Cái khó cho Ban tổ chức chương trình Chủ Nhật Đỏ ở tỉnh này bây giờ không phải là đi vận động người dân tham gia nữa, mà là chọn nơi nào trong số rất nhiều đơn vị đăng cai tổ chức, và khống chế lượng máu hiến sao cho phù hợp với khả năng tiếp nhận và sử dụng của ngành y tế.
Bởi, Đắk Lắk đã trở thành tỉnh nổi bật về phong trào hiến máu tình nguyện lan tỏa tận các huyện xã vùng sâu, có đồng bào nhiều dân tộc hăng hái tham gia.
Cán bộ, nhân dân ngồi chờ tới lượt hiến máu như đang xem ca nhạc tại Nhà văn hóa Trung tâm huyện Ea Kar
Chủ Nhật Đỏ Đắk Lắk 2018 số tình nguyện viên đăng ký hiến máu đông vượt dự kiến, lượng máu hiến thu được lên tới 3.770 đơn vị, vượt chỉ tiêu và khả năng tiếp nhận, sử dụng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nên dù còn hàng nghìn tình nguyện viên chờ đến lượt, Ban tổ chức chương trình đã phải thông báo ngưng lấy máu.
Thống nhất với lãnh đạo tỉnh và các đơn vị đăng cai về việc tổ chức hiến máu như ngày hội văn hóa về tình đoàn kết giữa các dân tộc, thống nhất với Viện Huyết học -Truyền máu trung ương về khả năng tiếp nhận máu hiến, Chủ Nhật Đỏ Đắk Lắk 2019 dự kiến huy động khoảng 3.500 đơn vị máu hiến, tại 3 điểm chính thức đăng cai tổ chức là trường Đại học Tây Nguyên (12/1), huyện Ea Kar (13/1), huyện Krông Năng (20/1); Và 2 điểm phụ là trường Cao đẳng Sư phạm, trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên.
Sự độc đáo của Chủ Nhật Đỏ trên Tây Nguyên, là sắc màu thổ cẩm trang phục truyền thống của đồng bào tham gia hiến máu, vừa thể hiện rõ tình đoàn kết, tương thân tương ái giữa các dân tộc anh em, vừa là dịp thể hiện vẻ đẹp của bản sắc văn hóa mỗi dân tộc, trong Chủ Nhật Đỏ 2019 sẽ càng được phát huy, lan tỏa.
Đồng bào các dân tộc ngồi chờ đến lượt hiến máu trong trang phục truyền thống