Cảnh báo lũ thông minh thủy điện Buôn Kuốp:

Đảm bảo an toàn tính mạng người dân

Cận cảnh thiết bị cảnh báo lũ tự động từ xa của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp
Cận cảnh thiết bị cảnh báo lũ tự động từ xa của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp
Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã nghiên cứu, đưa vào ứng dụng thành công hệ thống cảnh báo lũ từ xa thay cho việc cảnh báo bằng còi giúp cho người dân vùng hạ du thủy điện tránh được các tai nạn đáng tiếc, hạn chế được thiệt hại khi có bão lũ xảy ra.

Hệ thống cảnh báo lũ từ xa hoàn toàn tự động của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá cao, cấp giấy chứng nhận sáng chế và hiện đang áp dụng cho nhiều nhà máy thủy điện khác.

Tự động hóa, chính xác cao

Các nhà máy điện Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Sêrêpốk 3 của Công ty thủy điện Buôn Kuốp nằm trên dòng sông Sêrêpốk với địa hình khá phức tạp, có bờ sông dài khoảng 60km. Dọc hai bờ sông, người dân mở hàng loạt các bến nước để tắm giặt. Điều này tiềm ẩn những hiểm họa khi thủy điện khởi động chạy máy hay xả nước lớn điều tiết lũ. “Vào những năm đầu 2010, hầu hết các thủy điện đều dùng hệ thống còi để cảnh báo. Tuy nhiên tiếng còi cũng chỉ vang xa được khoảng 5km, nhiều nơi bị khuất người dân không thể nghe được tín hiệu còi nên hết sức nguy hiểm khi thủy điện xả nước” - ông Nguyễn Đức-Phó giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết.

Nhận thấy được những nguy cơ này, Công ty đã triển khai nghiên cứu thiết kế một hệ thống cảnh báo có hiệu quả hơn. Với sự nỗ lực hết mình của những kỹ sư trong Công ty, chỉ sau 3 tháng, một hệ thống cảnh báo lũ hoàn toàn tự động đã được chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành thành công.

Qua khảo sát, nhận thấy dọc tuyến sông vùng hạ lưu thủy điện đều có sóng điện thoại di động, các kỹ sư đã nghĩ đến mô hình cảnh báo lũ dựa trên sóng viễn thông. Từ ý tưởng này, một hệ thống thiết bị tự động nhận cuộc gọi và phát ra âm thanh cảnh báo lũ đã ra đời. Thiết bị này khi nhận cuộc gọi đến sẽ tự bắt máy và báo về trung tâm để đầu gọi biết chắc chắn về tình trạng hoạt động. Sau đó, hệ thống sẽ tự động bật nguồn điện để vận hành hệ thống amply và loa phóng thanh. Khi nhận được tín hiệu cho thấy thiết bị đã sẵn sàng, nhân viên sẽ tiến hành đọc thông báo. Ngay lập tức thông báo này được truyền đến thiết bị cảnh báo từ xa và phát ra loa phóng thanh. Trong trường hợp các trạm bị mất điện, thiết bị này cũng sẽ tự động khởi động máy phát điện dự phòng. Và khi nội dung thông báo kết thúc, thiết bị sẽ tự động quay lại trạng thái “ngủ”.

Sau một thời gian hoạt động, Công ty tiếp tục cải tiến, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ của công nghệ truyền thông để việc vận hành hệ thống cảnh báo lũ thêm tiện lợi, an toàn và hiệu quả. Nhờ vậy, đến nay nhân viên vận hành không phải đọc thông báo như trước mà chỉ cần gõ nội dung thông báo trên máy tính sẽ có một giọng đọc chuẩn được gửi tới các trạm rồi phát ra loa. Các thông báo này được nhắc lại để đảm bảo toàn bộ người dân đều nghe được. “Thời gian đầu người dân còn bỡ ngỡ, nhưng chỉ sau một thời gian, chỉ cần nghe nhạc hiệu là chúng tôi biết ngay thủy điện Buôn Kuốp sắp xả nước” - một người dân xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô cho biết.

Không còn đuối nước

Đến nay, Công ty đã lắp đặt 20 trạm cảnh báo lũ dọc theo hạ lưu sông Buôn Kuốp. Nơi đặt trạm thường là các bến nước, bến đò ngang, các lối xuống sông và những nơi cần thiết khác nhằm đảm bảo an toàn nhất cho người dân vùng hạ du.

Bà Phạm Thị Âu, cán bộ xã Đức Xuyên nói: “Trước đây, tình trạng trẻ em bị đuối nước ở trong thôn, xã thường xuyên xảy ra. Vào mùa hè, trẻ em rất thích đi tắm sông, khi mực nước dâng cao rất dễ bị đuối nước. Thế nhưng, từ năm 2014 tới nay, khi có hệ thống cảnh báo lũ từ xa, tình trạng trẻ em đuối nước đã không còn nữa”.

Tính từ đầu năm 2020 đến hết ngày 11/9, sản lượng điện các nhà máy điện thuộc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đạt 1,310 tỷ kWh, tương đương 54,6% kế hoạch năm, và sản lượng điện kể từ khi đưa vào vận hành đến nay là 26,167 tỷ kWh. Để đảm việc phối hợp cảnh báo lũ hiệu quả, nhất là trong mùa mưa, Công ty đã xây dựng và thực hiện theo Quy trình cảnh báo. Đơn vị cũng chủ động liên hệ với chính quyền địa phương để chủ động, kịp thời phối hợp trong những trường hợp cần thiết. Ngoài cảnh báo lũ, Công ty còn luôn quan tâm bảo vệ an toàn hồ đập, tuân thủ nghiêm các quy trình vận hành liên hồ chứa, phối hợp tốt với địa phương trong công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác sản xuất điện. Một công nhân Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp kể lại, nếu trước đây người dân rất “chủ quan”, khi thủy điện xả nước, bảo vệ kêu lên bờ, nhiều người còn không muốn lên thì giờ đây tất cả nhân dân trong vùng đều hết sức ủng hộ Nhà máy. Tại hầu hết các trạm, người dân đều tự nguyện cho nguồn điện để phục vụ thiết bị cảnh báo lũ.

Đánh giá cao về công tác phối hợp phòng chống lụt bão của ngành Điện, một cán bộ tại Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão Đắk Nông cho biết: “Hàng năm đơn vị này và các huyện vùng hạ du hồ chứa như Krông Ana, Thành phố Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn, Krông Nô, Cư Jút đều phối hợp Công ty Thủy điện Buôn Kuốp tổ chức tuyên truyền về cơ chế, phương án phối hợp trong điều tiết, xả lũ các hồ chứa thủy điện với sự tham dự của đại diện chính quyền từ tỉnh đến xã. Riêng hệ thống trạm cảnh báo lũ từ xa của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp hiện nay đang phát huy hiệu quả rất tốt. Các tai nạn đáng tiếc trước đây hay xảy ra giờ đã không còn nữa”.

Ngoài việc thông báo qua hệ thống các trạm cảnh báo, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cũng xây dựng trang web có địa chỉ: https://buonkuop.vn. Người dân và chính quyền địa phương dễ dàng theo dõi được thông tin chạy máy trên trang  web này. Trong mùa lũ, mỗi 15 phút trên trang web sẽ cập nhật tình hình về lưu lượng nước và các thông tin liên quan về lũ để chính quyền và người dân chủ động các biện pháp phòng chống. Đồng thời, Công ty cũng trang bị màn hình theo dõi các thông số quan trắc và vận hành các hồ chứa tại Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, trang bị các máy tính bảng đến Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh, huyện liên quan để theo dõi và nắm bắt kịp thời diễn biến vận hành điều tiết các hồ chứa.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.