Đâm trâu trong lễ hội ở Tây Nguyên

Đội cồng chiêng nhí cũng gây được ấn tượng tại Lễ hội khánh thành nhà rông ở làng Klâu Ngol, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum.
Đội cồng chiêng nhí cũng gây được ấn tượng tại Lễ hội khánh thành nhà rông ở làng Klâu Ngol, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum.
TP - Trong các lễ hội có gắn kèm nghi thức đâm trâu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, con trâu hiến tế cột dưới gốc cây nêu chính là tâm điểm linh vật của cả cộng đồng. Tuy nhiên, trước những quan điểm khác biệt ngày nay về lễ hội, quanh tục đâm trâu còn đó những băn khoăn...

Vật hiến tế thân thương

Trong nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên khánh thành nhà rông, mừng lúa mới, lập làng mới, mừng giọt nước, cúng cho người hết ốm đau v.v... dân làng thường tổ chức đâm trâu. Ngày nay, tục đâm trâu chỉ còn ở vài lễ hội lớn như khánh thành nhà rông, lập làng mới... 

Dưới góc nhìn văn hóa, các nhà nghiên cứu đúc kết: Việc lấy trâu làm vật hiến tế quanh cây nêu thể hiện sự kết nối giữa con người với thần linh (Giàng). Dân làng hiến trâu mong Giàng phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, chiến thắng các đối thủ, trồng tỉa được mùa, thu lúa đầy kho, ngô đầy giàn, săn bắt được nhiều thú rừng và không ốm đau, bệnh tật. 

Con trâu hiến tế cột dưới cây nêu, giữa vòng xoang và tiếng cồng chiêng ngân vang đại ngàn là tâm điểm lễ hội. Nhiều người không mấy am hiểu về truyền thống văn hóa bản địa đã nhầm lẫn gọi tên những nghi lễ này là lễ hội đâm trâu, ăn trâu. Thực chất, đâm trâu chỉ là 1 trong những nghi thức hiến tế của lễ hội.

Nghi thức của một lễ hội có đâm trâu rất cầu kỳ, được bà con chuẩn bị trước đó nhiều ngày. Trong lễ khánh thành mừng nhà rông ở làng Klâu Ngol, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum), già làng A Ksor Nơ cho biết trước đó một tuần, đàn ông trong làng đã phân công nhau đi chặt cây về làm cây nêu, hàng rào và cắm cờ quanh nhà rông. Phụ nữ chuẩn bị gạo nếp, gia vị nấu nướng.

Con trâu hiến tế phải là con trâu đực, tơ, mập mạp mua trong làng. Nếu mua ngoài làng, phải dắt về làng trước đó vài ngày, cột tại cây nêu trước nhà rông, đàn ông đánh chiêng, phụ nữ múa xoang thâu đêm quanh con trâu, vừa để báo với Giàng vật hiến đã sẵn sàng, vừa để con trâu thích nghi với cảnh tượng huyên náo. Gần sáng, đội cồng chiêng đi tới từng gia đình nhận quyên góp từng nắm gạo, con gà, trái bí, ché rượu cần…, tùy lòng hảo tâm gia chủ. Sản vật này được gùi về nhà rông để phục vụ lễ hội.

Khi mặt trời lên đến chỏm đầu, nghi lễ chính thức bắt đầu. Đội cồng chiêng người lớn mặc trang phục truyền thống đi ngược chiều kim đồng hồ vòng quanh cây nêu cột con trâu, vừa đi vừa đánh chiêng. Khi con trâu được dũng sĩ đâm gục, mọi người khiêng trâu ra xẻ thịt. Đội cồng chiêng nhí tuổi thiếu niên vào thay, vừa để thế hệ trẻ trổ tài, tiếp nối truyền thống, vừa để đội chiêng cao niên lo việc mổ trâu, làm các món ăn phục vụ lễ hội.

Bảo tồn văn hóa truyền thống

Câu tế của già làng A Hlưh tại lễ hội mừng nhà rông ở làng Klâu Ngol có nội dung như sau: “Ớ Giàng! Cầu mong Giàng cho nhà rông bền, dân làng có cơm ăn, áo mặc, giàu có. Mọi người làm đứng, ăn ngồi, nghỉ nằm, có nhà ở, sức khỏe dồi dào”. Hay như người Giẻ-Triêng ở huyện Đăk Glei (Kon Tum) khi đâm trâu tế Giàng cũng khấn: “Ớ Giàng! Cầu mong Giàng phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn, không ốm đau, bệnh tật…”. Câu tế thể hiện ước nguyện tâm linh chính đáng, bản chất mộc mạc, đơn sơ.

Đâm trâu trong lễ hội ở Tây Nguyên ảnh 1

Già làng chùn tay trước vật hiến tế.

Khách đến dự lễ hội ai cũng được dân làng nhiệt tình mời ăn uống, múa xoang thâu đêm. Dự nhiều lễ hội có đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên, tôi chưa từng thấy lễ hội nào xảy ra chuyện giận hờn, to tiếng. Sự cộng hưởng niềm vui trong lễ hội giúp con người quên đi mệt nhọc thường ngày, sống tốt với nhau hơn.

Ngày cuối lễ hội (thường là ngày thứ ba), diễn ra lễ ăn đầu trâu, uống rượu ghè quý cúng Giàng. Ở nghi lễ này, già làng và những người có uy tín ngồi lại với nhau rút kinh nghiệm tổ chức, bàn bạc cách giúp người bệnh tật, nghèo khó neo đơn, xem xét nhắc nhở hoặc có hình thức xử phạt với những ai vi phạm luật tục. Đây cũng là một nét đẹp văn hóa, giúp buôn làng chung sống có kỷ cương, pháp luật.

Từng có ý kiến cho rằng việc đâm trâu trong lễ hội là dã man, gây thiệt hại sức kéo đối với nông dân, nên bỏ. Tuy nhiên, theo dân làng, nếu bỏ nghi thức đâm trâu tế Giàng thì lễ hội sẽ mất ý nghĩa truyền thống.

Hơn nữa, ngày nay chỉ những lễ hội lớn như lễ hội khánh thành nhà rông (thường hai, ba chục năm mới tổ chức một lần), mỗi lần tổ chức cả cộng đồng góp tiền mua trâu nên không thể nói là gây thiệt hại về kinh tế.

Nhiều già làng khẳng định: “Đồng bào cũng cần được ăn thịt trâu giàu dinh dưỡng để bồi bổ sức lực sau những ngày lao động vất vả! Trong một số lễ hội lớn, việc cộng đồng chung sức góp trâu tế thần còn góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”. 

Nhiều người không mấy am hiểu về truyền thống văn hóa bản địa đã nhầm lẫn gọi tên những nghi lễ này là lễ hội đâm trâu, ăn trâu. Thực chất, đâm trâu chỉ là 1 trong những nghi thức hiến tế của lễ hội.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.