Dân dài cổ chờ Vedan bồi thường

Dân dài cổ chờ Vedan bồi thường
TP - Hơn một năm kể từ ngày Cty Cổ phần hữu hạn Vedan (Cty Vedan) bị phát hiện hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, chúng tôi trở lại với những người dân ở xóm chài, xã Phước Thái, huyện Long Thành (Đồng Nai).

Có thể nói, nhìn dòng sông Thị Vải đã phần nào bớt ô nhiễm hơn, nhưng đời sống người dân ở đây vẫn còn nhiều trăn trở.

Dân dài cổ chờ Vedan bồi thường ảnh 1
Đánh cá trên sông Thị vải. Ảnh: Đức Minh

Vơi dần niềm hy vọng

Chỉ cái rạch nhỏ ngay trước sân nhà dẫn ra sông Thị Vải, anh Trần Văn Số ở ấp 1 A, xã Phước Thái nói: “Từ một năm trở lại đây, nước trên rạch này đã đỡ ô nhiễm đi phần nào. Nhưng coi vậy chứ mưa xuống là nước vẫn bốc lên hôi lắm”.

Mười mấy năm làm nghề đánh cá trên sông Thị Vải, nhưng đến khi nước sông ngày càng ô nhiễm không còn tôm cá, từ năm năm nay anh Số úp ghe lên bờ chạy xe ôm kiếm sống.

Cũng như anh Số, hầu hết các những người dân trong xóm đều bỏ nghề đánh cá kiếm việc khác làm. Anh Số kể: “Nghe nói được Cty Vedan bồi thường, năm trước tôi và nhiều người dân trong ấp viết đơn gửi đến Cty, nhưng rồi vẫn im hơi lặng tiếng. Sau đó ngoài xã lại kê khai lại theo hướng dẫn chung, tụi tôi lại nộp đơn, nhưng coi ti vi thấy cho đến nay nhà nước và Vedan chưa thỏa thuận được gì, có lẽ cũng không trông chờ gì Cty Vedan bồi thường”.

Đến xóm lưới ở ấp 1C, xã Phước Thái nơi có đông người dân trước đây làm nghề chài lưới trên sông Thị Vải, đời sống sông nước nơi đây có phần rộn rã hơn, hàng chục chiếc ghe lớn nhỏ đang neo đậu bên bờ rạch dẫn ra  sông Thị Vải.

Anh Trần Vinh, chủ một ghe lưới cá cho biết: “Hầu hết là ghe đánh cá bà con mới sắm lại từ vài tháng nay, riêng cái xóm này có khoảng 20 ghe cào lớn và chừng 50 ghe kéo lưới nhỏ. Chứ trước đây khi sông Thị Vải bị ô nhiễm nặng gần như cả xóm chài phải bỏ nghề, cả xóm chỉ còn hai chiếc ghe làm nghề nhưng phải đi đánh cá thật xa”.

Ngồi tụm năm tụm ba trên ghe đánh cá,  những người dân đánh cá ở xóm chài kể  sau khi Cty Vedan bị cấm xả nước thải, một thời gian sau cá tôm nhiều lên, nhiều người trở lại nghề đánh cá. Nhưng nay cá tôm lại ít đi ghe lớn đi một lần đánh được chừng 200- 300 ngàn đồng là mừng rồi, còn loại ghe nhỏ mỗi chuyến đi chỉ kiếm được 50 – 100 ngàn đồng nên nhiều người ngán ngẩm kéo ghe lên bờ.

Cũng là dân đánh cá ở ấp 1C, nhưng anh Nguyễn Văn Thoan đã bỏ ghe theo nghề thợ lặn và sửa máy móc kiếm sống. Anh Thoan kể mấy năm rồi dân đánh cá ở đây bỏ nghề đi chạy xe ôm, làm công nhân, ghe để mục hết, nay nhiều người quay lại vay mượn sắm ghe đánh bắt cá và trông chờ Cty Vedan hỗ trợ để trả nợ, nhưng kiện tụng như vậy e khó quá.

Anh Thoan cũng kê khai thiệt hại khoảng 100 triệu đồng, nhưng anh cũng không hy vọng lắm vào điều này.

Dân dài cổ chờ Vedan bồi thường ảnh 2
Anh Trần Vinh chuẩn bị cho chuyến chài lưới trên sông Thị Vải

Giải thưởng cho Vedan: Chuyện lạ

Ông Lê Văn Tân, Chánh văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai: “Thông thường các bộ, ngành xét tặng giải thưởng nào đó cho doanh nghiệp đều tham khảo ý kiến của địa phương về việc doanh nghiệp có chấp hành tốt về bảo vệ môi trường hay không.

Việc Cty Vedan được giải thưởng “Sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng” tôi cũng biết được qua thông tin báo chí, theo cá nhân tôi một doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng trong công tác bảo vệ môi trường như vậy là không nên được chọn trao giải”.

Nghe nói Cty Vedan vừa được nhận danh hiệu “Sản phẩm vì an toàn sức khỏe cộng đồng năm 2009”, anh Thoan giật nảy người: “Lạ quá, theo tôi là không thể được, chuyện Cty Vedan lén lút xả nước thải gây ô nhiễm môi trường ai cũng biết và họ đã khắc phục xong đâu”.

Còn ông Trần Vinh cũng phản ứng: “Vedan nhận giải thưởng như vậy là không xứng đáng”. Chỉ tay sang những ống khói của nhà máy Vedan,  ông Vinh cho biết: “Những khi nhà máy xả khói thì hôi lắm, còn nước sông cũng vẫn ô nhiễm, tui phải đi qua đến huyện Cần Giờ cách xa 50 cây số mới trông có cá”.

Tiếp chúng tôi ở UBND xã Phước Thái, ông Vũ Văn Thủy - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã ngạc nhiên: “Cty này đang bị thưa kiện chưa giải quyết xong, sao lại trao giải? Chỉ riêng xã này đã có 1.400 đơn kiện của nông dân đòi Cty Vedan bồi thường. Với lại sản phẩm doanh nghiệp làm ra có an toàn, chất lượng đến đâu nhưng việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường là không chấp nhận được”.

Chị Phạm Thị Dung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Thái thì tỏ vẻ lo lắng trước tình hình trả nợ ngân hàng của các hội viên bởi hàng trăm triệu đồng do Hội đứng ra vay tín chấp đã được các hội viên  đầu tư vào mua ghe lưới đánh cá nhưng tình hình trả nợ hàng tháng đang có dấu hiệu trục trặc.

Chị Dung cho biết: “Thấy sông Thị Vải có cá trở lại, nhiều gia đình đã vay vốn mua ghe, lưới. Mấy tháng đầu còn có cá, nhưng gần đây chị em vay vốn than ghe chài lưới thì nhiều, nhưng cá không có bao nhiêu”.

MỚI - NÓNG