“Đại tướng, Đại tướng, Đại tướng về rồi…”

“Đại tướng, Đại tướng, Đại tướng về rồi…”
TP - Đoạn đường TP Đồng Hới ra Vũng Chùa - Đảo Yến dài hơn 60km, hai bên lề đường không còn chỗ chen chân, nhiều người phải trèo lên cây, lên mái nhà để được chứng kiến thời khắc lịch sử và đau thương khi linh cữu của Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình.

> Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã yên nghỉ trong lòng đất Mẹ
> Người dân Quảng Bình mong ngóng linh cữu Đại tướng

Khoảng 9 giờ sáng, đường phố Đồng Hới bắt đầu đông dần và tắc nghẽn trên các ngả đường đổ về sân bay Đồng Hới. Hàng vạn người dân Quảng Bình tập trung dọc hai bên đường, đặc biệt là trên con đường dẫn vào sân bay Đồng Hới, với mong muốn được nhìn thấy linh cữu Đại tướng lần cuối cùng. Trong dòng người chen chúc ấy có những cụ già chống gậy, bà mẹ bế con thơ ngủ trên tay, em nhỏ ôm hình Đại tướng trong lòng, không ít người phải trèo lên mái nhà, vắt vẻo trên cây... kiên nhẫn dưới cái nắng oi bức. Tất cả ánh mắt đều hướng về sân bay Đồng Hới, với hi vọng nhìn thấy chiếc chuyên cơ đặc biệt chở linh cữu của Đại tướng chạm đất mẹ Quảng Bình.

Một cụ ông chừng 90 tuổi, chống gậy chen chúc trong dòng người đón Đại tướng đứng ngoài hàng rào sân bay, nói ông từ Hà Nội vào. Ông từng là lính dưới đoàn quân chiến thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được nhiều lần gặp Đại tướng. Mặc dù ông đã viếng Đại tướng ở Hà Nội, nhưng vẫn cố gắng vào Quảng Bình để đưa tiễn Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng. Ông nói ước nguyện của mình là được cầm một nắm đất đắp lên mộ Đại tướng.

Mặc dù mới học lớp 3, nhưng cháu bé này đã làm được bài thơ tri ân Đại tướng
Mặc dù mới học lớp 3, nhưng cháu bé này đã làm được bài thơ tri ân Đại tướng.

Một ông bố dắt theo đứa con nhỏ với bức hình Đại tướng trên tay và tờ giấy xé từ cuốn vở viết vội những dòng thơ đẫm nước mắt: “...Đại Nam truyền thống anh hùng/ Tướng tài, binh mạnh lẫy lừng lập công...” .Ông bố tự hào cho biết: “Cháu nó chỉ mới học lớp 3 nhưng từ khi Đại tướng mất, thì buồn rầu không thiết ăn cơm. Nó bắt tôi phải đi mua một tấm hình Đại tướng để đầu giường, và bài thơ này do chính cháu nó viết. Hôm nay nó nằng nặc đòi mang cả ra đây để đón Đại tướng”.

Đúng 11 giờ 30 phút, cả dòng người bất chợt nháo nhác khi lần lượt từng chiếc chuyên cơ hạ cánh: “Đại tướng, Đại tướng, Đại tướng về rồi...” Đoàn xe tang của Đại tướng bắt đầu lăn bánh từ từ rời sân bay Đồng Hới để ra Vũng Chùa - đảo Yến lúc hơn 12 giờ. Dòng người phía bên kia làn đường đã không đủ kiên nhẫn nhìn từ xa. Họ ào lên, vượt qua đường, trèo lên dải phân cách... ai cũng muốn được đến gần hơn bên linh cữu Đại tướng. Tưởng chừng như con đường sẽ bị tắc nghẽn, nhưng không, người dân vẫn ý thức được giới hạn cho phép. Hàng vạn máy ảnh, máy điện thoại hướng ống kính về phía xe chở linh cữu Đại tướng, những cánh tay run rẩy cố với ra để được gần Đại tướng hơn.

Cụ già 90 tuổi từ Hà Nội vào, chống gậy chen chúc trong dòng người đón Đại tướng
Cụ già 90 tuổi từ Hà Nội vào, chống gậy chen chúc trong dòng người đón Đại tướng.

Khi linh xa của Đại tướng đi qua, nhiều người dân đã cố chạy theo khiến hàng chục chiếc xe trong đoàn tang lễ đã không thể bám đoàn. Lực lượng trật tự cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể cản được dòng người. Đoàn tang lễ bị chia làm đôi. Phải mất hơn một giờ đồng hồ, đoàn xe còn lại mới có thể di chuyển. Hàng vạn người dân vẫn chạy bộ và chạy xe máy bám theo đoàn xe tang của Đại tướng...

Vừa gạt nước mắt vừa lái xe

“Khi xe linh xa vừa ra khỏi cổng nhà tang lễ, người dân hô vang “Đại tướng muôn năm” “Đại tướng muôn năm”. Không cầm được nước mắt, tôi vừa gạt nước mắt vừa lái xe”, thượng úy Nguyễn Tuấn Anh, người lái xe đưa linh xa Đại tướng từ Nhà Tang lễ Quốc gia tới sân bay Nội Bài chia sẻ với phóng viên Tiền Phong.

Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh sinh ra tại Hà Nội, nhập ngũ năm 1995. Đây không phải là lần đầu anh lái linh xa trong tang lễ cấp Nhà nước, nhưng với Tuấn Anh là nhiệm vụ vinh dự nhất. “Trong đời lính của mình, đây là nhiệm vụ đặc biệt và quan trọng nhất, vinh dự nhất. Vì vậy tôi cố gắng kìm giữ cảm xúc của mình để hoàn thành nhiệm vụ”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG