Ngày 25/2, ông Vũ Minh Thoại - Trưởng phòng Văn hóa huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk) - cho biết, Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc của địa phương năm nay sẽ thay đổi một số chi tiết trong nghi lễ đâm trâu.
"Địa phương vẫn tổ chức lễ hội để thực hiện theo phong tục nhưng sẽ không trực tiếp đâm trâu như mọi năm. Khi Thông tư 15 có hiệu lực về việc bỏ các lễ hội mang hình ảnh man rợ, huyện đã họp những người lớn tuổi để lấy ý kiến. Tuy nhiên, họ không đồng ý vì cho rằng như vậy là lừa dối thần linh", ông Thoại nói.
Cũng theo ông Thoại, đây là lễ hội được người bản địa Êđê tổ chức từ thời xa xưa nhưng bị gián đoạn một thời gian do chiến tranh. Sau giải phóng, các già làng ở Tây Nguyên đã phục hồi lễ hội cho đến nay.
Lễ hội văn hóa truyền thống huyện Buôn Đôn bao gồm 3 phần chính với các nghi lễ như: cúng bến nước, cúng sức khỏe cho voi, liên hoan văn hóa cồng chiêng… Đặc biệt, huyện huy động 18 con voi để tổ chức thi voi chạy, bơi vượt sông và đá bóng nhằm tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi rừng truyền thống của người dân bản địa.
Trước đó, tại lễ hội hằng năm, UBND huyện đều tổ chức đâm trâu để dâng lên Yàng (trời) và các đấng thần linh. Theo quan niệm của người đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên, việc này sẽ giúp dân làng tránh được rủi ro, bệnh tật, tai nạn, không bị “chết xấu”, mùa màng sẽ bội thụ, cuộc sống sẽ ấm no.
"Tuy nhiên, do yếu tố phản cảm của nghi lễ nên sau nhiều lần họp, Ban tổ chức quyết định vẫn tổ chức nghi lễ đâm trâu để duy trì lễ hội nhưng năm nay không đâm trâu trước mắt du khách mà đâm ở góc sân, được căng bạt che kín không để người dân chứng kiến", ông Thoại thông tin.
Lễ hội truyền thống huyện Buôn Đôn được đánh giá là hoạt động văn hóa có ý nghĩa, nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh ở lĩnh vực du lịch và xúc tiến đầu tư của địa phương, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, vào các năm chẵn. Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 12 đến 14/3 tại Nhà văn hóa cộng đồng xã Krông Ana.