Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hai lần bảo vệ Thủ đô

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hai lần bảo vệ Thủ đô
TP - Cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó là cuộc rút lui chiến lược đêm ngày 17/2/1947 và trận Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972 đánh gục không quân Mỹ là hai sự kiện lớn có liên hệ mật thiết với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhân dịp kỷ niệm 61 năm toàn quốc kháng chiến và 35 năm trận Điện Biên Phủ trên không, chúng tôi trân trọng giới thiệu tư liệu hồi ức của đồng chí Nguyễn Văn Trân – Nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội trong các giai đoạn xảy ra các sự kiện lịch sử trên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hai lần bảo vệ Thủ đô ảnh 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chủ động tiến công đúng lúc và rút lui đúng lúc

Mấy ngày trước khi nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc, cuộc họp các Liên khu và Khu ủy Khu 11 (Khu 11, tức Chiến khu 11, là mật danh của Thủ đô Hà Nội) cùng Bộ Quốc phòng đã nhất trí quy định:

8 giờ tối, tức 20 giờ, ngày 19/12/1946. Toàn bộ Thủ đô và nhiều địa phương cả nước sẽ đồng loạt đột ngột tắt đèn để đồng loạt nổ súng kháng chiến.

Do đó, Võ Nguyên Giáp đã ký mật lệnh gửi đến các tỉnh thành hạ lệnh cho toàn quân bất ngờ nổ súng chủ động tiến công quân Pháp vào đúng 20 giờ ngày 19/12/1946 ở Thủ đô Hà Nội (lúc đó gọi là Chiến khu 11) và trên phạm vi toàn quốc.

Trước đêm 19/12/1946 mấy ngày, tôi (lúc này ông Nguyễn Văn Trân là Bí thư Thành ủy Hà Nội - TP) đi cùng anh Trần Độ đến Cây Đa Nhà Bò (cuối phố Lò Đúc) dự lễ tuyên thệ của Đội Quyết tử quân thuộc đơn vị tự vệ khu vực Lò Đúc.

Cũng dịp này, một số lần tôi di cùng Trần Độ kiểm tra pháo đài Láng (trước 19/12/1946 vài ngày) và nhiều nơi thuộc nội thành Hà Nội để kiểm tra việc chuẩn bị kháng chiến.

Ngoài ra có lần tôi đi cùng anh Vương Thừa Vũ kiểm tra và động viên tự vệ đường phố chuẩn bị kháng chiến.

Trước ngày 19/12/1946 (khoảng 14 hoặc 15/12/1946), tôi được lệnh của Tổng bí thư Trường Chinh lên biệt thự Cây Liễu (gần Công ty Cơ khí Hà Nội hiện nay). Biệt thự Cây Liễu lúc đó là nhà ở của giáo sư Đặng Thai Mai (thân sinh chị Đặng Bích Hà).

Khi tới nơi, tôi thấy các anh Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái đã ngồi họp ở đó. Lát sau, Bác Hồ trong nhà đi ra. Người trao đổi công việc với ba anh và tôi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hai lần bảo vệ Thủ đô ảnh 2
Chiến sĩ cảm tử quân ôm bom ba càng sẵn sàng lao vào xe tăng địch tại Hà Nội vào những ngày đầu toàn quốc kháng chiến

Sau đó, Bác hỏi:

-Nếu xảy ra chiến tranh, Hà Nội có thể giữ được bao lâu?

Chưa ai trả lời được ngay.

Một lúc lâu, Bác hỏi lại:

-Có thể giữ được Hà Nội trong một tháng hay không?

Hai anh Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái và tôi, sau một lúc bàn bạc nhỏ với nhau, cùng nhất trí sẽ trả lời Bác: Nếu xảy ra chiến tranh, Hà Nội có thể giữ được một tháng hoặc trên một tháng.

Bàn xong, anh Thái và tôi cùng đề nghị anh Võ Nguyên Giáp báo cáo trả lời Bác như trên. Nghĩa là có thể giữ được một tháng, trên một tháng hoặc nhiều nhất là hai tháng.

Bước vào chuẩn bị cho cuộc chiến đấu, hầu hết nhân dân thủ đô tản cư ra các tỉnh xung quanh. Thủ đô chỉ còn các lực lượng vũ trang.

Tất cả bàn, ghế, giường, tủ và các loại đồ đạc khác khắp Hà Nội được khuân ra khỏi nhà, chất ngổn ngang trên nhiều đường phố để góp phần ngăn chặn bước tiến của xe tăng, của các loại xe quân sự khác và của binh lính Pháp.

Tất cả các bức tường ngăn nhà nọ với nhà kia đều được đục một khoảng rộng để các chiến sỹ dễ dàng di chuyển trong chiến đấu.

Một số nữ sinh các trường trung học nổi tiếng thủ đô là con em các gia đình trung lưu hoặc thượng lưu cùng một số thiếu niên Hà Nội không tản cư, ở lại hoạt động hết sức năng nổ trong các đội cứu thương, các đội hậu cần và các đội lên lạc. Có trường hợp làm cán bộ lãnh đạo như chị Lê Tuyết Minh, con nhà giàu Hà Nội, làm chính trị viên tiểu đoàn (tiều đoàn khu Đông Thành).

Một số gia đình cả hai thế hệ cùng ở lại chiến đấu. Giáo sư nổi tiếng Dương Quảng Hàm vào đội tự vệ khu phố Hàng Bông và hy sinh trên đường chuyển quân từ phố Nhà Thờ xuống khu hồ Thiền Quang (lúc đó gọi là hồ Ha-le hoặc hồ Thuyền Quang). Con gái GS, chị Dương Lê Thi (tức Lê Thi), nữ sinh trung học, vào Trung đoàn Thủ Đô làm cán bộ tuyên truyền Liên khu phố 1.

Quân chủ lực và tự vệ phối hợp chiến đấu suốt hai tháng bằng vũ khí thô sơ (chủ yếu là súng trường, lựu đạn, dao găm, thậm chí cả dao thái thịt). Ngoài ra, là một vài khẩu pháo cũ. Bộ đội ta đánh giáp lá cà và vật lộn với giặc ngay trên mái chợ Đồng Xuân!

Cuộc chiến đấu toàn dân đó thật quá lạ lùng, chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh thế giới xưa nay nói chung và trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc toàn thế giới xưa nay nói riêng!

Một điều lạ lùng nữa: Cuộc chiến đấu đó chính thức mở đầu cho hai cuộc chiến tranh nhân dân suốt 30 năm liên tục.

Sau hai tháng giam chân quân Pháp, sau hai tháng cùng một số đơn vị của Liên khu 3 – Đống Đa, Liên khu 2 của Thủ đô Hà Nội chủ động tiến công các lực lượng tinh nhuệ Pháp và gây nhiều tổn thất to lớn cho quân đội Pháp, Trung đoàn Thủ đô (lực lượng chủ yếu của quân đội Việt Nam tại Hà Nội lúc đó) đã tiến hành một cuộc rút lui có tầm chiến lược ra khỏi Hà Nội tuyệt đối bí mật, quân Pháp không hề hay biết! Cuộc rút lui ấy gần như không có thương vong!

Tuyệt đối bí mật và gần như không có thương vong!!!

Toàn bộ Trung đoàn Thủ đô, với sự giúp đỡ cảm động và to lớn, can đảm và thông minh của nhân dân ngoại thành Hà Nội, trong một đêm đầu xuân buốt lạnh sau Tết Đinh Hợi 1947, bí mật rút lui dưới chân cầu Long Biên. Tất cả tướng sĩ đi hàng mấy trăm chuyến đò do nhân dân ngoại thành, trong đó có nhiều phụ nữ, chèo lái vượt sang bờ trái sông Hồng (con sống lớn thứ nhì Đông Dương) rồi tiến về Việt Bắc (căn cứ địa lớn nhất, căn cứ địa chủ yếu của cuộc kháng chiến chống Pháp).

Các đơn vị của Liên khu 3 – Đống Đa và Liên khu 2 đã tích cực đánh vòng ngoài, nghi binh, thu hút sự chú ý của giặc, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung đoàn Thủ đô rút lui khỏi Liên khu 1, vượt sang bờ trái sông Hồng một cách thắng lợi.

Một cuộc rút lui độc đáo mang dấu ấn riêng của Việt Nam và dấu ấn riêng của Thăng Long – Hà Nội.

Công lớn nhất thuộc về nhân dân nội ngoại thành Hà Nội và thuộc về các lực lượng vũ trang Thủ đô nói chung, các đơn vị thuộc Liên khu 2, Liên khu 3 và Trung đoàn Thủ đô nói riêng.

Nhưng về cá nhân, nổi bật là Tư lệnh Chiến khu 11 Vương Thừa Vũ, người đề ra kế hoạch “trong đánh ngoài vây” nhằm bảo vệ Hà Nội, giam chân quân Pháp để quân dân ta có thời gian chuẩn bị mọi mặt cho một cuộc kháng chiến lâu dài sẽ diễn ra sau khi cuộc rút lui kết thúc.

Nhân vật thứ hai là Chính ủy Chiến khu 11 Trần Độ, người thực hành thắng lợi nhiệm vụ quân chính trên toàn mặt trận Hà Nội. Về cá nhân, còn cần kể đến các thành viên Ban Chỉ huy Trung đoàn Thủ đô như Chính trị viên Lê Trọng Toản, Trung đoàn trưởng Hoàng Siêu Hải (người Tày), Tham mưu trưởng Hoàng Phương. Đồng thời, còn phải kể đến vai trò của Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu 3 kiêm Bí thư Đảng ủy Liên khu 3 Đỗ Trình và một số cán bộ lãnh đạo khác.

Ngay trong lửa đạn, các chiến sĩ, hầu hết là thanh niên và học sinh tiểu tư sản, vẫn hát vang các bài hát Tiến quân ca, Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc, Chiến sĩ Việt Minh (lúc đó có tên Chiến sĩ Việt Nam) của Văn Cao, Cảm tử quân, Đêm trong rừng của Hoàng Quý, Hội nghị Diên Hồng, Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước, Đoàn Vệ quốc quân của Phan Huỳnh Điểu, v.v…!

Ngay trong lửa đạn, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Tiến Lợi, nhà thơ Chính Hữu cùng các đồng đội thanh niên và học sinh vẫn viết báo, chụp ảnh, vẽ, làm thơ, v.v… đăng trên tờ Chiến Thắng của Trung đoàn Thủ đô xuất bản ngay tại mặt trận.

Ngay trong lửa đạn, lực sĩ nổi tiếng Hà Nội – chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô Trịnh Đình Báu đã sáng tác bài thơ xuất sắc Thủ đô huyết thệ sau khi đọc Thư chúc Tết của Bác Hồ gửi các chiến sĩ kháng chiến Thăng Long – Hà Nội. Và cũng ngay trong lửa đạn, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác đã phổ nhạc bài thơ hùng hồn âm vang tiếng thơ cổ điển đó.

Ngay trong lửa đạn, các đơn vị Việt Nam vẫn ung dung vừa ăn Tết vừa sẵn sàng chiến đấu; quân ta vẫn tổ chức một bữa tiệc tối mồng 1 Tết Đinh Hợi 1947 mời các lãnh sự Mỹ, Anh, Trung Hoa và một số đại diện Hoa kiều Liên khu Một đến dự!

Chủ nghĩa anh hùng Việt Nam, tình cảm lãng mạn cách mạng Việt Nam và phong thái hào hoa của người Thăng Long hòa vào nhau và thấm vào từng hành động của từng người lính trẻ (hầu hết là thanh niên và học sinh Hà Nội) trên chiến trường Thủ đô cuối 1946 đầu 1947!

Trong thắng lợi chung, cần phải kể đến vai trò anh Trần Quốc Hoàn, Phái viên của Ban Thường vụ Trung ương Đảng có trách nhiệm theo sát cuộc kháng chiến 60 ngày đêm đó của Hà Nội. Nhưng trên hết là sự chỉ đạo toàn diện của Tổng chỉ huy kiêm Bí thư Quân ủy hội (tức Bí thư Tổng Quân ủy) Võ Nguyên Giáp chủ yếu đối với Thủ đô Hà Nội và sau đó, đối với tất cả các tỉnh thành trong cả nước.

Nhiều tháng trước khi bùng nổ cuộc kháng chiến toàn quốc, Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp đôn đốc, kiểm tra và chỉ đạo toàn bộ công tác chuẩn bị khẩn trương, toàn diện và vững chắc cho cuộc kháng chiến ở Thủ đô (và ở nhiều tỉnh thành cả nước).

Suốt 60 ngày đêm, thông qua Tư lệnh Vương Thừa Vũ và Chính ủy Trần Độ, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp liên tục theo dõi và chỉ đạo mặt trận các Liên khu 1,2,3, nhất là Liên khu 1, thuộc Chiến khu 11. Chính Võ Nguyên Giáp và Trần Quốc Hoàn, ngày 20/12/1946, đã đến tận phố Khâm Thiên kiểm tra chiến đấu.

Khi cuộc rút lui diễn ra, Võ Nguyên Giáp, tại những địa điểm giáp ranh Hà Nội, theo dõi từ khi người chiến sĩ đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô bí mật ra đi dưới chân cầu Long Biên cho tới khi người chiến sĩ cuối cùng đặt chân tới bờ trái sông Hồng.

Trung đoàn Thủ đô rút qua sông Hồng, sang Đông Anh, rồi quay về huyện Đan Phượng (Hà Đông).

Tôi và Võ Nguyên Giáp cùng đến Đan Phượng thăm Trung đoàn Thủ đô khi Trung đoàn vừa mới tới một làng mà giờ đây tôi không còn nhớ được tên.

Cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội và cuộc rút lui của Trung đoàn Thủ  Đô và một số đơn vị khác thuộc Liên khu 2 và Liên khu 3 xứng đáng được ghi vào lịch sử chiến tranh Việt Nam và lịch sử chiến tranh thế giới như một trong những mẫu mực về cách dùng binh, cách chủ động tiến công, cách thực hành tổng giao chiến và cách rút lui (tức cách lui binh). 

Nhật Hoa Khanh ghi

 (Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.