Đấm chuông xứ người - không đơn giản

Đấm chuông xứ người - không đơn giản
TP - Đang có phong trào giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam ra nước ngoài với sự góp mặt của nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và Việt kiều. Đáng lưu tâm là chất lượng nghệ thuật ra sao?
Đấm chuông xứ người - không đơn giản ảnh 1

Nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu dù chỉ một mình, mỗi lần hát có thể bỏ trống phách nhưng không thể rời cây đàn nhị. Ảnh: Internet

Năm trước, có nghệ sĩ trẻ khoe với tôi một số bài đang trong giai đoạn hoàn thiện để sớm ra mắt album đầu tay. Sẵn vốn tiếng Anh cùng mối quan hệ với nhiều người nước ngoài, nghệ sĩ này dự định sau khi phát hành sẽ mang album đi giới thiệu cả ở nước ngoài.

Nhìn chung album có chất lượng, có một bài thuộc giọng vặt có tên Ngồi tựa song đào phối mới theo kiểu acapella (hát nhiều bè không nhạc đệm) khá thú vị. Có điều chưa từng có nam nghệ nhân nào hát bài này vì đây là bài dành cho nữ giới.

Quan họ bao giờ cũng có cặp - bài đối giọng với Ngồi tựa song đào là Ngồi tựa mạn thuyền của nam giới. Sau này dù sự phát triển quan họ ngày càng tách rời khỏi yếu tố văn hóa quan họ, rời làng quê, nhiều bài nam nữ hát lẫn lộn, nhưng riêng Ngồi tựa song đào nam giới vẫn không “bén mảng”. Chắc vì lời ca quá “liễu yếu đào tơ”.

Chẳng lẽ, đàn ông lại ngồi thao thức tới mức tựa vào song cửa sổ mà ngỡ song đào, để rồi “nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường để đó đợi ai” - mất hết khí phách nam nhi Kinh Bắc. Đem suy tư này tâm sự, hoá ra nghệ sĩ  nọ chọn đơn giản vì thích chứ không hề là biết bài của đối nữ.

Một người bạn vui mừng khoe chuẩn bị đi giới thiệu đàn nhị Việt Nam tại một vài nước châu Âu. Tiện tay khoe luôn tấm ảnh tốp nhạc cung đình Huế và cho biết sẽ giới thiệu cả nhã nhạc Huế gắn với hình ảnh này.

Trong ảnh đúng là dàn nhạc cung đình Huế thật, có điều bạn tôi không biết nhã nhạc không có sự tham gia của nữ giới. Điều này không chỉ ở nước ta mà Trung Quốc cũng vậy.

Nói như thế không có nghĩa âm nhạc cung đình không có nữ giới, chỉ có điều họ không có mặt ở các đội nhạc mang tính nghi lễ chính thống như nhã nhạc mà thôi. Lại đem giãi bày những vướng víu trong lòng ra cho người bạn kịp thời chỉnh sửa. Chuyến đi sau đó thành công.

Không chỉ nghệ sĩ trong nước, một số Việt kiều cũng tích cực giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam ra nước ngoài nhưng nhiều lúc chưa thực sự đủ đầy. Cách đây chưa lâu, có một tốp nghệ sĩ được một Việt kiều mời đi biểu diễn cho giới trí thức trẻ tại một nước châu Á.

Đấm chuông xứ người - không đơn giản ảnh 2
Nhã nhạc phục vụ cung đình Huế xưa. Ảnh tư liệu

Có một điều khiến cho không ít người trong giới nghiên cứu âm nhạc truyền thống ở Hà Nội biết chuyến đi này đều sửng sốt, bởi một trong những loại hình mang đi là hát xẩm song lại không có người đánh đàn nhị.

Từ hàng thế kỷ nay nhắc tới xẩm không thể không nhắc tới đàn nhị. Nhị trong xẩm không đơn thuần là đệm mà được đánh giá ngang hàng với giọng hát. Thậm chí còn được ví là giọng hát thứ hai bên cạnh giọng chính. Tức là đàn nhị và người hát xẩm như cá với nước vậy.

Dù xuất xứ của xẩm là hát với đàn bầu nhưng do tính chất diễn xướng xê dịch của loại hình hát rong này, đàn nhị đã xuất hiện kèm với xẩm bởi hình thức gọn nhẹ và tính chất hóm hỉnh nên xẩm- nhị đã gắn bó từ nhiều thế kỉ nay. Những điệu hát xẩm tồn tại đến ngày nay, ngoài “Ba bậc” là hát với đàn bầu còn thì tất cả đều gắn với đàn nhị: Thập âm, Hồn huê, Huê tình...

Sự đời không đơn giản

Giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới hiện nay ngoài các đoàn nghệ thuật trong nước không thể không nhắc tới và trân trọng sự đóng góp to lớn của các Việt kiều có tầm hiểu biết và có tâm.

Điển hình như cây đại thụ: GS Trần Văn Khê. Song những người như GS Trần Văn Khê không nhiều. Nhiều người tưởng như có công lớn, được dư luận hoan nghênh nhưng có khi lại chưa xứng.

Khi đem đi “đấm” xứ người, dù có thể miệt mài tới vài chục năm xong thực chất không phải ai cũng biết anh đã giới thiệu cái gì và như thế nào? Chưa ai thẩm định những thứ được giới thiệu có thực đúng thứ quý của dân tộc hay không? Có đầy đủ không hay chỉ là  sự phiến diện?

Sẽ chẳng là chuyện lớn nếu những người đó chỉ thuần mục đích kinh doanh, không tự nâng cấp “sứ mệnh” là người giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam, như một sứ giả.

Cơ quan quản lý luôn mở rộng cửa với tất cả các đối tượng muốn giới thiệu âm nhạc truyền thống ra bên ngoài. Nhưng nếu giới thiệu một cách sai lệch thì sẽ rất đáng tiếc.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.