Đẫm lệ một sáng thu Hà Nội

Đẫm lệ một sáng thu Hà Nội
TP - Sáng 13/10, Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử hành trọng thể từ 7 giờ tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Sau Lễ truy điệu, linh cữu Đại tướng được di chuyển bằng máy bay về an táng tại quê nhà Quảng Bình, theo di nguyện của ông.

> Em bé 4 tuổi lau nước mắt cho mẹ tại lễ tang Đại tướng
> Hà Nội: Nước mắt rơi trên đường Hoàng Diệu

5giờ 30 phút sáng, khi sương sớm phủ khắp Hà Nội, bốn hàng tiêu binh đại diện cho ba lực lượng lục quân, hải quân, không quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam nghiêm cẩn như những bức tượng túc trực trước cửa Nhà Tang lễ Quốc gia. Đứng đầu hàng tiêu binh là một sỹ quan cầm cờ rủ buộc dải băng đen, hai sĩ quan mang kiếm lệnh. Phía đối diện là dàn quân nhạc. Tất cả đều yên lặng chờ tới giờ phút thiêng liêng.

6 giờ 58 phút, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu. Quốc ca vang lên. Sau lễ Chào cờ, đúng 7 giờ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Lễ tang, đọc điếu văn tri ân những công lao to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Chia sẻ về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư nói: Đây là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân, Quân đội ta và gia quyến đồng chí. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta suy tôn đồng chí là Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí in đậm trong lòng dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo. “Thưa Anh Văn! Anh ra đi nhưng hình ảnh và những cống hiến to lớn của Anh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc sống mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế”, Tổng Bí thư xúc động nói.

Trong tiếng nhạc bài “Hồn tử sĩ”, toàn thể nhân dân dành một phút mặc niệm Đại tướng.

 “Chưa có vị tướng nào được cả thế giới tôn vinh như bác Giáp. Cả dân tộc sẽ khắc cốt, ghi tâm hình ảnh của ông, những nhân cách cao cả. Vì thế, từ 4h sáng tôi đã đến phố Hoàng Diệu xếp hàng, mong được đứng ở gần người nhất, được đưa tiễn Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng”. 

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Hòa

7 giờ 15 phút, Trưởng nam của Đại tướng, ông Võ Điện Biên, thay mặt gia quyến đáp từ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước tình cảm mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận, Quân đội, đồng bào, đồng chí trong cả nước, các đoàn đại biểu các nước anh em, bè bạn, các vị trong đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế đã dành cho Đại tướng những ngày qua; cảm ơn các giáo sư, bác sĩ, y tá và nhân viên phục vụ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tận tình, ân cần chăm sóc Đại tướng đến giây phút cuối cùng.

“Chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết rằng, mọi lời ca ngợi với Đại tướng là lời ca ngợi đối với Bác Hồ, với các thế hệ lãnh đạo của Đảng, với tất cả đồng bào và chiến sỹ đã hy sinh và đóng góp bằng tâm trí và máu xương trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. Đấy là lời ca ngợi đối với tất cả những người con ưu tú của đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ và gìn giữ mảnh đất này” - ông Võ Điện Biên nói.

Hàng triệu người con đất Việt nghẹn ngào khi lắng nghe những lời chia sẻ tiếp từ trưởng nam của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trong giây phút này, xin phép được ngẩng đầu tạ ơn tiên tổ của đất nước Việt Nam, tạ ơn anh linh của tất cả những anh hùng liệt sỹ từ hàng nghìn năm nay đã ngã xuống vì mảnh đất này và luôn luôn đồng hành cùng Đại tướng trong cuộc trường chinh cho tới giờ phút cuối cùng. Đại tướng cả đời vì nước vì dân và lúc mất đi chắc chắn tinh thần của Đại tướng sẽ hòa cùng tinh thần của hàng trăm, hàng chục triệu người dân nước Việt, biến thành sức mạnh vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng”.

Đúng 7 giờ 40 phút, lễ di quan bắt đầu. Đi trước linh cữu, hai sĩ quan mang di ảnh Đại tướng, một sĩ quan mang bảng huân chương và một sĩ quan nâng Quốc kỳ trước ngực. Mười sĩ quan làm lễ di quan Đại tướng lên linh xa. Ít phút sau, cỗ linh xa chở linh cữu Đại tướng bắt đầu chầm chậm rời khỏi Nhà tang lễ trong tiếng nhạc trầm buồn của bài “Hồn tử sĩ”.

Phía ngoài Nhà tang lễ, dù lễ truy điệu chính thức diễn ra từ 7 giờ sáng, nhưng từ 5 giờ, rất nhiều người dân đã đổ về khu vực quanh Nhà tang lễ và các ngả đường trong suốt lộ trình đưa linh cữu Đại tướng ra sân bay với mong muốn được lần cuối nhìn thấy ông trước khi ông về đất mẹ Quảng Bình. Những con phố nơi đoàn linh xa đi qua như quanh lăng Bác Hồ, Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, Xuân Thủy, Phạm Văn Đồng... cho tới sân bay Nội Bài, người dân đứng cứng chật hai bên đường để tiễn biệt Đại tướng.

Khi đoàn linh xa vừa tới ngã tư đầu tiên, ngã tư Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông, nhiều người hô vang “Đại tướng muôn năm”, “Đại tướng muôn năm”. Tiếng hô vừa dứt, nhiều người òa khóc. Có người không đứng vững, cúi rạp người xuống. Có những cựu binh đứng nghiêm, chào theo nghi thức nhà binh và đôi mắt đỏ hoe cho tới chiếc xe cuối cùng của đoàn linh xa khuất bóng.

Nếu nhìn từ trên cao, có thể thấy hai hàng chỉ màu xanh chạy suốt những con đường mà đoàn linh xa đi qua. Họ chính là những sinh viên tình nguyện đứng nối hàng, nắm tay nhau làm nhiệm vụ. Nhiều đoạn, khi linh xa đi qua, nhiều tốp sinh viên tình nguyện đồng loạt quỳ xuống. Nước mắt lại rơi trên những khuôn mặt đã nhiều ngày góp sức trẻ của mình cùng Nhà nước tổ chức tang lễ Đại tướng một cách chu toàn nhất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG