Đạm Phú Mỹ và chính sách “giải cứu” nông dân

Đạm Phú Mỹ và chính sách “giải cứu” nông dân
TP- Giá phân bón liên tục tăng phi mã trong thời gian qua, cùng với việc chất lượng phân bón bị thả nổi trên thị trường khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

Trong hoàn cảnh đó, chính sách bán một giá và triển khai  hệ thống bán lẻ đến tận người tiêu dùng của Đạm Phú Mỹ được kỳ vọng như một hướng giải cứu cho người nông dân.

Đạm Phú Mỹ và chính sách “giải cứu” nông dân ảnh 1
Nông dân Tây Nguyên hồ hởi với chính sách bán hàng một giá của Đạm Phú Mỹ

Nông dân trong “vòng vây” phân bón

Ông Lý Văn Đức là nông dân nổi tiếng nhất của vựa cà phê Krông Năng, Đắk Lắk, ông Đức vừa là “tổng công trình sư” của công trình bẻ dòng sông Krông Năng chảy về tưới cho hàng trăm hécta đất nông nghiệp ở xã Ea Tam, vừa là một nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền của huyện Krông Năng.

Nhưng khi chúng tôi tìm đến lại thấy ông Đức đang u sầu trước rẫy cà phê vàng vọt. Ông Đức than thở rằng đầu năm 2008 đã bỏ 30 triệu đồng để mua phân bón cho hơn 1 hécta cà phê nhưng không những cà phê không ra cành non mà còn dần trở nên héo vàng, chắc chắn vụ mùa tới sẽ thất thu nghiêm trọng.

Tương tự như ông Đức, thời gian qua rất nhiều nông dân Tây Nguyên lâm vào tình cảnh tiền mất tật mang vì phải thắt lưng buộc bụng hoặc thậm chí vay mượn nhưng lại mua phải phân bón kém chất lượng khiến vườn cây bị mất mùa. Nông dân chỉ biết than trời mà không biết kêu cứu ai.

Ông Trần Quốc Việt - Chi Cục phó Chi cục Quản lý thị trường Đắk Lắk thừa nhận rằng, với đội ngũ cán bộ và phương tiện làm việc hiện nay, đơn vị này chỉ có thể kiểm tra về nhãn mác và việc niêm yết giá, còn chất lượng bên trong của những bao phân bón thì đành chịu thua.

Sở NN&PTNT là đơn vị trực tiếp quản lý về chất lượng các loại phân bón sử dụng trong trồng trọt. Tuy nhiên lãnh đạo Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết chưa đào tạo được cán bộ có chuyên môn và chưa được trang bị đầy đủ các loại thiết bị để có thể kiểm tra chất lượng của các loại phân bón.

Cũng có những cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng quá trắng trợn, bị quần chúng tố giác mạnh mẽ và bị cơ quan điều tra phát hiện ra sau khi thực hiện hàng loạt các biện pháp nghiệp vụ phức tạp, nhưng vì luật chưa chặt nên việc xử phạt lại rất nhẹ nhàng và thiếu tính răn đe.

Đơn cử như trường hợp công an tỉnh Đắk Nông làm rõ được vụ tại một đại lý phân bón ở xã nghèo Đắk Mol huyện Đắk Song có đến 19 tấn phân bón kém chất lượng mang nhãn hiệu NPK THAPICO nhưng sau đó nhà sản xuất này chỉ bị phạt hơn 18 triệu đồng và... được chở số phân trên về nhà máy để tái chế.

Tây Nguyên là địa bàn trọng điểm của phân bón kém chất lượng, vì cà phê là loại cây ngốn nhiều phân bón nhất, một hécta cà phê cần đầu tư trung bình từ 2,5 đến 3 tấn phân hóa học mỗi năm. Loại cây trồng này chủ yếu sử dụng phân bón NPK - loại phân bón hỗn hợp của đạm, lân, và kaly được trộn với cao lanh làm chất kết dính nên rất dễ bị làm hàng giả, hàng kém chất lượng.

Với diện tích khoảng 450.000 hécta cà phê, mỗi năm địa bàn Tây Nguyên cần đến hơn 1 triệu tấn phân bón với chi phí trên 10 ngàn tỷ đồng. Thị trường phân bón bị thả nổi như hiện nay, nông dân Tây Nguyên có thể mất đến cả ngàn tỷ đồng mỗi năm, chưa kể thiệt hại về mùa vụ vì dùng phân bón kém chất lượng có thể gây thiệt hại gấp nhiều lần con số này.

Trước tình hình phân kém chất lượng tràn lan, nhiều cán bộ khuyến nông đang nỗ lực khuyến cáo nông dân hạn chế mua phân hỗn hợp NPK mà mua phân bón đơn là đạm, lân và kaly sau đó tự pha chế.

Đạm Phú Mỹ và chính sách “giải cứu” nông dân ảnh 2
Hệ thống cửa hàng bán hàng một giá của Đạm Phú Mỹ đã về đến các huyện vùng sâu vùng xa của Tây Nguyên

Chính sách “giải cứu” của Đạm Phú Mỹ

Có thể giải thích ngắn gọn đạm là loại phân bón đơn cung cấp ni - tơ ôxit cho cây trồng, và là thành quan trọng bật nhất trong loại phân bón hỗn hợp NPK. Phần lớn lượng phân đạm trên cả nước hiện nay được cung cấp bởi Đạm Phú Mỹ.

Kể từ đầu tháng 8/2008, Đạm Phú Mỹ thực hiện bán hàng một giá trên toàn quốc. Với chính sách này của Đạm Phú Mỹ, nông dân vùng sâu vùng xa không chỉ được mua giá phân bón của đồng bằng, mà họ còn yên tâm về chất lượng phân bón bởi Đạm Phú Mỹ đang nỗ lực triển khai hệ thống đại lý rộng khắp đến tận tay nông dân trên cả nước.

Để có thể thực hiện được chính sách bán hàng một giá, ngoài việc việc đảm bảo vận hành nhà máy sản xuất phân đạm để cung cấp chi thị trường sản lượng ổn định 740.000 tấn/ năm, đồng thời triển khai kế hoạch nhập khẩu để lấp bớt lổ hổng nhu cầu phân đạm trong nước, Đạm Phú Mỹ còn đầu tư phát triển hàng loạt các đại lý và cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình đến tận các địa phương. Đến nay, Đạm Phú Mỹ đã xây dựng được 38 đại lý và 1.335 cửa hàng trực thuộc hệ thống đại lý để bán hàng đến tận tay nông dân.

Để tránh tình trạng gian lận có thể xảy ra trong quá trình phân phối từ nhà máy đến tay người tiêu dùng, ngoài việc tăng thêm biên chế đội ngũ kiểm tra giám sát, Đạm Phú Mỹ còn thành lập đường dây nóng tại các vùng miền để tiếp nhận phản ánh của bà con nông dân.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam còn gửi công văn đến các bộ gồm Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT đề nghị hỗ trợ việc kiểm tra, giám sát các cửa hàng và đại lý trong hệ thống phân phối của Đạm Phú Mỹ.

Việc bán hàng một giá trên toàn quốc và bán thấp hơn mức giá phân nhập khẩu làm ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận và cổ tức của các cổ đông Đạm Phú Mỹ. Tuy nhiên lãnh đạo Đạm Phú Mỹ đã kêu gọi các cổ đông chia sẻ với quyết định này để góp phần vào công cuộc bình ổn giá cả và kiềm chế lạm phát.

Kể từ khi thực hiện chính sách bán hàng một giá, hệ thống các đại lý phân phối của Đạm Phú Mỹ cũng bị mất đi một khoản thu đáng kể do họ không còn được quyền phát giá. Tuy nhiên khi trả lời phỏng vấn, chủ các đại lý này đều tỏ ra ủng hộ chính sách bán hàng một giá của Đạm Phú Mỹ.

Bà Hồ Thị Phượng - chủ đại lý phân bón Hai Ngọc ở xã Ea Yong (Krông Pắk, Đắk Lắk) phân tích: Nếu nhà sản xuất nào cũng thực hiện chính sách bán hàng như Đạm Phú Mỹ, thì dân sẽ không bị mất mùa do tránh được việc dùng phải phân bón kém chất lượng, các đại lý nhờ vậy cũng sẽ tránh được tình trạng bị nông dân nợ đìa hay thậm chí là xù nợ vì không có tiền trả nợ.

Cũng như nhiều nông dân khác, ông Nguyễn Văn Xuân  - nông dân ở huyện Đắk Hà, Kontum lạc quan bày tỏ: Nếu như Đạm Phú Mỹ triển khai thành công hệ thống đại lý bán lẻ và chính sách bán hàng một giá trên toàn quốc, ông hi vọng rằng các nhà sản xuất phân bón lớn khác cũng sẽ tiếp bước của Đạm Phú Mỹ. Lúc đó, nông dân sẽ được mua phân bón trực tiếp của các nhà máy có thương hiệu mạnh và uy tín, tránh tình trạng tiền mất tật mang trong thị trường phân bón bát nháo như hiện nay.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.