưu điểm về chất lượng dịch vụ, việc hình thành tuyến BRT và không gian dành riêng cho xe buýt còn góp phần tích cực nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, thay đổi nhận thức của người dân, tạo sự đồng thuận của cộng đồng xã hội trong việc triển khai các giải pháp ưu tiên phát triển VTHKCC để từng bước giải quyết vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô. 

Đề cập đến giải pháp để phát triển, phát huy hiệu quả, mục tiêu của BRT trong thời gian tới, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, tuy đã đạt được những kết quả ban đầu, tuy nhiên BRT vẫn đang tồn tại một số hạn chế, đó là tình trạng lấn làn, chạy vào làn đường dành riêng cho BRT vẫn diễn ra phổ biến mặc dù cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý thường xuyên. Cùng với đó, về hạ tầng BRT cũng chưa đáp ứng đủ điều kiện để BRT hoạt động hết khả năng khi trong 14,7 km đường dành riêng hiện vẫn còn gần 2 km đoạn gần bến xe Yên Nghĩa BRT đang phải đi chung đường với phương tiện hỗn hợp. Những nguyên nhân này đã làm hạn chế khả năng hoạt động, giảm tốc độ lưu thông của BRT.

Để từng bước giúp BRT vận hành hết khả năng, ổn định, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian tới Sở tiếp tục phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (đơn vị quản lý, khai thác) nghiên cứu thực hiện một số nội dung, gồm: Tiếp tục hợp lý hóa mạng lưới buýt để kết nối khách với BRT; mở rộng hành lang nhà chờ, bố trí các điểm trông giữ xe cá nhân để tạo điều kiện cho hành khách tiếp cận BRT; tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý xe cá nhân lấn đường, lấn làn BRT; tăng thêm các tiện ích trên xe buýt để nâng cao chất lượng dịch vụ… Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, ở các nước phát triển, xe buýt BRT đang đóng vai trò “chủ công” trong đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, giảm xe cá nhân, ở Hà Nội và cũng là cả nước BRT vừa đi vào hoạt động, và cần thêm thời gian, cơ hội để BRT khẳng định mình.

BRT là tuyến buýt đầu tiên “test” rượu bia lái, phụ xe

Nằm trong chương trình hợp tác giữa Tổng Công ty Vận tải Hà Nội - Transerco và Công ty Michinori (Nhật Bản), từ ngày 1/7/2019 tất cả lái, phụ xe vận hành trên tuyến buýt BRT trước khi được giao xe vận hành trên đường đều được kiểm tra chất gây nghiện. Đây là chương trình thử nghiệm áp dụng một số tiêu chí vận hành xe buýt tại Nhật Bản có tên gọi là “Điểm danh, kiểm tra nồng độ cồn và kiểm tra phương tiện trên tuyến BRT”. Theo ông Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT - Transerco (đơn vị vận hành), quy trình này gồm có 4 nội dung, gồm: Điểm danh đầu ca (kiểm tra trang phục, phù hiệu lái, phụ xe; Kiểm tra, đo nồng độ cồn; Thông báo những lưu ý đối với lái, phụ xe); Kiểm tra phương tiện đầu ca, bàn giao xe giữa ca, cuối ngày. Lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết, khi triển khai chương trình này, toàn bộ lái phụ xe được kiểm soát nồng độ cồn hàng ngày, nếu vi phạm lập tức bị đình tài ngay, BRT là tuyến đầu tiên đang triển khai chương trình này.

Dẫn đầu toàn mạng về vé tháng, thời gian di chuyển ảnh 1 Tuyến BRT là tuyến đầu tiên “test” nồng độ cồn lái xe trước khi vào ca làm việc
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.