Dân chủ & trách nhiệm

Dân chủ & trách nhiệm
TP - Tuần qua có nhiều sự kiện gây sự quan tâm, chú ý của dư luận với những cảm xúc đan xen, cả vui buồn lẫn hoang mang lo lắng.

Người dân vui mừng và tán đồng trước quyết định sáng suốt, hợp lòng dân của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam rút đăng cai Asiad 18! Hàng chục, hàng trăm triệu đô la sẽ được tiết kiệm để đầu tư cho những lĩnh vực thiết yếu khác như giáo dục hay chăm sóc sức khỏe.

Người dân hoang mang và lo lắng khi dịch sởi lan tràn, tại Hà Nội bệnh nhân mắc sởi nằm la liệt khắp hành lang các BV, các y bác sĩ tại BV Nhi T.Ư kiệt sức, số trẻ tử vong tăng vùn vụt… Báo chí buộc phải đặt câu hỏi “Bộ Y tế có giấu dịch ?”.

Sự kiện “bảo vệ thử” không thành công của Bộ GD&ĐT trước UB Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình – SGK, về khái toán 34 ngàn tỷ đồng buộc dư luận phải đặt nhiều câu hỏi, nhất là việc bộ này sẽ tiêu tiền ra sao, phương pháp và cách thức làm chương trình và SGK thế nào…?

Nhưng dù vui buồn hay lo lắng, dù chuyện lớn hay chuyện nhỏ, nhưng khi việc dân việc nước được đem ra bàn luận một cách dân chủ trên công luận như vừa qua là một dấu hiệu tốt đáng được ghi nhận.

Chủ trì và chuẩn bị đăng cai Asiad là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL; lo cảnh báo và phòng ngừa dịch cho dân là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế; nếu cứ thay SGK, mua sắm đồ dùng dạy học luôn xoành xoạch tốn tiền thuế của dân, mà chất lượng giáo dục vẫn “báo động” là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Cử tri và người dân có quyền chất vấn tư lệnh các lĩnh vực này, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Đây cũng là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của việc phát huy quyền làm chủ của người dân.

Nhìn lại những sự kiện trên thấy rằng, các ĐBQH đang ngày càng phát huy vai trò trách nhiệm là người đại biểu của dân. Trên thực tế, chỉ sau những chất vấn thẳng thắn, quyết liệt của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đối với Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, những vấn đề bất cập của công tác chuẩn bị đăng cai Asiad 18 mới phơi lộ, báo chí mới có thông tin để vào cuộc.

Chỉ khi lãnh đạo Bộ GD&ĐT “bảo vệ thử” một cách chật vật đề án đổi mới chương trình-SGK, trước những chất vấn mạnh mẽ của UBTV Quốc hội, báo chí mới có thêm thông tin để tiếp tục góp ý, phản biện, buộc bộ này phải tiếp tục giải trình, cung cấp thêm những thông tin chi tiết hơn, và cuối cùng Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã chính thức bác bỏ con số khái toán 34 ngàn tỷ đồng đầy tai tiếng nêu trên.

Cũng chỉ với sức ép của công luận, mấy ngày qua dường như Bộ Y tế mới thực sự vào cuộc chống dịch sởi, số ca tử vong và nhiễm mới được cập nhật và công khai, người dân mới được thông tin và hướng dẫn đầy đủ về cách phòng chống dịch, hàng chục điểm tiêm vaccine miễn phí mới được thiết lập tại Hà Nội.

Như vậy, hoạt động chất vấn của Quốc hội, vai trò giám sát, phản biện của công luận và báo chí đang ngày càng được phát huy trong việc góp phần tăng cường trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu các cơ quan điều hành, hoạch định chính sách. Hay nói cách khác quyền làm chủ của người dân đang ngày càng được coi trọng.

Còn nhớ trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. “Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
TPO - Hà Nội lên tiếng hàng nghìn căn hộ sai phạm của 'đại gia điếu cày' chưa được cấp sổ; Bình Thuận chấp thuận đầu tư dự án bất động sản hơn 12.000 tỷ; Cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án Công viên Phùng Khoang; Chủ dự án sân golf Việt Yên bị phạt;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 13/12.