'Dân đã quen với việc giá xăng dầu lên xuống'

'Dân đã quen với việc giá xăng dầu lên xuống'
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc điều hành thường xuyên của các bộ ngành đã giúp giá xăng dầu đi sát thị trường và người dân đã quen với việc lên xuống liên tục.

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội chiều nay, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời các câu hỏi của đại biểu quốc hội về 4 vấn đề chính, trong đó có nợ công, thu chi ngân sách và cơ cấu hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga - đoàn Thái Nguyên - về các vấn đề liên quan đến giá xăng dầu và Nghị định 84, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết văn bản này và việc điều hành thời gian qua vẫn cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

"Chúng ta đề cao việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự điều hành của Nhà nước. Trong một năm qua, giá xăng dầu của chúng ta cơ bản theo thị trường, rất thường xuyên. Đến bây giờ, đồng bào, nhân dân cả nước, các cơ quan đơn vị đã quen với giá xăng dầu thường xuyên lên xuống", ông Dũng nói.

Bộ trưởng Tài chính dẫn chứng, trước đây, giá xăng dầu đôi lúc điều hành giật cục để tránh tác động lên lạm phát khiến mỗi lần điều chỉnh, bước giá nhảy rất cao. Trong khi đó, nếu giá được điều chỉnh thường xuyên thì sẽ tránh được cú sốc lên nền kinh tế vĩ mô.

Riêng về hoạt động của Quỹ Bình ổn giá, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, về bản chất, người tiêu dùng phải trả đủ theo giá thị trường. "Quỹ Bình ổn và lợi nhuận định mức của doanh nghiệp như một cái van để điều chỉnh một cách giá xăng một cách uyển chuyển. Năm 2013 có 10 lần tăng giá, đầu năm 2014 có khoảng 12 lần điều chỉnh thì đều dùng cái van này".

Ông Đinh Tiến Dũng nói thêm, ngày 3/6 vừa qua, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp và nghe lại Nghị định 84 sửa đổi và đã có kết luận. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ chỉnh sửa lần cuối, đưa ra lấy ý kiến thành viên Chính phủ và sớm trình thủ tướng ký ban hành.

Về nợ công, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, dù con số tuyệt đối có tăng nhưng hiện vẫn trong ngưỡng an toàn. Khả năng trả nợ được duy trì tốt. "Vấn đề khó khăn nhất là nợ đang dồn cục đáo hạn vào năm 2016 và 2017. Chính phủ đã thực hiện vay đảo nợ mà không phát sinh nghĩa vụ trả nợ mới để giãn thời hạn", ông nói.

Theo người đứng đầu Bộ Tài chính, việc xử lý nợ của Vinashin hiện giới hạn trong công ty mẹ cùng 8 công ty con. Đến nay, nghĩa vụ nợ của Vinashin đã giảm được 70%.

Theo Hạ Minh - Lê Sáng

Theo Zing
MỚI - NÓNG