Tiến tới kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng hòan toàn miền Nam:

Đại tướng xuất quân một ngày áp Tết

Đại tướng xuất quân một ngày áp Tết
Tôi đến chúc Tết Đại tướng Văn Tiến Dũng vào một ngày Xuân Nhâm Ngọ. Trước hiên nhà ông trong Thành cổ, những hàng cây cảnh đang đâm chồi nảy lộc, nhiều cánh mai vàng duyên dáng đã nở.

Tôi được ông bà Văn Tiến Dũng tiếp trong cuộc gặp thân tình, và nghe ông kể lại ký ức đã qua đang lắng đọng trong lòng ông-xung quanh chuyến đi “kín như  bưng” của ông từ Tổng hành dinh-Hà Nội ra mặt trận vào một ngày giáp Tết cách đó đã gần 30 năm.

Mở đầu Đại tướng Văn Tiến Dũng chậm rãi kể về những ngày Xuân trên đường ra trận:

- Tôi nhớ hồi ấy vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/1974, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của anh Ba (đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất BCH TW) bàn về nhiệm vụ đối với miền Nam, đã ra Nghị quyết “Mở cuộc tấn công và nổi dậy để cuối cùng đánh chiếm Sài Gòn và các thành thị khác, đánh đổ nguỵ quyền trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm 1975-1976”.

Sau đó giữa tháng 12/1974 đến đầu tháng 1/1975, Bộ Chính trị họp tiếp nghe Bộ Tổng tham mưu báo cáo phương án, để hạ quyết tâm chiến lược: “Giải phóng miền Nam theo kế hoạch hai năm, trong đó năm 1975 tranh thủ bất ngờ tấn công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Ngoài ra, Bộ Chính trị còn dự kiến một phương án: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Sau khi Trung ương đã xác định quyết tâm chiến lược, và chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu mở đầu chiến dịch Tây Nguyên, tôi được cử thay mặt Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh vào chiến trường Tây Nguyên để trực tiếp chỉ đạo Bộ Tư lệnh B3 và các lực lượng cơ động của Bộ chuẩn bị chiến dịch này. Thế rồi vào một ngày giáp Tết ất Mão, sau khi đến chào anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân uỷ Trung ương - Bộ trưởng Quốc phòng), tôi lên đường.

- Đó là ngày nào, Đại tướng còn nhớ?

- Tôi nhớ đó là ngày 5/2/1975, tức là ngày 25 tháng Chạp năm Giáp Dần sắp bước sang Xuân năm ất Mão, lúc này Hà Nội đã rộn rã không khí chuẩn bị đón Xuân. Sáng hôm ấy trên đường ô tô đưa tôi sang sân bay Gia Lâm để bay vào Quảng Bình, tôi thấy hai bên đường Phan Đình Phùng và phố Hàng Đậu những người dân Nhật Tân đưa những cành đào, cây quất ra bày bán như mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Cuộc xuất hành hết sức lặng lẽ để giữ bí mật nên sân bay Gia Lâm đã được phong toả trước. Cùng đi với tôi có anh Thiện (đồng chí Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần).

Trưa hôm ấy chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới. ở đây đoàn xe U-oát của Bộ Tư lệnh 559 từ Quảng Trị ra đã chờ sẵn. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - Tư lệnh đưa chúng tôi vào chiến trường.

Khi xe đến bờ Bắc sông Bến Hải, đã có thuyền gắn máy cập mạn đón chúng tôi. “Đổ bộ” lên bờ Nam, đoàn xe U-oát chờ sẵn lại đưa chúng tôi về một khu rừng kín phía tây huyện Gio Linh-nơi đặt bản doanh của Bộ Tư lệnh Đoàn 559.

Sáng ngày 7/2 tức 27 tháng Chạp, Đoàn tiếp tục xuất phát vào B3. Đại tá Phan Khắc Hy - Phó Tư lệnh Đoàn 559 cùng đi với tôi. Để bảo đảm xe của Đoàn A75 có thể vượt qua tất cả các đoàn xe khác với hàng nghìn chiếc đang ngày đêm rầm rập nối nhau chuyển hàng ra mặt trận, trên mỗi xe của Đoàn đều có gắn thêm biển ký hiệu đặc biệt “TS 50” được quyền “ưu tiên số 1”.

- Dọc đường Trường Sơn chắc Đại tướng được chứng kiến nhiều điều thú vị?

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước – Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Hai câu thơ ấy của nhà thơ Tố Hữu chẳng những cứ hằn lên trong tâm thức tôi, mà đã là khẩu hiệu hành động của anh em công binh, bộ đội vận tải, Thanh niên xung phong đang tiếp tục mở đường. Đâu đâu dọc đường cũng vang tiếng hát hồ hởi, phấn khởi nức lòng của các chiến sĩ trẻ đang hành quân, “Đường ra trận mùa này đẹp lắm – Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây…”. Tôi nhớ trưa hôm ấy, khi qua một đoạn dốc thoai thoải, ở đó toàn các cô Thanh niên xung phong và chiến sĩ gái đang rải ra trên mặt đường, thấy đoàn xe chúng tôi đến, các cô reo hò ríu rít, vẫy chào và gọi với theo. Tôi bảo anh em đi xe hậu cần theo Đoàn dừng lại đưa đến biếu các chị em cả chục hộp cặp tóc của nhà tôi gửi tặng và biếu các cậu lái xe mấy tút thuốc lá Điện Biên để làm quà Tết.

- Thế đến đêm 30 Tết, Đại tướng đón giao thừa ở đâu?

- Sau mấy hôm hành quân bằng ô tô, chiều ngày 10/2/1974 tức 30 Tết, Đoàn A75 đến Sở chỉ huy Sư đoàn Công binh 470 – trong một khu rừng đại ngàn ở Ia - Đrang thuộc địa phận tỉnh Gia Lai. Đêm 30 Tết chúng tôi đón giao thừa tại đây. Lúc này còn có đại tá Phí Triệu Hàm – Phó Chính uỷ B3 do anh Thảo và anh Hiệp (Trung tướng Hoàng Minh Thảo - Tư lệnh, Thiếu tướng đặng Vũ Hiệp - Chính uỷ B3) cử ra đây đón tôi.

Sư đoàn 470 đang đóng quân ở chiến trường, nhưng lán trại khá khang trang, bề thế, đêm đến đèn điện sáng trưng dưới khu rừng kín như những doanh trại chính quy ở miền Bắc. Không khí Tết và tiết Xuân đã tràn về Trường Sơn. Cơ quan Sư đoàn bộ chuẩn bị Tết khá tươm tất, đàng hoàng. Tôi cùng với anh em quây quần vui đón giao thừa thật ấm cúng. Sáng mồng một Tết mọi người nâng cốc mừng tuổi và chúc nhau năm mới lập nhiều chiến công - với một  mùa Xuân đại thắng như  Quang Trung thần tốc đại phá quân Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long trong những ngày đầu Xuân năm Mậu Thân 1789. ấy thế mà không ngờ những lời chúc tốt lành ấy đã thành hiện thực ngay trong mùa Xuân ất Mão 1975 quân ta thần tốc đại phá tận cơ quan đầu não quân nguỵ ở Sài Gòn. (cười thú vị).

Ông vừa kể đến đây, bà Kỳ phu nhân Đại tướng nãy giờ vẫn cùng tiếp tôi, bổ sung vài chi tiết, bà nói: Tôi nhớ gần Tết, bên Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội có cử người đưa sang biếu nhà tôi mấy thùng lê, táo và bên Văn phòng TƯ Đảng cũng mang sang biếu một chai rượu Dubonet nhãn hiệu “ba con mèo” của Pháp, tôi đã gửi ngay vào cho ông ấy trước Tết (cả hai ông bà cùng cười đến là vui).

Nghe vậy, Tướng Dũng nhớ lại: -Hồi ấy khi vào đến B3 tôi có nhận được một số lê, táo Trung Quốc nhà tôi gửi vào đúng dịp Tết, còn chai rượu Dubonet, khi đến B2 chuẩn bị mở chiến dịch Hồ Chí Minh tôi mới nhận được và để dành. Mãi tới trưa 30/4/1975 khi được tin Sài Gòn đã giải phóng, quân ta vừa kéo cờ chiến thắng trên Dinh Độc lập, tôi mới mở ra chúc mừng chiến thắng tại cơ quan Bộ Tư lệnh chiến dịch, hôm ấy có cả anh Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Đinh Đức Thiện, Trần Văn Trà, Lê Quang Hoà… cùng chạm cốc chia vui với anh em trong Sở chỉ huy chiến dịch.

Kết thúc cuộc trao đổi, Tướng Dũng nhỏ nhẹ như tự sự: Chuyện về cuộc hành trình trên đường ra trận mùa Xuân năm 1975 còn nhiều điều lý thú, nhưng không sao kể hết được. Điều mừng nhất là quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, đã được quân và dân cả nước cùng tranh thủ thời cơ nghìn năm có một hoàn thành trọn vẹn chỉ trong mấy tháng đầu Xuân năm 1975. Điều làm tôi xúc động và trở thành ấn tượng sâu sắc, nhất là ngay sau ngày 30/4/1975, khi tôi ra sân bay Tân Sân Nhất đón anh Ba và anh Văn vào Sài Gòn dự lễ duyệt binh mừng chiến thắng, các anh vừa xuống máy bay, sau khi chào anh Ba, tôi và anh Văn ôm nhau hôn thắm thiết, anh Văn nói ngay “Thật tâm đầu ý hợp giữa Bộ Tổng Tư lệnh ở Tổng hành dinh với các Tư lệnh ở chiến trường”.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.