> Đẫm lệ một sáng thu Hà Nội
> Em bé 4 tuổi lau nước mắt cho mẹ tại lễ tang Đại tướng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam tới mừng thọ lần thứ 90. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Lần đầu là khoảng nửa đầu những năm 90. Tôi đi đưa tin về một hội nghị thanh niên tiên tiến toàn quân. Đại tướng đến dự. Đó là lần đầu tiên tôi thấy ông ngoài đời thật và hơi kinh ngạc vì vóc dáng nhỏ bé của ông. Đại tướng mặc bộ quân phục màu cỏ úa, thắt cà vạt và đội mũ kê pi. Khi ông ra về, tôi vội chạy ra cửa hội trường, thấy ông dẫn đầu, phía sau là rất đông các sĩ quan. Mới vào nghề chưa lâu, không rành phép tắc, tôi xông ngay ra chặn đường Đại tướng để phỏng vấn. Ông nghiêm nghị chỉ tay mấy lần liền về phía sau. Tôi ngớ người ra nhìn vị sĩ quan đứng tuổi mà ông chỉ rồi chợt hiểu: ông bảo tôi muốn phỏng vấn thì hãy liên hệ với vị thư ký mà sau này tôi được biết là đại tá Nguyễn Huyên.
Ông là người làm việc có nguyên tắc.
Lần thứ hai, tôi đi cùng đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam tới nhà riêng Đại tướng để chúc mừng ông nhân sinh nhật lần thứ 90. Đó là lần đầu tiên tôi bước qua cánh cổng số 30 Hoàng Diệu. Ấn tượng đầu tiên là trong nhà Đại tướng có rất nhiều vật lưu niệm. Tôi có cảm giác ngôi nhà có cửa rất rộng ấy trở nên chật chội vì đồ lưu niệm nhiều chủng loại trong đó có khá nhiều trướng, câu đối. Có lẽ Đại tướng trân trọng tất cả, nên ông mới giữ nhiều đồ người ta tặng như thế. Ông còn rất khỏe. Trong bộ quân phục cấp tướng màu o-liu, trông ông oai phong hơn lần đầu tôi gặp. Ông nhắc tới chuyện ngày xưa ông cũng là nhà báo từng viết và tham gia làm các báo Hồn nước, Lao động, Tiếng nói của chúng ta... (bằng tiếng Pháp).
Lần thứ ba, năm 2006, tôi đến nhà Đại tướng với tư cách là Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong, đưa chị Phạm Thị Xuân Khải , tác giả bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” đăng trên báo Tiền Phong chấn động một thời tới gặp ông. “Mùa xuân nhớ Bác” được chị Khải viết năm 1986, phê phán mạnh mẽ sự suy thoái phẩm chất đạo đức cách mạng. Đăng bài thơ, tòa soạn chao đảo còn tác giả thì lao đao. Nghe nói, Đại tướng có quen bố chị Khải, một cán bộ cao cấp của Đảng, và đã có những việc làm thực tế để động viên và nâng đỡ chị trong cơn hoạn nạn.
Tôi nhớ nhất cuộc gặp này, không phải chỉ vì nó diễn ra gần đây nhất về mặt thời gian. Gặp lại chị Khải có chúng tôi, những phóng viên của báo Đoàn trẻ trung đi cùng, ông vui và nói chuyện nhiều. Nhưng khi nói đến hiện tượng suy thoái đạo đức, tham nhũng... trong xã hội, tôi thấy Đại tướng lặng đi. Ông rất buồn. Một nỗi buồn sâu thẳm, nặng nề. Rồi ông buông ra một câu: “Giá mà Bác còn”.
Trong mấy lần gặp, tôi đều thấy ông nhắc đến Bác Hồ. Tôi cảm thấy rõ ràng ông coi Bác là người thầy, người cha tinh thần của mình.
Trước khi ra về, ông chụp ảnh chung cùng cả nhóm chúng tôi. Rồi chị Khải xin phép được chụp riêng với ông một kiểu. Xong, chị Khải kéo tôi: “Em vào chụp ảnh kỷ niệm với bác đi”. Đại tướng xua tay: “Thôi, đừng chụp nữa, anh này còn anh khác”.
Tôi không thuộc kiểu người thích lại gần các vị lãnh đạo hay người nổi tiếng để chụp ảnh nếu không có lý do xác đáng, nhưng khi nghe ông nói vậy, tôi vẫn thấy hơi buồn. Trên đường về, tôi chia sẻ băn khoăn với Hữu Việt, người cùng làm Tiền Phong. Việt và gia đình có quan hệ riêng với Đại tướng nên hiểu ngay vấn đề, cười bảo: Có nhiều người cứ tìm cách chụp ảnh với các cụ rồi mang ảnh đó đi lòe thiên hạ, thậm chí là khai thác các mối lợi, nên cụ thận trọng đó thôi.
Đại tướng lo lường mọi chuyện thật cặn kẽ.
Mang chuyện này kể trong tòa soạn, Minh Toản - Tổng Thư ký Toà soạn nói: Bọn tôi thì lại được Đại tướng gọi lại chụp ảnh.
Chuyện là năm 1992, Đại tướng về thăm quê. Toản lúc đó là thường trú Tiền Phong tại Quảng Bình cùng khoảng 20 đồng nghiệp nữa theo sát thông tin về chuyến đi của ông mấy ngày liền. Trước khi rời Quảng Bình, ông vẫy cả đám nhà báo lại nói: “Các bạn chụp với tôi một kiểu kỷ niệm. Mấy ngày nay các bạn chụp cho người ta bao nhiêu là ảnh rồi, bây giờ hãy chụp cho mình một cái”.
Đại tướng của chúng ta là con người như vậy.