Đám lá tối trời và pháo đài đất

Ký họa “Pháo đài đất” của họa sĩ Hữu Trãi (hội VHNT Long An)
Ký họa “Pháo đài đất” của họa sĩ Hữu Trãi (hội VHNT Long An)
TP - Long An có câu chuyện kỳ bí về 'đám lá tối trời và pháo đài đất' từng là mục tiêu X của Mỹ. Mỹ đã huy động tất cả phương tiện chiến tranh hiện đại, kể cả hóa chất khai quang trút xuống 'đám lá tối trời và pháo đài đất' của một nông dân Tân Trụ kiên cường, thi gan với bom đạn.
Đám lá tối trời (dừa nước)
Đám lá tối trời (dừa nước).

Mục tiêu X

Ở miền tây Nam bộ, có vài địa danh lịch sử có tên gọi đám lá tối trời để chỉ đám dừa nước rậm rạp, kín bưng là nơi che phủ căn cứ địa kháng chiến của nhân dân.

Tỉnh Tiền Giang có đám lá tối trời thuộc xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông là căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp của nghĩa quân Trương Định trong những năm 1861-1864. Trước đây, đám lá tối trời kéo dài mấy xã, toàn là dừa nước mọc chen chúc nhau, tán cao bóng rợp che khuất ánh mặt trời, đi vào vùng ấy như ban đêm nên gọi là đám lá tối trời. Đám lá tối trời được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 10-8-2004. Trà Vinh có đám lá tối trời là căn cứ chống Mỹ ở xã Nhị Long, huyện Càng Long.

Sự thật về mục tiêu X ở Long An là gì mà Mỹ trút nhiều bom đạn xuống? Đài hướng dẫn của không quân Mỹ ở Sài Gòn gọi đó là mục tiêu X, còn cánh phi công thường gọi là pháo đài Tân Trụ.

Ngược dòng lịch sử, vào một ngày nắng đẹp năm 1966, máy bay trinh sát của Mỹ tình cờ phát hiện một hình ảnh khả nghi giống như một lô cốt dã chiến bên cạnh vệt đen dài. Rồi cả một bộ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ- Ngụy ở Sài Gòn-Long An loan tin xôn xao: Có một pháo đài kiên cố của Việt cộng vừa được xây dựng cạnh đám lá tối trời (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, Long An). Các nguồn tin do thám khác đều khẳng định chắc chắn về một pháo đài mới xây dựng.

Liên tiếp mấy ngày sau đó, các cơ quan quân sự Mỹ xác lập tác chiến, cử ngay một phi đội ra lệnh đánh sập pháo đài vừa phát hiện, tiêu diệt ngay những mầm mống và nguy cơ đe dọa Sài Gòn và Long An. Nhiều phi vụ được lệnh cất cánh, với hàng chục tấn bom đã đổ xuống mục tiêu X.

Cả bộ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ ở Sài Gòn thở phào nhẹ nhõm khi máy bay trinh sát thông báo pháo đài đã bị đánh sập. Mục tiêu X đã bị xóa sổ làm cho các quan chức quân sự và CIA Mỹ hí hửng mở tiệc ăn mừng chiến thắng.

Nhưng sau một thời gian ngắn, những hình ảnh của máy bay trinh sát chụp từ trên cao cho thấy pháo đài được làm cao hơn, trên đỉnh còn có biểu tượng sơn hai màu xanh - đỏ (giống như cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) khiến Mỹ hoang mang, hồ nghi. Lại lần nữa, máy bay Mỹ cất cánh, oanh tạc pháo đài mục tiêu X với quy mô lớn hơn.

Trở lại chiến trường xưa ở Long An, một trung úy phi công Mỹ xác nhận, ông ta và đồng đội không thể nhớ chính xác bao nhiêu lần oanh tạc. Thậm chí có ngày hai, ba phi vụ cất cánh. Càng về sau, không lực Mỹ càng vô vọng và chán ngán thật sự cái pháo đài ma vô hình dưới mặt đất, nhưng mỗi lần đi ném bom ở đâu đó trở về, còn bao nhiêu bom thừa, phi đội được lệnh trút hết xuống đó.

Ông Chín Thanh - chủ nhân pháo đài đất
Ông Chín Thanh - chủ nhân pháo đài đất.

Pháo đài bằng đất ruộng

Sự phát hiện của người Mỹ và các phương tiện chiến tranh hiện đại là chính xác về đám lá tối trời và một pháo đài. Trừ một việc… Họ không bao giờ biết được rằng, người trấn giữ và xây dựng pháo đài đất là một nông dân 50 tuổi, trong tay không có bất kỳ vũ khí nào ngoài một chiếc xuồng, bộ cuốc xẻng và cái chày nện đất.

Ông tên là Nguyễn Văn Thanh, thường gọi là Chín Thanh, nhà ở cạnh đám lá tối trời. Trở lại tìm dấu vết xưa, chúng tôi gặp ông Mười Chưa, 71 tuổi, người ở cùng xóm với ông Chín Thanh. Ông kể, ông Chín cất chòi ở trong ruộng, cạnh đám lá tối trời. Vợ con thấy lạ, gạn hỏi thì ông nói “Đi phụ anh em trong đám lá tối trời”.

Rồi suốt ngày đêm ông loay hoay đào đắp một cái nền cao và rộng. Ai thấy cũng lạ cứ tưởng ông đắp nền cất nhà. Chẳng bao lâu, ông Chín Thanh cũng đắp lên một ụ đất cao, đắp đến đâu, ông dùng chày nện thật chặt rồi đắp tiếp.

Theo lời ông Mười Chưa, thời gian ông Chín Thanh đắp cái tháp khoảng 3 - 4 tháng, hình vuông, cao khoảng chục mét, như một cái lò nung gạch. Ông Chín làm một đường bậc thang xoắn ốc từ đỉnh xuống đáy tháp. Xung quanh tháp, ông nặn đắp nhiều tượng Phật, để xua bom đạn, ông tin như vậy.

Từ ngày cái tháp của ông Chín Thanh lồ lộ xuất hiện, cả một vùng suốt đêm ngày rung chuyển bom đạn Mỹ. Bà con đinh tai nhức óc vì pháo đài dụ Mỹ thả bom của ông Chín, còn ông cười khà khà: “Tui không sợ chết, hổng lẽ bà con sợ tiếng bom”?

Nhiều người dân kể lại, ông Chín như bác Ba Phi, một nông dân rặt lại nghĩ ra cách đùa với đạn bom của Mỹ. Trong khi các phi công Mỹ căng mắt nhìn mục tiêu X để ném bom và nơm nớp lo sợ bị bắn trả từ trong pháo đài, ông bình thản nằm nhổ râu trong tháp và uống nước trà.

Sau mỗi đợt bom, ông ra xem chỗ nào bị sứt mẻ hay sụp lở, lại vác cuốc, chống xuồng chở đất về đắp vá, nện lại như cũ. Nhiều ngày liên tiếp không thấy máy bay đến dội bom, ông rất buồn nghĩ chắc tụi phi công quên chỗ, nên lấy cái thùng phuy sơn 2 màu xanh - đỏ dựng cao trên nóc tháp. Từ trên cao nhìn xuống thấy màu cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, vậy là bom đạn lại ào ào trút xuống.

Ông còn chê tụi phi công Mỹ dở ẹt, ném hoài mà không trúng pháo đài. Vợ con ông cằn nhằn và sợ cho ông, thì ông lý sự: “Một ngày công đào đất đáng giá có 5 đồng, còn mỗi trận bom tụi nó tốn tiền muôn bạc vạn. Lời quá tay còn gì!”.

Mấy năm Mỹ ném bom mà ông già Chín khỏe re, cuối cùng ông bị chết vì đạp mìn năm 1972. Cái pháo đài sau ngày giải phóng cũng lần hồi bị san bằng và đám lá tối trời cũng bị con người chặt dọn làm ruộng, vuông tôm…

Ký họa “Pháo đài đất” của họa sĩ Hữu Trãi (hội VHNT Long An)
Ký họa “Pháo đài đất” của họa sĩ Hữu Trãi (hội VHNT Long An).

Phục hồi di tích làm du lịch

UBND tỉnh Long An đã thông qua kế hoạch phục hồi di tích Đám lá tối trời từ cuối năm 2009. Theo thiết kế, diện tích khoảng 11 ha, phục dựng lại những công trình của căn cứ kháng chiến như trạm quân y, khu giải phẫu, phòng điều dưỡng thương binh, phòng họp, kho vũ khí, đài quan sát... Cái tháp của ông Chín Thanh năm xưa có thể cũng sẽ được đắp lại...

Dự kiến năm 2011 khởi công dự án, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Long An hy vọng khu di tích Đám lá tối trời sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách đến với miền đất hiền hòa ven sông Vàm Cỏ Tây.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.