Dầm mưa, ngừa dịch
Thiếu tá Đinh Thế Anh, Phó đồn trưởng biên phòng cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình) dõi mắt về phía xa, nơi trập trùng hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ, chạy dọc biên giới rồi nói với chúng tôi: Trong số những nơi gian khó thì lán chốt ở Bản Thín trên đỉnh Mẫu Sơn là xa xôi, hiểm trở nhất.
Cuối tháng 12, trời chuyển sang đông, thi thoảng xuất hiện những cơn mưa rả rích càng làm thời tiết ở miền biên viễn mạn đông bắc xứ Lạng thêm rét buốt. Thiếu tá Thế Anh tâm sự: “Dân gian có câu rằng: Ở với chó không bằng hứng gió Chi Ma, quả không sai. Cái rét thổi thốc cắt da, cắt thịt. Trên đỉnh núi cao cái lạnh càng kinh khủng hơn. Thế nên, cán bộ, chiến sỹ biên phòng túc trực tại các lán phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách”.
Theo báo cáo của đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma, để phòng chống dịch COVID-19 đơn vị thành lập 17 lán cố định trên tuyến biên giới. Tại khu vực Bản Thín- Mẫu Sơn có 3-4 cán bộ, chiến sỹ kết hợp với dân quân của 3 xã (Mẫu Sơn, Yên Khoái, Tú Mịch) của huyện Lộc Bình xây dựng thành 2 điểm chốt, mỗi điểm cách nhau chừng 1km. Các điểm này, các chiến sỹ túc trực 24/24 giờ.
Thiếu tá Thế Anh cho biết, mỗi lần từ trụ sở đồn lên điểm chốt Bản Thín phải mất gần 5 giờ đi bộ. Nhiều hôm gặp mưa, đường trơn thì mất nửa ngày. Đến nơi, thấy hoàn cảnh anh em mà nghẹn lòng. “Gặp nhau là mừng lắm, vì trên đỉnh núi chỉ có mây mù và cỏ cây. Tôi từng trực chốt nên thấu hiểu tâm tư, tình cảm của anh em. Ngoài việc nhớ nhà, người thân thì việc động viên gia đình an tâm là việc thường xuyên của người lính biên phòng. Nhất là các chiến sỹ trẻ, người thân liên tục điện thoại tới căn dặn phải đeo khẩu trang, dùng nước rửa tay diệt khẩu và súc miệng bằng nước muối hàng ngày. Đêm khuya trên đỉnh Mẫu Sơn không có điện, chỉ có ánh lửa bật bùng. Đã vậy, nơi đây không có sóng điện thoại, mọi người phải treo điện thoại lên cành cây phía rừng thông để giữ liên lạc. Mưa rét thì phủ thêm cái bịch nilông, cứ có chuông thì chạy ra nghe, rồi lại treo ở đó”. Thiếu tá Thế Anh kể lại.
“Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn thiết lập 103 lán chốt dã chiến, cơ động trên địa bàn biên giới với địa hình đồi, núi cao, hiểm trở để tham gia phòng chống dịch COVID-19 và xuất nhập cảnh trái phép. Nhiều tấm gương sáng từ những chiến sỹ trẻ, học viên biên phòng”.
Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy Bộ chỉ huy biên phòng Lạng Sơn
Thử thách
Bên cạnh những cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại địa phương, trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 Học viện Biên phòng (thuộc Bộ tư lệnh bộ đội Biên phòng) đã cử các học viên đi thực tế và tham gia thực hiện công việc canh giữ đường biên.
Trên 100 học viên tăng cường cho các đồn biên phòng ở tỉnh Lạng Sơn có 12 chiến sỹ trẻ đến công tác tại Đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma.
Hạ sĩ Nông Văn Tiến (SN 1998, lớp 12A chuyên ngành phòng, chống ma túy và tội phạm, Học viện Biên phòng) cho biết, đến đồn biên phòng Chi Ma gặp ngay cái rét đầu mùa làm người co cứng. Tuy nhiên, được sự động viên, chỉ bảo các biện pháp phòng, chống rét của chỉ huy nên anh em dần quen và thích nghi với môi trường mới.
Tiến tâm sự, trong thời gian công tác ở Chi Ma, các học viên được luân chuyển công tác thực tiễn ở nhiều nơi trên địa bàn đồn biên phòng phụ trách. Ấn tượng hơn cả là được canh gác ở Bản Thín và tham gia đội cơ động 41 của đồn biên phòng lập chốt ở khu vực mốc 47, 48 thuộc bản Co Sa (xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình).
Cùng tâm trạng với Tiến, hạ sỹ Nguyễn Quang Huy (SN 1999) tâm sự rằng, bên cạnh những khó khăn về thời tiết thì việc phải đối mặt với các loại rắn, rết, côn trùng, ong rừng cũng là những thử thách với những người lính trẻ.
“Có nhiều hôm, lúc nửa đêm, bỗng nhiên sấm chớp đùng đùng, cánh lính trẻ gọi nhau chống bạt, đẩy những vũng nước trên đầu đi chỗ khác. Giữa đêm khuya, chúng em ôm súng, ôm nhau, truyền hơi ấm để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Đó là kỷ niệm thật đẹp, không bao giờ phai”. Hạ sỹ Huy nói.
Các chiến sỹ trẻ bày tỏ, việc vận chuyển nhu yếu phẩm, đồ dùng lên vị trí tiền tiêu này vô cùng khó khăn. Ví như, mang được một bình nước từ chân núi lên chốt có khi phải mất vài tiếng đồng hồ nên những phần việc này, học viên biên phòng thường giành phần đảm nhiệm.
Sau đêm mưa gió, sáng ra mặt trời ló rạng, các chiến sỹ gọi nhau phơi quần áo và nấu mì tôm cho bữa ăn đầu ngày.
“Ở trên chốt mưa lạnh đôi khi cũng có tác dụng. Đêm đến, dù không có điện nhưng do tinh mắt, lính trẻ mang bình ra hứng nước mưa, sương. Qua một đêm cũng thu được chừng 20 lít, đủ dùng để đánh răng, rửa mặt, pha một ấm chè”. Tiến hào hứng kể.
Thiếu tá Thế Anh cho biết, với bản chất của người lính Cụ Hồ, cán bộ, chiến sỹ và các học viên biên phòng bám trụ tại các điểm lán, chốt ở Chi Ma quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa”. Bộ đội đã có nhiều sáng kiến, cách làm để có nước sạch, lương thực, thực phẩm đủ cung cấp dinh dưỡng hàng ngày.
Nói đoạn, Thế Anh chỉ cho tôi thấy những luống rau đang lên xanh tốt cạnh các lán chốt trên rẻo đường biên. Ngoài giờ trực, anh em cùng nhau, vỡ đất tăng gia, cải thiện cuộc sống.
Giữ vững thế trận
Thiếu tá Thế Anh cho biết: Trong khi đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, hoạt động tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép được các đối tượng người Trung Quốc cấu kết với người Việt Nam ở gần biên giới, thông thạo địa hình gia tăng tổ chức đưa, đón người theo đường mòn, đường “xương cá” ở những nơi hẻo lánh. Một số người dân do không có công ăn việc làm, ham lợi trước mắt, đã đồng lõa tham gia. Xác định rõ thủ đoạn, lực lượng biên phòng đã có nhiều giải pháp triển khai đồng bộ các phương án kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng cố tình vi phạm.
Theo báo cáo, từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã phát hiện hàng chục vụ và trường hợp xuất nhập cảnh trái phép qua đường mòn, ngõ tắt, trong đó xử lý hình sự 11 vụ/27 đối tượng.
Khi khói lam chiều đang lan tỏa trên những nếp nhà ẩn hiện giữa núi non trùng điệp, hơi ấm gia đình đang bập bùng bên bếp lửa, thì trên những cung đường tuần tra, những người lính quân hàm xanh vẫn vững bước tuần tra, giữ chắc phên dậu đảm bảo bình yên cho quê hương, đất nước.
(còn nữa)