"Dân bay" Hà thành - Họ là ai ?

"Dân bay" Hà thành - Họ là ai ?
Chân dung của “dân bay” Hà thành là những "cậu ấm cô chiêu" vô công rồi nghề, những "thiếu gia" tiêu tiền như đốt, những SV con nhà gia giáo, thậm chí là giám đốc công ty...

Việc các cơ quan công an, đặc biệt là CA TP.HCM và Hà Nội liên tiếp triệt phá các “động lắc” đã thực sự gióng hồi chuông báo động về một lối sống thiếu lành mạnh trong một bộ phận giới trẻ.

Chân dung “dân bay”

Hầu hết trong số 20 “dân bay” bị bắt giữ tại “động lắc” Linh Chi (quận Long Biên) tập trung ở các phố, phường trung tâm Thủ đô như Hàng Đào, Đồng Xuân, Hàng Gai, Hàng Bạc… Đây cũng là những dãy phố nổi tiếng buôn bán sầm uất nhất chốn Hà thành.

Các “cậu ấm cô chiêu” trong vụ này, già nhất sinh năm 1980, trẻ nhất mới 16 tuổi, nhìn vào bản danh sách do cơ quan CA cung cấp, hầu hết họ đều là những người không nghề nghiệp.

Trong số này, cô gái Nguyễn Minh Tuyết (SN 1987) có hoàn cảnh khá đặc biệt. Cô sinh ra tại Đức, rồi bố mẹ bỏ nhau, lúc Tuyết ở với bố, lúc sang với mẹ, lúc lại sống với họ hàng tại phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm.

Mới tiếp xúc với cô gái này, không ai có thể nghĩ Tuyết là một cô gái hư hỏng. Không được quản lý chặt chẽ, Tuyết tự do kết giao chúng bạn. Trong số bạn Tuyết có cô gái tóc vàng hoe cùng tuổi, “dạt” từ Quảng Ninh lên Hà Nội tên Hoàng Huyền Thủy.

Theo như lời một người chú của Tuyết, chính Thủy đã lôi kéo cháu gái họ đến với “động lắc” Linh Chi. Tại cơ quan điều tra, trong số 5 cô gái bị bắt tại Linh Chi, Thủy nổi lên như một “đàn chị”.

Trong lúc các bạn gái khác phải lấy hai tay ôm mặt, gục đầu xuống gối thì Thủy vén mái tóc vàng, ngẩng cao đầu có phần “kiêu hãnh”, và nói với phóng viên báo Tiền Phong: Ngày mai phải đăng ảnh em ra trang nhất đấy nhé(?!).

Cùng bị bắt tại “động” Linh Chi, hai cậu trai Nguyễn Đình Vương (SN 1981, ở phố Cầu Gỗ) và Lưu Văn Đoàn (1984, ở phố Gia Ngư) đều là con nhà buôn bán. Gia đình Đoàn bán quần áo ở chợ Gia Ngư, mẹ Vương cũng có cửa hàng buôn cặp trong khu phố cổ, kinh tế có phần khá giả.

Chưa có tiền án tiền sự, song theo một số người dân khu phố thì Vương và Đoàn thường tụ tập chúng bạn trong các cuộc chơi “tàn canh gió lạnh”. Đoàn học hành dở dang, còn Vương có “oách” hơn, đã hoàn thành xong tấm bằng THPT.

Trong hai “dân bay” này, người ta tiếc cho Vương nhiều hơn, vì theo một số người dân phố thì “chất chơi” của cậu này vẫn chưa sánh được với Đoàn. Vương đã từng sống rất lành mạnh, là tuyển thủ đội bóng ở địa phương. Biết Vương “dính” vụ Linh Chi, nhiều người dân phường Hàng Bạc chỉ còn biết tặc lưỡi: Chắc cu cậu bị bạn xấu rủ rê, lôi kéo...

Trẻ nhất trong số các “dân bay” bị bắt tại các “động” Hà Nội vừa qua là Tô Thị Hương Quyên (15 tuổi, quê Thái Bình). Sinh ra trong gia đình phức tạp, bố mẹ và các anh đều có tiền án, Quyên có biểu hiện chai sạn và hư hỏng sớm.

Đáng chú ý, Hà Nội vừa phá 4 “động lắc”, song đã có dấu hiệu cho thấy có những “dân bay” thuộc loại “đánh chết cũng không chừa”. Cô gái Trần Bình Thuỷ (SN 1987, trú tại khu bãi rác Thành Công) từng bị bắt giữ tại Hương Xuân trước đó đã lại kịp tìm đến “động lắc” 275 Đê La Thành.

Cũng bởi với các “dân bay”, cơ quan CA chỉ có thể tạm giữ, xử phạt hành chính, rồi lại thả. Nếu không được gia đình quản lý chặt chẽ, những “dân bay” chưa biết sợ lại có thể tìm đến những “động lắc” mới và tiếp tục thác loạn…

Gia giáo cũng “lắc”

"Dân bay" Hà thành - Họ là ai ? ảnh 1
Trong số “dân bay” có cả con nhà gia giáo

Cũng không phải ác cảm vô cớ, khi nhắc đến các vụ ăn chơi thác loạn của dân “sành điệu”, người ta nghĩ ngay đến những đối tượng con nhà có quyền thế, và tất nhiên là có tiền. Góp mặt trong hàng chục “dân bay” bị bắt giữ tại các “động lắc” Hà thành vừa qua, đã có nhiều “cậu ấm cô chiêu” như thế.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, Nguyễn Thị Lan (1986, ở phố Nguyễn Hữu Huân) là cháu gái một vị nguyên Thứ trưởng. Là con gái duy nhất trong một gia đình dư thừa về tiền bạc, Lan từng được bố mẹ cho đi du học Anh quốc, song cô đã bỏ ngang, về nước. Sau khi bố mẹ ly thân, Lan theo bạn bè chơi bời, và việc dính vào thuốc lắc như một hệ quả tất yếu.

Trường hợp như Trần Long (1986) cũng rất đáng tiếc. Bố là Giám đốc một xí nghiệp thuộc ngành CA, mẹ là cán bộ hải quan, cậu học trò này vẫn có tiếng ngoan ngoãn trong một khu phố đẹp nhất làng khoa học Ngọc Khánh. Cũng là con trai duy nhất trong gia đình, được bố mẹ nuông chiều từ nhỏ, từ những năm học cấp ba, Long bắt đầu có biểu hiện chơi bời, nhiều hôm đi chơi khuya. Gia đình bắt đầu ra sức quản lý chặt, song chuyện xấu vẫn xảy ra.

Hôm bị bắt, giống như nhiều “dân bay” khác, Long đã khai lệch địa chỉ thật của gia đình, phải rất mất công các phóng viên mới xác minh được nơi ở của “thiếu gia” này. Ở một góc độ nào đó, Long cũng như một số “dân bay” khác vẫn có chút ân hận muộn màng về hành vi của mình, không muốn việc làm sai quấy của họ ảnh hưởng đến thanh danh gia đình.

Nếu chỉ dừng lại ở những gương mặt trên, có thể người ta vẫn chưa hình dung được hết “chân dung” của những “dân bay” Hà thành. Còn có nhiều người được học hành và có công ăn việc làm đàng hoàng, song không hiểu sao vẫn sa vào tệ nạn.

Lương Kỳ An (1986) bị bắt tại “động lắc” Linh Chi hiện là sinh viên Nhạc viện Hà Nội. “Động” 275 Đê La Thành cũng góp mặt hai sinh viên Vũ Hương Lan (1984, sinh viên báo chí năm thứ ba) và Nguyễn Đăng Định (1984, sinh viên ngành Ngân hàng).

Không như một số “dân bay” có hoàn cảnh gia đình éo le, gia đình Lan cũng như Định đều là những gia đình gia giáo. Bố Lan là giảng viên một học viện lớn tại Hà Nội, bố Định cũng là một người có địa vị xã hội cao.

Gia đình, bạn bè và nhà trường nơi Lan và Định đang theo học đều bị “sốc” khi nghe tin dữ. Bị bắt giữ tại “động lắc” 275 Đê La Thành, Lan từng giải thích với một tờ báo rằng, cô bị chúng bạn rủ rê, và cũng muốn “tìm hiểu thực tế để viết bài”. Thật không hiểu nổi “nữ đồng nghiệp tương lai” của chúng tôi có những suy nghĩ gì?!

Nhân vật cuối cùng chúng tôi muốn “điểm” trong bài viết này là Giám đốc một Cty TNHH, tên là Hưng. Bị Phòng CSĐT tội phạm về Trật tự Xã hội Công an Hà Nội bắt giữ tại “động lắc” Hương Xuân, đến ngày hôm sau Hưng vẫn còn “bay”.

Tình cờ gặp lại, chàng giám đốc gốc Nghệ này kể hôm đó đi chơi cùng lũ bạn. Vào đến phòng “lắc” được bọn chúng đưa cho chai LAVIE, Hưng ngửa cổ uống sạch, rồi không biết trời đất gì nữa(?!).

Có hàng trăm ngàn lý do mà “dân bay” đưa ra để giải thích cho hành vi của họ. Hàng chục gương mặt “dân bay” cũng là hàng chục hoàn cảnh, hàng chục số phận khác nhau. Một “mẫu số chung” để “quy đồng” và nhận diện “dân bay” Hà Thành? Thật quá khó! Đành phải lấy lời một “thiếu gia” trong cuộc để giải thích: Chúng tôi đều là những người thèm khát “cảm giác lạ”! Đua xe trái phép, quay cuồng với các màn thoát y vũ, và “cắn” thuốc lắc…

Chẳng nhẽ cứ phải tìm đến tệ nạn, những bạn trẻ này mới có cảm giác “làm mới” và chứng minh được bản thân?

MỚI - NÓNG