Đăk Hà: Vị thế mới của vùng đất Anh hùng

Trung tâm huyện
Trung tâm huyện
TP - Từ một miền đất gian truân, cách trở của Tây Nguyên, vùng “đồng dù” đầy bom đạn quân thù trong chiến tranh chống Mỹ; từ những xã vùng ven nghèo khó của thị xã Kon Tum và huyện Đăk Tô năm nào rồi thành lập Đăk Hà (Kon Tum) mới 20 năm mà đất này đã “lột xác”, xua tan lạc hậu nghèo nàn, trở thành điểm sáng kinh tế, xã hội ở Tây Nguyên.

Khai sinh vùng đất Anh hùng

Tôi nhớ mãi ngày mới thành lập huyện Đăk Hà, 24/3/1994, Đăk Hà lập nên từ các xã vùng ven của thị xã Kon Tum bao gồm xã Đăk La, Ngọc Réo, Đăk Ui và một số xã của Đăk Tô như Đăk Rinh, Đăk Pxi…hầu hết là những xã đặc biệt khó khăn. 

Tỷ lệ người dân nghèo đói cao, kết cấu hạ tầng yếu kém gần như chưa có gì. Cả huyện Đăk Hà chỉ có 3 xã dọc quốc lộ 14 có đường nhựa đi qua, các xã khác chỉ đi được trong mùa khô, mưa là tắc đường. 

Cả huyện có mỗi chợ phiên Đăk Ui, 1 tuần họp chợ 1 lần, bà con dùng nông thổ sản đổi lấy quần áo mắm muối, chăn màn. Thế mà mới 20 năm thành lập, Đăk Hà đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành vùng đất Anh hùng Lao động đầu tiên của Bắc Tây Nguyên.

Những con số báo cáo về thành quả kinh tế, xã hội của huyện trong 20 năm qua thật ấm lòng: Kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ cao bình quân đạt 15,5%/ năm; thu nhập/ người/năm từ 2,02 triệu đồng năm 1995 lên 26,52 triệu đồng năm 2013. Thu ngân sách tại địa bàn từ 526 triệu đồng năm 1995 lên 90.436 triệu đồng năm 2013. 

Đói nghèo từ 53,54% dân số năm 1994, đến nay chỉ còn 12%. Tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện năm 1994 là 8.771 ha, năm 2013 đạt 23.343,5 ha. Trong đó: Diện tích gieo trồng cây hằng năm: 8.285,9 ha; cây lâu năm: 15.057 ha. Cùng với Hồ thuỷ lợi Đăk Uy, có thêm 46 công trình thuỷ lợi kiên cố với nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã góp phần tăng tổng diện gieo trồng. Đến nay trên địa bàn huyện không còn hộ đói, hộ nghèo giảm mạnh hàng năm, hiện số hộ nghèo thấp hơn tỷ lệ chung của tỉnh Kon Tum.

Huyện đã xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là khâu đột phá, trong đó phát triển giao thông nông thôn là quan trọng cho việc phát triển kinh tế, xã hội, đã huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp tham gia phong trào làm đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhân dân và doanh nghiệp cùng làm, Nhà nước hỗ trợ”. 

Huyện đã xây dựng 4 tuyến đường đạt chuẩn cấp 4 miền núi với chiều dài gần 30 km. Chú trọng phát triển cả vùng thuận lợi cũng như vùng khó khăn, huyện đã phối hợp với Phân viện quy hoạch và thiết kế Nông nghiệp miền Trung lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là cơ sở khoa học cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá một cách có hiệu quả nhất; triển khai đề án ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa nước, cà phê, cao su và sắn nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đưa giống mới vào sản xuất.

Giữ vững danh hiệu Anh hùng

Năm 2009 huyện Đăk Hà vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là sự ghi nhận công lao to lớn của cán bộ và nhân dân trong huyện trong nỗ lực phấn đấu qua 15 năm thành lập. Nhận danh hiệu là vinh dự, song duy trì và bảo vệ được danh hiệu này cũng hết sức khó khăn, tuy nhiên 5 năm qua Đăk Hà đã làm được điều đó.

Đăk Hà: Vị thế mới của vùng đất Anh hùng ảnh 1

Bí thư Huyện ủy Đăk Hà ông Phạm Đức Hạnh (đứng giữa) đang giới thiệu về mô hình cao su tiểu điền ở Đăk Hà

Chương trình phát triển cao su hộ gia đình được huyện tập trung hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã khẳng định bước đi đúng đắn, phù hợp ý Đảng, lòng dân. Đến nay diện tích cao su hộ gia đình đạt 7.061 ha, đã cho khai thác trên 2.200 ha, bước đầu thu nhập ổn định từ 35-45 triệu đồng/ha và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 5.500 người, đặc biệt là người lao động đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong những năm qua Đăk Hà đã triển khai có hiệu quả mối liên kết “4 nhà” nhằm thu hút, khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài huyện cùng nhân dân trên địa bàn liên kết, đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Liên kết “4 nhà” để chuyển giao kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản sau thu hoạch; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững. 

Huyện cũng đã liên kết với các trường đại học, cao đẳng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là áp dụng KHKT để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và thu nhập. 

Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; đồng thời hỗ trợ kịp thời nguồn vốn để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân tăng thu nhập cho người lao động.

Hoạt động mô hình “Ngân hàng lương thực cộng đồng” triển khai từ năm 2011 đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp hộ nghèo, hộ gặp khó khăn vùng đồng bào dân tộc không phải bán nông sản non đổi gạo ăn trong thời gian giáp hạt. Chủ trương này được cán bộ, nhân dân trong xã phấn khởi, tin tưởng và đồng lòng hưởng ứng, được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hỗ trợ “Ngân hàng” dưới nhiều hình thức để xây dựng 60 kho thóc tại 58 thôn (làng) vùng dân tộc thiểu số.

Công tác quy hoạch, chỉnh trang nội thị trấn và các xã đã triển khai đồng bộ tạo diện mạo nông thôn văn minh, hiện đại, thương mại, dịch vụ phát triển khá mạnh bằng cách nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự tham gia mạnh mẽ, chung sức, đồng lòng của nhân dân cùng nhau xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện cụ thể hóa 19 tiêu chí của Chính phủ thành tiêu chí “Gia đình nông thôn mới”, “Thôn, xóm nông thôn mới”.

Đăk Hà trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM của tỉnh Kon Tum, trong năm 2012 và 2013 có 2 xã Hà Mòn và Đăk Mar đạt tiêu chí nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Kon Tum, đang tiếp tục xây dựng xã Đăk La đạt tiêu chí NTM cuối năm 2014.

Mạng lưới giáo dục, y tế cơ sở của huyện Đăk Hà được đầu tư đồng bộ các xã, thị trấn đáp ứng ngày một tốt hơn việc học tập và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng đồng bộ, huyện đã thành lập Trung tâm dạy nghề huyện, các công trình văn hoá - thể thao được đầu tư hàng trăm tỷ đồng cơ bản đáp ứng các sự kiện thể thao lớn của huyện. 

Công tác an ninh - quốc phòng được giữ vững, xây dựng củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Các thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” giữa huyện và các xã, thị trấn được huyện chú trọng chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thời gian giao dịch được rút ngắn từ 2-3 ngày so với quy định chung của tỉnh...

Lý giải cho những tăng trưởng này không gì khác hơn là sự năng động, đầy nhiệt huyết, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Đăk Hà. Những bước đi đúng đắn, những ưu tiên hợp lý trong phát triển kinh tế-xã hội, trong việc phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng, tranh thủ nguồn lực đầu tư của trung ương, của tỉnh để cải thiện đời sống người dân thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế một cách ổn định, bền vững đã khiến cho Đăk Hà nhanh chóng thay da đổi thịt.

Bí thư Huyện ủy Đăk Hà ông Phạm Đức Hạnh cho biết: Nhiệm vụ trước mắt của huyện là nâng cao năng lực, sức chiến đấu, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; xây dựng huyện Đăk Hà phát triển toàn diện, có tỷ trọng đóng góp lớn vào tổng thu nhập chung của tỉnh với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và bền vững; nâng cao giá trị sản xuất; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; môi trường được bảo vệ; quốc phòng - an ninh vững mạnh; trật tự an toàn xã hội đảm bảo; giữ vững Anh hùng lao động; phấn đấu đến năm 2020, huyện cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới và đạt đô thị loại IV. 

MỚI - NÓNG