Dân bản Sắt vẫn phải chui nhà bạt

Một góc khu tá túc của người dân bản Sắt
Một góc khu tá túc của người dân bản Sắt
TP - Hơn nửa tháng trước, tỉnh Quảng Bình cho di dời tạm thời toàn bộ bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh đến nơi an toàn tránh nguy cơ sạt lở núi. Nhưng nay, hơn 150 người dân bản Sắt vẫn phải chui rúc trong những ngôi nhà bạt bên bìa rừng mà không thể về nhà vì cả dãy núi có nguy cơ đổ ập bất cứ lúc nào. 

Bản Sắt có 34 hộ dân tộc Vân Kiều với 152 nhân khẩu, sống trong một thung lũng giữa rừng Trường Sơn. Trong trận “đại hồng thuỷ” vừa qua, bản Sắt đã vượt qua rốn lũ Tân Hóa (Minh Hóa) trước đây để lập kỷ lục về mức độ ngập sâu nhất và dài ngày nhất của tỉnh Quảng Bình. 

Khu “tá túc” của người dân bản Sắt nằm phía đối diện bản, trên một khu đất cao ráo, nước lũ vẫn ngập trắng cánh đồng bản Sắt. Hàng chục chiếc lán được bộ đội Biên phòng dựng lên để người dân tạm thời tránh mưa nắng. Cạnh đó, một phòng học cũng là chiếc lán nhưng rộng hơn đã hoàn thành, dành cho các cháu mầm non và tiểu học của bản Sắt.

Trong những chiếc lán tạm bợ là nơi sinh hoạt của 152 con dân bản Sắt, hầu hết vật dụng sinh hoạt là từ các đoàn cứu trợ. Bếp nấu là những hòn đá kê tạm; giường ngủ, nhà nào khá thì kê mấy tấm ván, còn lại đa số là trải bạt trên nền đất để nằm. Người lớn ở bản Sắt tất tả vượt rừng nhận hàng cứu trợ, còn lại trong lán là những đứa trẻ ngơ ngác nhìn người lạ.

“Lụt nước ngập hết nhà, không mang theo được chi hết. Áo quần, chăn màn, đồ ăn, nước uống đều nhờ các nhà hảo tâm hết. Lũ rút rồi mà không được về nhà, sợ núi sập lắm. Không biết đến khi mô có bản mới đây, ở như ri cực lắm”, chị Hồ Thị Mua nói.

Trưởng bản Muôn cho biết: Trận “đại hồng thủy” đi qua, người dân bản Sắt gần như trắng tay, ai may mắn lắm thì còn lại cái xác nhà. Ngôi nhà của Muôn bị nước lũ đánh sập. Ban đầu, cứ tưởng chỉ di dời vài ngày tránh lũ rồi về, ai ngờ núi chờ chực sập xuống, nên nơi ở tạm thành nơi ở chính, thiếu thốn trăm bề.

Đặt tính mạng người dân lên hàng đầu

 Theo Nguyễn Văn Muôn (20 tuổi), trưởng bản Sắt, Lũ vùi bản Sắt từ ngày 4/10 và cho đến nay vẫn chưa rút hết. 

Từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây vào bản Sắt mất hơn 8km đường rừng. Ngày thường đi lại đã khó khăn, lũ lụt ập về con đường trơn trượt và sạt lở nhiều điểm khiến việc đi lại hết sức khó khăn. Những ngày đầu ngập lụt, không một đoàn cứu trợ nào có thể vào đến bản Sắt, Muôn cùng với phó bản (cũng 20 tuổi) đã lội bộ ra đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dựng bạt túc trực để xin hàng về cứu trợ người dân. Lúc nào có đoàn cứu trợ, Muôn lại lon ton chạy bộ về bản để gọi người ra nhận hàng. Có đoàn cho 5 gói mì tôm với áo quần cũ, Muôn cũng vượt 8km đường rừng bở hơi tai về gọi dân bản ra nhận. “Lũ lụt cuốn trôi hết, ai cho chi quý nấy, bà con cần lắm. Đều chạy bộ hơi mệt tí”, Muôn nói.

Muôn kể, hôm lũ lên cao nhất, đêm đến núi Sắt sau lưng bản nổ ầm ầm như sấm. Mặc dù được di dời đến nơi an toàn trước đó, nhưng dân bản vẫn hoảng loạn. Muôn biết, núi Sắt sắp đổ ụp xuống và sẽ vùi lấp nhà cửa, dân bản sẽ không còn nơi để trở về. “Sáng ra em chạy lên núi xem, nhiều góc núi đã bị sạt xuống, còn trên đỉnh núi thì xuất hiện một đường nứt lớn, dài chừng 700m. Sợ quá, em chạy về báo cho bộ đội Biên phòng và lãnh đạo xã” - Muôn kể.

Trước tình cảnh bi đát của người dân bản Sắt, ngày 5/11, ông Trần Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Bình và bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh Quảng Bình đã vượt rừng, lội bộ vào thăm bà con bản Sắt. Ông Trần Thắng đã chia sẻ và động viên bà con nỗ lực vượt qua khó khăn trước mắt để ổn định cuộc sống. Đồng thời yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho bà con đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm, không để bà con thiếu đói. 

Tại đây, ông Trần Thắng lãnh đạo giao huyện Quảng Ninh nghiên cứu phương án hợp lí để tái định cư cho người dân bản Sắt, không để người dân trở về nhà trong bối cảnh nguy cơ sạt lở núi luôn rình rập. “Có hai lí do để buộc phải di dời toàn bộ bản Sắt đến nơi khác, đó là ngập lụt và nguy cơ sạt lở núi. Dù biết, việc phải rời xa quê hương bản quán sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đối với bà con, nhưng an toàn tính mạng phải đặt lên hàng đầu. Tôi đã chỉ đạo các ngành chuyên môn của tỉnh, tích cực hỗ trợ huyện Quảng Ninh để khu tái định cư mới của người dân bản Sắt sớm hoàn thành” - ông Thắng nói.

MỚI - NÓNG