Đại tướng Văn Tiến Dũng và hơn 3.000 ngày tìm nguồn cội (Tiếp theo)

Đại tướng Văn Tiến Dũng và hơn 3.000 ngày tìm nguồn cội (Tiếp theo)
TP - Theo Ngọc Phả do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Hiền biên soạn đầu năm 1470 được lưu giữ tại Miếu Từ Lâm, xã Đồng Minh – Vĩnh Bảo thì “...

>> Kỳ trước

Hộ quốc an dân Đô đốc Quận công Hoa Duy Thành

Đại tướng Văn Tiến Dũng và hơn 3.000 ngày tìm nguồn cội (Tiếp theo) ảnh 1
Đô đốc Quận công Hoa Duy Thành

Lúc ấy có một người ở trang Linh Động, quận Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương họ Hoa, tên Thành, là con thứ của ông Hoa Đàm, tổ tiên dòng dõi vẫn được thụ phong kế thừa tư ấm, mẹ là Nguyễn Thị Bảng.

Một hôm đêm nằm mộng thấy hắc hổ nhập phòng rồi mang thai. Đến ngày mãn nguyệt sinh ra ông Duy Thành, lúc sinh ông có đám tường vân che trên nóc nhà 3 ngày mới tan.

Kịp đến lúc ông 12 tuổi thiên tư cao rộng, học lực tinh thông, ông thuộc nhiều binh thư, sở trường võ nghệ, mỗi lúc ông cầm cây gậy thì hàng trăm người trai tráng cũng không địch nổi.

Cha mẹ bảo ông xây dựng gia đình, ông không đồng ý. Đến năm ông 16 tuổi thì cả cha lẫn mẹ đều mất cả, ông ở nhà để hết tang.

Rồi ông đi chu du thiên hạ hà hải giang sơn, nông thôn, thành thị, không chỗ nào là không đi đến; người thời bấy giờ đã gọi ông là ông Thánh trẻ, tiếng rực gần xa. Lúc ấy ông đương chu du thiên hạ thì được nghe thấy lệnh của quan tiết chế tướng quân Trần Quốc Tuấn (theo chúng tôi “Lệnh” của quan ở đây có thể hiểu là Hịch tướng sĩ chăng? – PV), ông lập tức trở về làng, yết bảng, chiêu binh.

Lúc ấy có nhiều hào kiệt hưởng ứng, kẻ trí thì giúp mưu, người dũng thì giúp sức đến với ông rất đông, nhân dân trong vùng thấy thanh danh của ông cũng cả sợ bé xin làm thần tử, ông đồng ý và chọn lấy 30 người trai đinh cường tráng làm thủ hạ gia thần, rồi dẫn lên Kinh đô ứng tuyển.

Khi ông Trần Hưng Đạo tiếp ông thấy ông ứng đối thông thạo, văn võ toàn tài bèn tâu với vua Nhân Tôn phong ông là Đô đốc quận công lãnh nhiệm tuần phòng thủy bộ binh các đạo. Ông lĩnh trách nhiệm lĩnh quân đi tuần triệt ở các nơi xa. Đến mùa Đông (tháng 11) có chiếu chỉ của triều đình gửi ra cho ông rằng: “Quân Nguyên thế rất mạnh, chúng đã cướp đồn Vạn Kiếp, đã phạm đến Kinh đô, các quan quân đã thua nhiều trận.

Vua phải bỏ kinh thành đi một thuyền con lánh ra biển Đông. Đô đốc phải về ngay để cùng Trần Quốc Tuấn bàn mưu đánh quân Nguyên”. Ngay lúc ấy, ông đem quân về thẳng Biển Đông để gặp vua và ông Trần Quốc Tuấn, vua bảo ông Trần Quốc Tuấn rằng:

“Thế nước yên nguy, trẫm cũng nhờ ở các chủ khanh”, ông Trần Quốc Tuấn thưa: “Quân Nguyên dù có trăm vạn tinh binh, thần cũng coi như phẩy cái lông hồng vậy”. Vua nghe thấy cả mừng.

Khi chuẩn bị đánh đồn Vạn Kiếp, Trần Quốc Tuấn đưa thư cho các đạo quân ở các nơi đem quân về Vạn Kiếp để bao vây quân địch. Còn hai ông Trần Quốc Tuấn, Hoa Duy Thành đem đại quân về sau. Khi đại quân của hai ông về thì tứ diện giáp công phá tan đồn giặc, quân Nguyên đại bại, quân ta giải phóng đồn Vạn Kiếp, Trần Quốc Tuấn bèn chia quân lập đồn ở Phả Lại và Chí Linh, giao cho các tướng kiên thủ giữ đồn, chờ lệnh của ông.

Hai ông (Trần Quốc Tuấn và Hoa Duy Thành – PV) bàn kế: Quân Nguyên thua tất nhiên phải chạy theo đường biển nên chuẩn bị cho quân sĩ và nhân dân đóng cọc ở sông Bạch Đằng, mỗi đầu cọc phủ một bó cỏ. Một mặt khiến các tướng đem quân ra phục ở các nơi trên bờ sông cửa biển. Quân Nguyên thua ở đồn Vạn Kiếp quả nhiên chạy theo đường biển tới sông Bạch Đằng.

Ông Trần Quốc Tuấn khiển ông Nguyễn Mạnh đem quân khiêu chiến ở bến Dương Bắc, Ô Mã Nhi cho rằng đem quân ra đánh Nguyễn Mạnh thế nào cũng thắng, chúng cho tất cả quân sĩ đuổi theo, lúc ấy nước thủy  triều đã xuống  mà quân phục binh của ta ở trên bờ bắn ra quá mạnh, quân Ô Mã Nhi đại bại.

Ô Mã Nhi thu những thuyền nhỏ còn lại chạy gấp, lúc ấy nước thủy triều càng xuống gấp riết, thuyền giáp đầu cọc, các thuyền đều bị thủng và lộn úp đi, đứa thì chết chìm, đứa thì bị bắn, bị chém, chết không kể xiết, nước sông Bạch Đằng chỗ đó  trông như máu cả, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đều bị quân ta bắt sống.

Trận đại chiến Bạch Đằng kết quả quân ta đại thắng... Vua bày đại tiệc khao thưởng và gia phong cho các tướng sĩ, sau tiệc đó, Đô đốc Quận công Hoa Duy Thành phụng chiếu vinh quy bái tổ”.

Cũng theo Ngọc phả nói trên thì, su khi Đô đốc Quận công Hoa Duy Thành mất, “Vua Nhân Tôn sai người dâng sớ trở về cử hành tang lễ, tế bái long trọng và sai sứ giả của triều đình về phong là một vị tôn thần, truyền cho mộ lớn của ông là nơi cấm địa và chuẩn y cho “Từ đường của họ Hoa ở Trang Linh Động là nơi chôn nhau cắt rốn của Người và phụng sự Người mãi mãi muôn đời về sau. Khâm tai”.

Đạo sắc đầu tiên nhà Trần phong ông là: “Duy Thành Hoa phái hầu tước quận công”. Sau tặng phong: “Hùng kiệt dũng quả, hộ quốc an dân” và chuẩn y cho xã Từ đường rước tên hèm của ông về làng lập miếu thờ. Khâm tai”.

Lại nói từ sau khi ông mất có nhiều sự linh ứng, trải vua chúa nhiều triều đại đã tặng phong ông là bậc Đại vương tôn thần. Đến thời vua Thái Tổ nhà Lê (Lê Lợi – PV) khởi nghĩa ở Lam Sơn đánh đuổi quân nhà Minh để giành độc lập, đương lúc đánh quân Minh, vua Lê Lợi hành quân qua đêm vào nghỉ ở miếu thờ ông Hoa Duy Thành có khấn là “Ngài âm phù cho tôi đánh được ngoại xâm để giành độc lập”, sau vua Lê Lợi thấy có linh ứng, sau đến lúc Lê Lợi được thiên hạ phong cho ông Duy Thành là một vị thần “Phổ tế cương nghị linh phù” (Nghĩa là ông linh ứng, âm phù cho nhà Lê được thiên hạ) và chiếu chỉ cho xã Từ đường tu sửa lại đình, miếu để phụng sự ông muôn đời, nhân dân phải kiêng tên húy của ông 2 chữ “Duy Thành”. “Khâm tai”.

Đến đây, một câu hỏi được đặt ra, vì sao, “Tổ phụ” họ Hoa với chiến tích ngời ngời và được các triều vua Trần, vua Lê trọng thị, tôn vinh như thế mà con cháu phải đổi họ ly hương lánh nạn  khắp nơi?

Tình sử anh thợ mộc và tiểu thư – Hậu duệ của danh tướng Phạm Ngũ Lão

Theo những khảo cứu của Đại tướng Văn Tiến Dũng và con cháu, thì vào khoảng cuối thế kỷ 14, lúc này nhà Trần đã suy yếu, Hồ Quý Ly làm Thái sư ngày càng lộ rõ ý đồ chiếm ngôi. Họ Hồ đã từng bức chặt đứt các vây cánh, quyền lực của nhà Trần; trong số những người bị o ép, triệt hạ, có con cháu của Hoa Duy Thành. Và, để tránh nạn họ Hồ, hậu duệ của Đô đốc quận công Hoa Duy Thành đã phiêu bạt đi khắp nơi, trong số này có hậu duệ đời thứ 7 là Hoa Hải Thanh.

Có tài liệu ghi, vào năm 1376, do bị truy lùng ráo riết về tung tích, Hoa Hải Thanh đã trốn sang vùng Ninh Giang ẩn náu tại đây và sinh kế làm ăn bằng hai nghề thợ mộc – thợ rèn. Được một thời gian Hoa Hải Thanh vẫn chưa an tâm vì Ninh Giang lúc đó vẫn thuộc trấn Hải Dương cách phủ Hạ Hồng không bao xa nên chàng trai thợ mộc ấy liền nghĩ ra cách đổi sang họ Văn rồi tìm đường đến nơi ẩn cư mới.

Khi tới Ủng Huê Đường, tức làng Phù Ủng, huyện Ân Thi (Hưng Yên), nghe nói có cụ Thượng Phạm Đại Công (một hậu duệ của danh tướng Phạm Ngũ Lão), gia thế quyền quý, sang trọng, đang cùng con cháu và gia nhân chuẩn bị lên làng Vân Hội, huyện Quốc Oai, trấn Sơn Tây để khai khẩn, định cư, anh thợ mộc liền tìm đến cụ Phạm xin tự nguyện làm gia nhân rồi cùng dòng họ Phạm lên miền đất mới ở huyện Quốc Oai (nay là xã Tân Hội, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây).

Hồi ấy, làng có tên gọi là Vân Hội, thuộc Tổng Cối Sơn – một địa thế tuyệt đẹp, những bãi phù sa màu mỡ được bồi đắp từ phù sa sông Hồng do sông Nhuệ dẫn tới.

Theo tộc phả thì Văn Hải Thanh sinh năm 1351, khi chạy loạn nhà Hồ, Hải Thanh vừa tròn 25 tuổi. Bình sinh, Hải Thanh là một chàng trai khỏe mạnh, sức vóc phi thường, vầng trán cao rộng, mái tóc xanh mượt, hàm én mày ngài, mắt sáng thông minh, khéo tay hay làm, tinh thông cả hai nghề mộc – rèn, lúc thì thổi lửa đánh dao, rèn búa, lúc thì đục đẽo chạm trổ những con giống tinh khôn làm thành những bức phù điêu sinh động được treo ở vách đình – cửa đền.

Mọi người ai cũng mến tài, song, Hải Thanh luôn kín miệng vì muốn cất giấu tung tích của mình, phần nữa, nghĩ mình là phận gia nhân nên chàng thợ mộc tuy tuổi đã “thâm choạc” mà vẫn một thân, một mình.

Thật ra, ngay từ ngày đầu theo chân dòng họ Phạm lên đất mới nương thân, Hải Thanh đã để mắt tới người con gái của cụ Phạm Đại Công là Phạm Thị Duyên – hậu duệ đời thứ 6 của Tổ phụ Phạm Ngũ Lão. Đã mấy năm trời trôi qua mà Hải Thanh vẫn giữ kín trong lòng những tình cảm thầm kín. Chàng nghĩ thân phận mình vừa là người lánh nạn, vừa là thứ gia nhân làm sao có thể sánh với “tiểu thư” họ Phạm lá ngọc cành vàng, vừa hay chữ lại khéo tay hay lam hay làm. Cảm Khái, Hải Thanh làm những vẫn thơ mộc mạc nhưng đượm tình.

Hải Thanh cũng không ngờ được rằng những câu thơ của mình lại lọt vào tai người con gái họ Phạm, và anh càng không ngờ hơn nữa là “người ấy” cũng cùng một tâm trạng như anh.

Cho tới một hôm sáng sớm tinh mơ, khi chàng thợ mộc cắp nách đồ nghề ra đầu làng Vân Hội thì gặp con gái họ Phạm cầm liềm ra đồng. Trong cái thanh vắng của buổi ban mai, không cầm lòng được nữa, Hải Thanh cất lời:

Tay cầm bán nguyệt hữu duyên

Cỏ sợ cứa cổ, còn sen, thế thì...?

Chẳng ngờ, chàng vừa dứt lời thì nàng đã lanh lảnh:

Thợ rèn thổi lửa đánh liềm

Cỏ non giải thảm liềm em một niềm

Khen người tính nết dịu hiền

Trách người cắt chấu để liềm em trơ!

Kể từ bữa ấy, đôi bên “tình trong như đã...”. Khi biết chuyện của hai người cụ Phạm Đại Công cũng vui vẻ thuận tình vì cụ biết dẫu thân phận khác nhau, nhưng Văn Hải Thanh vừa khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú, tính tình hiền lành khéo tay hay làm mà lại biết thơ phú.

Để sinh cơ lập nghiệp, cụ Phạm còn ban đất hồi môn cho con gái và con rể tổng cộng gần 30 sào gồm đất ruộng, vườn, hồ ao và ngôi nhà 5 gian trông ra đường cái. Họ cưới nhau năm 1379. Năm sau, tháng 3 Canh Thân (1380) sinh được người con trai đặt tên là Văn Dĩ Thành và cũng là người con trai duy nhất.

Khi Văn Dĩ Thành vừa tròn 17 tuổi thì người cha Văn Hải Thanh được các chức dịch trong làng liệt kê là tay thợ điêu luyện nên tiến dâng danh sách về Triều và Hồ Quý Ly đã tuyển mộ bắt đi xây dựng Thành An Tôn (còn gọi là Tây Đô, hay Thành Nhà Hồ ở Thanh Hóa – PV).

Khi thành xây xong cũng là lúc tin dữ bay về: Người cha Văn Hải Thanh cùng hàng trăm tay thợ giỏi khác đã chết vì sập hầm. Nhiều nguồn tin cho rằng, những người thợ tài nghệ biết rõ những vị trí cơ yếu trong thành, nên Hồ Quý Ly đã cho giết hết để giữ bí mật cung thành.

Thành An Tôn xây xong, cũng là lúc Hồ Quý Ly  thực hiện việc cướp ngôi vua Trần, lập ra triều họ Hồ với niên hiệu Thánh Nguyên, đặt tên nước là Đại Ngu năm Canh Dần (1400). Năm 1407, giặc Minh xâm lược nước ta, cha con Hồ Quý Ly bị bắt, đất nước lại lâm vào ách thống trị của nhà Minh.

---------------------

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.