Đắk Lắk muốn xây dựng Đền thờ Vua Hùng của vùng Tây Nguyên: Cân nhắc vị trí

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dư luận đang rất quan tâm đến thông tin tỉnh Đắk Lắk chọn một khu vực có địa thế sơn thủy hữu tình, nằm ngoại ô TP Buôn Ma Thuột để xin Chính phủ cho chủ trương xây dựng Đền thờ Vua Hùng của vùng Tây Nguyên. Văn phòng Chính phủ đề nghị tỉnh này bổ sung hồ sơ ý kiến của các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan và tiếp thu, giải trình.

Cơ sở xây Đền thờ Vua Hùng tại đồi Cư Mblim

Ngày 1/3, ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị được giao tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh báo cáo đề xuất với Bộ VH-TT&DL, Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương xây dựng Đền thờ Vua Hùng của vùng Tây Nguyên đặt tại tỉnh này.

Đắk Lắk muốn xây dựng Đền thờ Vua Hùng của vùng Tây Nguyên: Cân nhắc vị trí ảnh 1

Khu vực đồi Cư Mblim- đối diện hồ Ea Kao được chọn xây dựng đền thờ Vua Hùng

Theo ông Hà, ý tưởng xây Đền thờ Vua Hùng trên đã có từ lâu và được lãnh đạo tỉnh thời kỳ trước nhất trí cao. Việc này xuất phát từ mong muốn thắt chặt thêm tình đoàn kết keo sơn của các dân tộc anh em. Bởi theo ông Hà, Đắk Lắk được ví như “Việt Nam thu nhỏ” khi hội tụ 49 dân tộc anh em cùng chung sống. Và không phải địa phương nào cũng được xây đền thờ Vua Hùng. Việc xây dựng này phải được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương và không được sử dụng ngân sách nhà nước.

Do đó, theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL, trước khi trình lên Trung ương, tỉnh Đắk Lắk phải chuẩn bị đầy đủ nội dung (quy hoạch, vị trí xây dựng, tính khả thi, dự kiến kinh phí…) theo trình tự, quy định.

“Tôi mong muốn, mỗi người chúng ta nhìn việc xây dựng đền thờ Vua Hùng dưới nhiều góc độ và vì cái chung là sự đoàn kết, gắn bó, các dân tộc trên đất nước Việt Nam cùng là anh em”.

Ông Thái Hồng Hà - Giám đốc Sở VHTT&DL

Về các căn cứ để đề xuất xây dựng Đền thờ Vua Hùng của vùng Tây Nguyên đặt tại Đắk Lắk, ngày 5/12/2022, tỉnh Đắk Lắk có tờ trình do Chủ tịch Phạm Ngọc Nghị ký gửi Bộ VH-TT&DL.

Theo ông Nghị, đề xuất này căn cứ theo các Kết luận số 67 ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 103 của Chính phủ ngày 9/7/2020 về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; Công văn 2296 ngày 21/6/2013 của Bộ VH-TT&DL về quy hoạch Tượng đài Quốc tổ Hùng Vương và danh nhân anh hùng dân tộc…

“Việc đầu tư xây dựng dự án nhằm tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đồng thời, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc, đây là di sản cấp quốc gia và quốc tế, cũng là tâm nguyện của đông đảo nhân dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung có nơi đến thăm, viếng”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nêu rõ.

Ngoài ra, theo tờ trình do ông Nghị ký, dự án hoàn thành sẽ kết nối với các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh, gắn kết với các điểm du lịch của địa phương và vùng Tây Nguyên như: Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, Di tích Quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh; các di tích lịch sử cấp Quốc gia: Đình Lạc Giao, Biệt điện Bảo Đại... Qua đó, góp phần làm phong phú thêm các điểm tham quan du lịch cho tỉnh nhằm thu hút du khách đến với Đắk Lắk.

“Cuối năm 2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột. Vậy nên, TP Buôn Ma Thuột có nhiều điều kiện phù hợp để đặt đền thờ Vua Hùng”, Giám đốc Sở VH-TT&DL Đắk Lắk Thái Hồng Hà thông tin thêm.

Về vị trí xây dựng đền thờ Vua Hùng, Ban Thường vụ tỉnh uỷ Đắk Lắk thống nhất chủ trương xây dựng tại đồi Cư Mblim, thuộc xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột) và xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin), diện tích khoảng 20ha, bằng nguồn vốn xã hội hoá. Khu vực này có địa thế sơn thủy hữu tình (có đồi, rừng và hồ nước Ea Kao tuyệt đẹp).

Ngoài ra, xung quanh khu vực trên còn có các dự án đang hình thành trong tương lai: Sân golf hồ Ea Kao, khu biệt thự…

Theo tìm hiểu của PV, trước khi quyết định chọn khu vực đồi Cư Mblim, tỉnh Đắk Lắk từng chọn đồi Cư Luê (phường Ea Tam). Tuy nhiên, vị trí này đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch bố trí cho nhiệm vụ quốc phòng.

Ngoài ra, khu vực đồi 532 (phường Tân Lập) với diện tích khoảng 23ha cũng từng được đưa ra để cân nhắc, song tỉnh này không chọn vì một phần diện tích do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý, việc thu hồi đất để triển khai dự án sẽ ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh quốc phòng.

Cần cân nhắc vị trí, tránh xung đột văn hóa

Theo tìm hiểu của PV, ngày 2/2/2023, Bộ VH-TT&DL có công văn phúc đáp thống nhất về chủ trương đối với đề xuất xây dựng Đền thờ Vua Hùng của vùng Tây Nguyên đặt tại tỉnh Đắk Lắk của tỉnh này.

“Nếu chính quyền quy hoạch khu vực trên làm đền thờ Vua Hùng thì vùng văn hóa với đầy những huyền thoại, không gian linh thiêng, môi trường diễn xướng truyền thống Tây Nguyên mà chúng ta luôn kêu gọi gìn giữ, bảo tồn và phục dựng sẽ bị co cụm lại”.

Linh Nga Niê Kdam - nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên

Đối với đề nghị của tỉnh Đắk Lắk trong việc hướng dẫn quy trình, thủ tục thực hiện việc đầu tư xây dựng dự án, Bộ VH-TT&DL đề nghị tỉnh này cung cấp hồ sơ chi tiết các hạng mục dự kiến đầu tư xây dựng để có căn cứ góp ý.

Sau đó, ngày 1/3, Văn phòng Chính phủ cũng có công văn phản hồi, nêu rõ: “Hồ sơ trình của UBND tỉnh Đắk Lắk chưa có ý kiến của các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan và tiếp thu, giải trình, đề nghị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng theo đúng quy định”.

Đắk Lắk muốn xây dựng Đền thờ Vua Hùng của vùng Tây Nguyên: Cân nhắc vị trí ảnh 2

Theo bà Linh Nga Niê Kdam (TP Buôn Ma Thuột) -nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, việc xây dựng Đền thờ Vua Hùng của vùng Tây Nguyên hay chỉ của Đắk Lắk, đều là việc nên làm. Bởi theo bà, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nên trách nhiệm gìn giữ di sản là của tất cả người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, theo bà Linh Nga, việc chọn địa điểm để dựng Đền thờ Vua Hùng cần được nghiên cứu kỹ và phải lưu ý vấn đề địa văn hóa và địa tâm linh. Bởi xung quanh khu vực đồi Cư Mblim đã có hàng chục truyền thuyết về ngọn núi này và 6 con suối nhỏ, nay được chặn lại thành hồ Ea Kao xinh đẹp. Không những thế khu vực trên còn là vùng cư trú đông đảo đồng bào dân tộc Êđê.

“Nếu chính quyền quy hoạch khu vực trên làm đền thờ Vua Hùng thì vùng văn hóa với đầy những huyền thoại, không gian linh thiêng, môi trường diễn xướng truyền thống Tây Nguyên mà chúng ta luôn kêu gọi gìn giữ, bảo tồn và phục dựng sẽ bị co cụm lại” - bà Linh Nga Niê Kdam, nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên trăn trở.

Cùng quan điểm trên, bà Lý Mai Ly Niê Kdam (người gắn bó với vùng Ea Kao) nói thêm, hồ Ea Kao được gọi theo tên của dòng suối Ea Kao; trong tiếng Êđê, Ea Kao có nghĩa là hồ nước không bao giờ cạn.

Ngoài ra, hồ còn có cách gọi khác là Ktơng Ju (vùng nước có vực nước sâu). Tuy hồ nước nhân tạo nhưng hồ Ea Kao lại mang màu sắc huyền thoại, gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết của suối Ea Knin, suối Ea Kao.

“Xung quanh khu vực đồi là nơi cư trú của rất đông bà con người Êđê. Họ sống thành từng buôn làng, gắn với canh tác nương rẫy và luôn luôn gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Không gian sinh tồn của một buôn làng Êđê gắn với nguồn nước ngầm và bến nước”, bà Lý Mai Ly Niê Kdam chia sẻ và cho biết thêm chính quyền cần lắng nghe ý kiến của bà con xung quanh trước khi thống nhất dựng Đền thờ Vua Hùng tại khu vực trên.

MỚI - NÓNG