Nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng động thái này có thể chọc giận Bắc Kinh và ảnh hưởng tới mối quan hệ xuyên eo biển đang ấm dần lên.
Tại Hội thảo công nghiệp quốc phòng Mỹ-Đài Loan diễn ra hôm 6/10 tại Mỹ, ông Chiu Kuo-cheng, quan chức quốc phòng Đài Loan, đã đề nghị Washington cung cấp cho Đài Loan công nghệ và các vũ khí, đặc biệt là các tàu ngầm diesel điện và các máy bay chiến đấu hiện đại.
“Ngoài việc mua các tàu ngầm từ nước ngoài, Đài Loan cũng đang tích cực phát triển các vũ khí phòng vệ của riêng mình và chuẩn bị tự chế tạo các tàu ngầm”, hãng tin CNA tại Đài Bắc dẫn lời ông Chiu.
Mỹ đã tuyên bố sẽ giúp Đài Loan chế tạo tàu ngầm tại các quốc gia khác, nhưng cho tới nay chưa nước nào tỏ ý muốn chế tạo các tàu ngầm này, dù các hợp đồng có thể rất béo bở.
Ông Wang Jyh-perng, một đại tá hải quân và cũng là nhà nghiên cứu tại Hiệp hội quản lý chiến lược và quốc phòng, cho hay Đài Loan chỉ có thể hiện thực hóa các tham vọng tàu ngầm bằng việc chế tạo các tàu nhỏ hơn trước tiên.
“Sẽ dễ dàng hơn cho Đài Loan để có được các công nghệ cần thiết nếu hòn đảo nhắm tới các mục tiêu nhỏ hơn”, ông Wang nói.
Ding Shu-fan, tổng thư ký Tổng thư ký Hội đồng nghiên cứu chính sách phát triển Trung Quốc có trụ sở tại Đài Bắc, cho hay các bình luận của ông Chiu cho thấy Đài Loan và Mỹ đã đạt được tiến triển về vấn đề tàu ngầm.
Nhưng ông Ding cũng nói thêm rằng bất kỳ sự hợp tác quốc phòng nào giữa Đài Loan và Mỹ đều có thể khiến Bắc Kinh tức giận và ảnh hưởng tới quan hệ xuyên eo biển.
Li Jie, một chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh cho hay, ngoại trừ Nhật Bản, không quốc gia nào khác muốn trợ giúp Mỹ chuyển giao công nghệ cho Đài Loan vì điều có nguy cơ chọc giận Trung Quốc.
Theo An Bình