> Các vị trí chủ chốt trong VPF đều thuộc VFF?
> Vũ Như Thành gia nhập đội bóng của 'bầu' Kiên
Không đùa, vô địch đấy!
Cỡ 3-4 mùa trước, có giai thoại rằng, trong cuộc họp của Hà Nội ACB, bầu Kiên bỗng nhiên nói to: “Hà Nội ACB sẽ vô địch V-League”. Nhiều người trợn tròn mắt, tưởng đấy là câu nói đùa. Bởi lực của Hà Nội ACB thế nào, bao năm bê bết ra sao, ai cũng thấy cả. Vậy mà bầu Kiên lại ôm mộng vô địch V-League, đúng là giàu trí tưởng tượng.
Chuyện đùa của bầu Kiên hóa ra là thật, ít nhất là thể hiện bằng sự năng động trên thị trường chuyển nhượng của CLB Hà Nội. Ôm nguyên đội hình do Hòa Phát Hà Nội để lại, bầu Kiên tiến hành mua sắm. Hợp đồng bom tấn, “cướp” Công Vinh từ trong tay người hàng xóm Hà NộiT&T của bầu Hiển gây ra nhiều sự ồn ào.
Kế đó, lần lượt Đại Đồng (Hà Nội T&T), Chu Ngọc Anh (Nam Định), Công Minh (SLNA), Như Thành (Ninh Bình) gia nhập đội bóng mới được đổi tên cách nay vài tháng. Sự ồn ào của CLB Hà Nội trái hẳn với tính cách lâu nay của bầu Kiên, bởi Hà Nội ACB trước đây chủ yếu thâu nhận hàng dạt, không có những cái tên “hàng hiệu” như lần này.
Bầu Kiên tiêu pha, chi “lót tay” thế nào, chỉ có ông và những cầu thủ mới sắm biết được. Nhưng ông bầu vừa đại phá VFF khẳng định, không có chuyện phá giá thị trường. Chẳng hạn như Công Vinh, hợp đồng “hớt” từ Hà Nội T&T, nhưng bầu Kiên nói chắc nịch, giá mà CLB Hà Nội bỏ ra không nhiều hơn số tiền bầu Hiển tính chi lót tay cho tiền đạo gốc xứ Nghệ. Tương tự thế, những bản hợp đồng mới đều kín đáo, không ồn ào bằng những con số cao ngất ngưỡng.
Vấn đề là chỉ trong vòng 2-3 tháng, bầu Kiên đã xây dựng cho HLV Nguyễn Thành Vinh bộ khung khá hùng hậu. Sàng lọc từ đội hình của Hòa Phát HN để lại, CLB Hà Nội chỗ nào cũng có “hàng tuyển”: Đức Cường (thủ môn), Như Thành, Chu Ngọc Anh (hậu vệ), Thành Lương, Xuân Thành, Thanh Trung, Công Minh (tiền vệ) và Công Vinh (tiền đạo). Cộng thêm những ngoại binh như Timothy, chỉ xét trên giấy tờ, CLB Hà Nội đủ sức cạnh tranh ngôi vô địch V-League như bất kỳ anh hào nào khác. Câu nói “vô địch V-League” của bầu Kiên giờ chẳng phải là nói đùa.
Bài toán “trị” sao
Bầu Kiên giỏi và cao tay cỡ nào, đến VFF còn ngán ngẩm chào thua. Chính vì vậy, một khi ông bầu tóc bạc này quyết định đầu tư, làm bóng đá tử tế thì không ai dám coi thường CLB Hà Nội. Chỉ có một vấn đề: trong số dàn “sao” CLB Hà Nội vừa chiêu mộ, toàn cá tính và tích cách thuộc loại “hổ, báo”, cho nên, việc khó nhất có khi không phải yếu tố chuyên môn mà phải là tài trị sao.
Không ngẫu nhiên, sau khi khai sinh ra CLB Hà Nội, bầu Kiên đã chỉ định Phạm Thành Lương đeo chiếc băng đội trưởng. Đối với bầu Kiên, Lương “dị” là báu vật, gắn liền với cá tính và sự thăng trầm mang cái chất của bóng đá thủ đô. Lương “dị” là sản phẩm mà bầu Kiên góp tay tạo nên, giữa vũng đầm của sự long đong, bê bết mà Hà Nội ACB từng trải qua. Cho nên, ngoài yếu tố chuyên môn, Lương “dị” còn mang ý nghĩa biểu tượng của đội bóng mà bầu Kiên muốn gầy dựng.
Khó ở chỗ, Công Vinh, Như Thành hay… Timothy đâu phải tay mơ, chỉ đơn giản là những cá tính dễ nghe, dễ bảo. Thành “kếu” về CLB Hà Nội thời điểm này giống như một cú dang tay cứu vớt, nhưng cái chất thủ lĩnh thì chưa bao giờ mất đi. Công Vinh cũng vậy, sự hãnh tiến và khó chiều, đến bầu Hiển xông xênh và thoải mái đến thế, đôi khi còn nhận quả đắng, nói gì đến tình cảnh đội bóng mới tề tựu như CLB Hà Nội. Đó chưa kể lực lượng còn sót lại từ Hòa Phát HN, vốn chẳng hề vui vẻ khi bị ông chủ cũ bán lại cho bầu Kiên.
Lương “dị” là công thần, gắn bó với bầu Kiên như hình và bóng. Nhưng lúc này, bàn tay của bầu Kiên phải rộng gấp 4-5 lần như vậy, mới quy tụ và ghìm những ngôi sao đi về một hướng. Lại phải chờ bầu Kiên tung đòn, ra chiêu trị sao vậy!
Theo Ngọc Linh
Sài Gòn Giải phóng