Vợ bỏ trốn sau ba ngày cưới
Đó là câu chuyện của gia đình bà Nguyễn Thị Nhị (63 tuổi, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang). Hai lần xách nón đi cưới dâu, thì cả 2 nàng dâu đều bỏ trốn không lý do.
Về Vĩnh Phong, hỏi nhà anh Lâm Văn T. (33 tuổi) bị vợ bỏ, ai cũng xót xa thay cho gia cảnh mẹ con bà Nhị, dường như duyên số của anh T. chỉ đến thế là cùng. Vợ chồng bà Nhị thuộc diện khó khăn, chỉ có mình anh T. là con trai, nên bà mong con sớm lấy vợ cho bà nhờ.
T. đến tuổi thành niên, theo lẽ thường là phải đi tán gái rồi cưới một cô vợ như bao trai làng khác. Khổ nỗi, thằng con bà không biết tán gái, chưa bao giờ thấy nó dẫn cô gái nào về nhà. Thôi thì con trai kém khoản tán gái, bà bắt đầu lên kế hoạch đi tìm mối cho thằng con một cô gái quê.
Anh T. đến giờ vẫn không hiểu lý do nào khiến hai cô vợ bỏ đi.
Lân la mãi cuối cùng cũng có người giới thiệu cho bà Nhị cô gái Nguyễn Thị H. (28 tuổi) ở ấp bên, tuổi của H. cũng không còn trẻ nữa, ba H. đã mất, chị em H từ nhỏ sống bấu víu vào mẹ nay cũng già lọm khọm. Nghe có người hỏi H. làm vợ, mẹ H. đã gật đầu ngay.
H. được xóm làng đánh giá là cô gái thùy mị, nết na, đã và đang được nhiều trai làng dòm ngó. Hai gia đình đều nghèo, bà Nhị cảm thấy cũng môn đăng hộ đối nên quyết định chấm H. làm con dâu.
Chính tay bà dắt con trai đến gặp H. để hai đứa biết mặt nhau. T. trước giờ vẫn khù khờ khi tiếp xúc với con gái, khi gặp cô gái, T. không biết nói gì nên phó thác chuyện lấy vợ cho mẹ quyết định. Đám cưới rộn ràng chỉ sau vài ngày mai mối, đàng trai ra mắt đàng gái rất xôm tụ. Bà Nhị dù nghèo khó vẫn cố gắng vay mượn tổ chức đám cưới rình rang cho con trai mát mặt với thiên hạ. Dân làng nườm nượp tới chúc tụng và mừng vì T. lấy được vợ.
Đêm tân hôn, T. háo hức chuyện động phòng thì H lại lấy cớ "có chuyện" nên khất hôm khác. T. hụt hẫng nhưng ráng chờ đợi, vì nghĩ vợ chồng ăn ở với nhau cả đời đâu phải một đêm. Tuy nhiên, đêm thứ hai, rồi thứ ba, H. vẫn từ chối gần gũi chồng. T. tỏ ra bực tức, anh không hiểu vì lý do gì, vợ mình đi cưới xin đàng hoàng mà giờ phải chịu cảnh "mỡ treo miệng mèo".
Mấy ngày về làm dâu, H. luôn tỏ ra là người phụ nữ của gia đình, chuyện nhà cửa bếp núc cô chu toàn, chuyện đối nhân xử thế với mẹ chồng cô cũng rất ngọt ngào. Bà Nhị thấy viên mãn vì cô con dâu. Trong câu chuyện với chồng, tự nhiên H. hỏi chi phí đám cưới hết bao nhiêu? T. thật thà cho vợ biết, hết tầm 30 triệu và giờ vẫn phải vay nợ. Nghe thế H. nói sau này sẽ trả lại toàn bộ số tiền ấy nhưng người chồng không nghi ngờ gì trong câu nói của vợ mà chỉ thấy lạ vì sao vợ không cho chồng gần gũi.
Ba ngày sau đám cưới, T. mang cặp vịt sang nhà vợ để làm mâm cơm lại mặt. Được về nhà sau ba ngày làm dâu, H. mừng rỡ ra mặt. Khi tiệc tùng đang rôm rả, chồng đang chén chú chén anh ở trong thì H. xin phép mọi người ra ngoài tiệm làm móng tay một chút. Mọi người vui vẻ gật đầu.
Tàn cuộc nhậu vẫn chưa thấy vợ đi làm móng tay về, mẹ cô gái chạy ra tiệm hỏi thì được biết H. chưa từng đến đây. Quay trở về, bà thông báo con gái sự biến mất. Lúc này, T. ngà ngà say đã bực tức nói ra chuyện từ ngày cưới, H. chưa cho chồng gần gũi một lần nào. Lúc này, mọi người ngớ ra, bà Nhị vô cùng tức giận, yêu cầu nhà gái phải có trách nhiệm đi tìm H. về giao lại cho nhà chồng. Nếu nhà gái không tìm được con dâu cho bà, thì phải bồi thường danh dự và toàn bộ chi phí cưới hỏi bà đã bỏ ra.
Dù đã tỏa đi tìm khắp nơi, thậm chí sợ con gái nghĩ quẩn nên nhà gái vạch từng gốc cây, bụi cỏ, để nếu không thấy người thì cũng phải thấy xác, bóng dáng H. vẫn biệt tăm.
Mẹ H. cho biết, thật ra con gái bà không hề đồng ý cuộc hôn nhân này, là do thương mẹ, thương đàn em nheo nhóc nên H. miễn cưỡng gật đầu cho xong. Kịch bản H. bỏ trốn thì chưa ai nghĩ tới, ai cũng đinh ninh rằng, đã lấy chồng thì dù thế nào H. cũng miễn cưỡng mà sống.
Nhà gái mặt mũi ê chề, không biết phải giải quyết việc này thế nào với bên nhà trai. Những cuộc tìm kiếm vẫn diễn ra, nhưng vô ích, H. đã cao chạy xa bay đến phương trời nào chẳng ai biết. Nhà gái đành kéo quân xuống năn nỉ nhà trai, xin bỏ qua và chấp nhận bồi thường chi phí cưới xin. Tuy nhiên, nhà trai không đồng ý mà chỉ khăng khăng đòi cô dâu, vì họ cho rằng làm như thế thì T. sẽ mất duyên, sau này làm sao lấy được vợ.
Bồi thường bằng… người
Tình hình phức tạp, nhà gái phải nhờ chính quyền địa phương vào cuộc để thương lượng. Có lời nói của chính quyền, bà Nhị đồng ý bỏ qua nhưng yêu cầu bồi thường 12 triệu tiền cưới.
Tưởng như thế đã xong, chỉ cần trao tiền nữa là ổn. Nhưng ngặt nỗi, khoản tiền 12 triệu đó quá lớn, nằm ngoài khả năng của nhà gái. Nhà gái đến gạo còn chạy ăn từng bữa thì đào đâu ra con số tiền triệu để bồi thường. Hạn nộp tiền đã đến mà nhà gái vẫn chưa chạy được một xu, đành sang khất và xin lỗi nhà trai khiến nhà trai không biết phải xử lý nhà gái thế nào trong việc này.
Sau khi biết nhà gái còn cô em gái của H. là Nguyễn Thị Diệu H. (26 tuổi), bà Nhị ra điều kiện trao đổi, bây giờ không lấy tiền bồi thường nữa mà lấy cô Diệu H. thay chị gái làm dâu. Em gái H. nghe được đã giãy nảy lên, cô khóc lóc van xin gia đình đừng gả mình đi. Bên này thì kỳ kèo, thuyết phục H, bên kia mẹ con bà Nhị hối thúc liên tục. Bây giờ không chịu gả Diệu H. thì phải trả tiền, chọn cách nào?
Trước hoàn cảnh oái oăm của gia đình và để mẹ già bớt khổ, Diệu H. đã đồng ý. Đám cưới của cô em không được tổ chức rình rang như cô chị. Chỉ là nhà trai mang cặp vịt qua nhà gái gọi là lễ tuyên bố rước H. về làm dâu. Để cho chắc ăn không để cô em nối gót theo chị bỏ trốn, phía nhà trai đã yêu cầu nhà gái làm giấy cam kết trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Giấy cam kết thực hiện xong, Diệu H. chính thức sang nhà T. làm vợ.
Sau 5 năm chung sống, H. sinh cho nhà trai đứa con trai kháu khỉnh. Tuy trong gia cảnh nghèo khó nhưng Diệu H. không một lời than thở, hết lòng vì chồng con, hiếu thuận với cha mẹ chồng. Cuộc sống của vợ chồng T. từng một thời rất hạnh phúc, chồng đi làm, vợ ở nhà nội trợ và chăm con. Khi đã yên tâm trong khoảng thời gian khá dài, con cái cũng có nên T. quyết định hủy tờ cam kết. Coi như món quà tặng vợ, và niềm tin vợ chồng không bị xói mòn bởi tờ giấy ràng buộc ấy nữa.
Khi tờ cam kết bị hủy bỏ, thì vợ T. cũng thay đổi một mạch 180 độ. Diệu H. bắt đầu ăn mặc đỏm dáng, hay đi làm móng làm tóc hơn và không còn hiền lành, thùy mị như trước nữa. Chồng nói một thì H. cãi lại hai, cô bất cần mọi chuyện. Có những hôm dù đi làm mệt về nhà, bụng đói lả nhưng H. không chịu nấu cơm cho chồng ăn. T. có nói thì H. hếch mặt không thèm trả lời và ôm con đi chơi.
Dường như đã có toan tính trước, trong một lần dắt con đi học, H. đã thừa cơ cao chạy xa bay, bỏ lại đứa con cho chồng nuôi. T. hoảng hốt đi tìm, huy động toàn bộ nhân lực trong cả hai dòng họ nhưng thông tin về vợ vẫn bặt vô âm tín.
Ê chề, nhục nhã, bà Nhị chỉ biết gục đầu khóc, tóc bà bạc trắng chỉ sau mấy ngày con dâu bỏ trốn. Bây giờ không thể sang nhà gái ăn vạ được nữa, dù sao Diệu H. cũng là dâu danh chính ngôn thuận, đã sinh được cháu cho gia đình bà và quan trọng là không còn tờ cam kết pháp lý nữa. Coi như trắng tay sau hai lần đi hỏi vợ cho con.
Gần một năm vợ đi khỏi nhà, T gượng dậy, làm lụng nuôi cậu con trai nhỏ. T chia sẻ: "Tôi có thể chấp nhận được chuyện không có vợ bên cạnh, nhưng tôi không thể hiểu tại sao vợ có thể nhẫn tâm bỏ con mà đi như vậy. Tình mẫu tử cô ấy cũng không cần thì tôi không lưu luyến gì nữa".
Ông Trịnh Tài Hương, Trưởng ấp Cạnh Điền III (xã Vĩnh Phong): "Câu chuyện cô dâu bỏ trốn sau ngày cưới, bắt em gái vào thay hoàn toàn có thật. Khi đó, cuộc hôn nhân giữa hai bên diễn ra là do mai mối. Cô dâu vì phản đối quyết định của cha mẹ nên đã bỏ nhà ra đi. Đàng gái không có tiền bồi thường cho nhà trai phải nhờ cô em thay thế chị làm vợ anh T.
Chính quyền địa phương lúc đó không thể can thiệp vì đây là cuộc hôn nhân do cô H. tự nguyện. Sau mấy năm chung sống, không biết vì lý do gì cô này đã bỏ đi. Anh T. chưa từng làm giấy đăng ký kết hôn với cả cô chị lẫn cô em".