Đại lý đua nhau giảm giá sốc điện thoại đời cũ

Những model thuộc hàng cao cấp năm 2013 phần lớn đều được các đại lý chủ động giảm giá xuống dưới 10 triệu đồng để thúc đẩy doanh số.

Cuối tuần trước, nhà bán lẻ Mai Nguyên bất ngờ cho giảm giá mẫu LG G2 chính hãng, bản 16GB xuống còn 9,5 triệu đồng. Đây là mức giá hấp dẫn, bởi model này có giá lên đến 13,5 triệu đồng khi mới bán ra hơn nửa năm trước (đầu tháng 12/2013).

Tuy nhiên, dạo qua một số cửa hàng, đại lý khác, người ta thậm chí còn tìm thấy những nơi bán G2 bản 16GB với giá tốt hơn, tới 8,9 triệu đồng.

Trước đó, hầu hết các sản phẩm được xem là cao cấp của năm 2013 đều được điều chỉnh giảm về mốc dưới 10 triệu đồng, chẳng hạn như Nokia Lumia 1020 (9,9 triệu đồng), HTC One 16 GB (9,5 triệu đồng), Sony Xperia Z (9,6 triệu đồng).

Đại lý đua nhau giảm giá sốc điện thoại đời cũ ảnh 1

LG G2 16GB chính hãng có giá 9 triệu đồng tại một đại lý. Ảnh chụp màn hình.

Có một điểm chung trong các màn giảm giá nói trên, đó là mức giá niêm yết tại các đại lý phần lớn không phải do hãng đề xuất. LG G2 bản 16GB chính hãng hiện có giá chính thức là 11,5 triệu đồng.

Lumia 1020 thậm chí được niêm yết trên website của hãng với mức giá lên đến 15 triệu đồng. Với trường hợp của HTC One M7, chỉ sau khi nhiều đại lý cho bán máy với giá 9 - 9,5 triệu đồng một thời gian dài, hãng mới điều chỉnh giá sản phẩm này và sau khi hạ, một số đại lý tiếp tục giảm giá sản phẩm này xuống còn 8,5 triệu đồng.

Xperia Z Ultra là một ví dụ khác thể hiện rõ chính sách chủ động giảm giá của các đại lý. Đầu tháng 6, Sony công bố phối hợp với một đại lý duy nhất là Thế Giới Di Động để thanh lý mẫu Xperia Z Ultra trước khi bỏ mẫu với mức giá sốc là 9 triệu đồng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, người dùng có thể tìm mua sản phẩm này với giá 8,5 – 8,7 triệu đồng tại rất nhiều nơi với nhiều quà tặng hấp dẫn, chế độ bảo hành không đổi.

Theo chia sẻ của một nhân vật có hiểu biết sâu về thị trường di động trong nước, việc đại lý giảm giá sản phẩm, thậm chí giảm giá sâu, chịu lỗ để thúc đẩy doanh số là vấn đề thông thường. Về mặt lý thuyết, những màn giảm giá nói trên đều do đại lý chủ động thực hiện và không liên quan đến hãng.

Tuy nhiên, thực tế thì những màn giảm giá này đều có sự hỗ trợ nhất định từ hãng bằng cách hạ thấp giá nhập sản phẩm, giúp đại lý dễ dàng hạ giá sản phẩm hơn, tất nhiên đi kèm với đó là một số điều khoản khác, chẳng hạn như ràng buộc về doanh số.

Đại lý đua nhau giảm giá sốc điện thoại đời cũ ảnh 2

Hãng, đại lý buộc phải giảm giá sản phẩm cũ sau khi model mới ra mắt. Vòng đời các sản phẩm Android đang ngày một rút ngắn dẫn đến việc, giá bán của chúng cũng hạ nhanh hơn. Ảnh: Geardiary.

Động thái này mang đến lợi thế cho nhiều bên. Bản thân hãng chấp nhận việc sản phẩm nhanh mất giá để quay vòng đầu tư cho các model mới nhưng không muốn công bố mức giá quá thấp (khiến sản phẩm mất giá trị trong mắt khách hàng) mà nhường việc này cho đại lý. Trong khi đó, với việc giảm giá sâu một số sản phẩm đại lý vừa bán được hàng, thu hút được sự chú ý còn người dùng mua được sản phẩm giá tốt.

"Tất nhiên, chẳng ai muốn làm loạn thị trường theo cách nói trên nếu các sản phẩm vẫn có doanh số tốt, thị trường sôi động. Việc giảm giá sản phẩm chỉ được thực thi khi thị trường smartphone cao cấp rơi vào trạng thái bão hòa, người dùng thờ ơ với sản phẩm mới còn hãng sản xuất điên cuồng lao vào cuộc chạy đua nâng cấp sản phẩm", vị trên cho biết. Hiện tại, vòng đời smartphone cao cấp đang có xu hướng rút ngắn từ một năm xuống còn 6-8 tháng.

Theo Thành Duy

Theo zing
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.