Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc: Những người làm nên thành công

Đông đảo du khách thập phương hành hương về Tam Chúc sáng ngày khai mạc ảnh: như ý
Đông đảo du khách thập phương hành hương về Tam Chúc sáng ngày khai mạc ảnh: như ý
TP - “Khi tôi mới đến, nơi đây vẫn là công trường, nhưng bây giờ đã ra dáng thiên đường trên mặt đất”, Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc tán thưởng trong thời lễ khai mạc trọng thể sáng 12/5.

Để kịp thời hoàn thành các hạng mục cho đại lễ Vesak 2019, hai tháng trở lại đây, công nhân trên công trường Tam Chúc phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Con đường trải nhựa dẫn vào chùa hoàn thành chỉ trong thời gian 2 tuần.

Nghệ sĩ hào hứng làm Phật sự

Đạo diễn Việt Tú - người chủ trì chương trình nghệ thuật Đại lộ di sản chào mừng Vesak tối 12/5 dùng từ “thần kỳ”, “dời núi lấp biển” để gọi quyết tâm tổ chức bằng được đại lễ này của những người xây dựng Tam Chúc cũng như hỗ trợ Vesak. “Người ta không quan tâm đây là chỗ nào mà quan tâm dịp này là Phật đản. Cho nên tất cả thập phương công đức đổ về đây để làm việc Vesak. Mà những người như thế vốn đã làm việc đấy rất bài bản quy củ”, anh nói.

Việt Tú tỏ ra hào hứng khi lại một lần được dàn dựng chương trình nghệ thuật Phật giáo với quy mô thực cảnh (năm ngoái anh từng dàn dựng thành công một chương trình như vậy vào dịp Khánh đản Phật Quan Âm tại chùa Hương). Làm nền cho chương trình của Việt Tú chính là cổng tam quan lớn nhất thế giới của chùa ở thế dựa núi nhìn ra hồ Tam Chúc. Anh gọi đây là vị trí đắc địa “nhìn là biết phải làm gì”.

Ngoài ý nghĩa đón mừng Phật đản Liên Hợp Quốc, chương trình tối khai mạc Vesak còn kết hợp với hành trình di sản Phật giáo quốc tế. Các đoàn Ấn Độ, Indonesia, Bhutan, Trung Quốc, Thái Lan, Srilanka... mang tới đêm diễn những tiết mục thực sự đặc sắc thể hiện đặc trưng nghệ thuật Phật giáo mỗi vùng. Một giải pháp tình thế đồng thời cũng thể hiện sự gần gũi, đoàn kết giữa các truyền thống Phật giáo là với những đoàn nước ngoài có ít diễn viên, thì Việt Nam sẽ có cách tham gia hỗ trợ, làm nền. Việt Tú cũng cho biết anh có thể làm cho một số tiết mục có hàm lượng nghệ thuật cao hơn nữa nhưng cuối cùng đã quyết định tiết chế để phù hợp với quảng đại quần chúng.

Lần thứ hai, nhạc sĩ Nguyễn Cường được Giáo hội Phật giáo Việt Nam mời sáng tác cho Vesak. Bản giao hưởng thơ với sự trình diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Thanh Lam, Tùng Dương cùng NSND Lê Khanh cùng dàn hợp xướng vinh dự trình diễn mở màn vào 8h sáng của ngày khai mạc Vesak. Tùng Dương kể để kịp biểu diễn anh đã rời nhà từ 5h sáng, tuy nhiên vẫn hào hứng, sung sức vì được làm Phật sự. Anh cũng dành nhiều lời khen cho dàn nhạc giao hưởng đã làm việc rất nhiệt tình và hiệu quả.

Phần trình diễn của Tùng Dương có tên gọi Bodhi Svaha (Thức tỉnh). Thanh Lam hát Hương giác ngộ, trong khi Lê Khanh kể chuyện. Hai ca khúc hợp xướng này cũng do Nguyễn Cường viết nhạc, Lưu Minh viết lời và Minh Đạo phối khí. Tổng đạo diễn Việt Thanh dàn dựng chương trình.

Điểm nhấn đáng chú ý của giao hưởng thơ mở màn là sự kết hợp của đàn bầu cùng dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng (chứ không phải với dàn nhạc dân tộc như thường thấy). Cao trào của bản nhạc thể hiện ở phần 2 Yêu thương và từ bi diễn tả sự đấu tranh của Thiện - Ác, sự chuyển hóa của sự đố kỵ, lòng tham… trong mỗi con người. “Vượt lên trên tất cả những xung đột đó là sự giác ngộ. Khác với tất cả những giao hưởng khác sẽ kết hoành tráng thì giao hưởng thơ Vesak sẽ lắng xuống, như cách giải thoát, như đến cõi Niết bàn vậy”, Nguyễn Cường nói. 

Những đóng góp âm thầm

Để tổ chức thành công Vesak 2019, không thể thiếu công sức của hàng vạn người âm thầm đóng góp. Trong đó phải kể đến 800 đầu bếp tình nguyện đến từ các tỉnh phía Nam. Quan sát của PV Tiền Phong, hàng trăm chiếc bếp gas công nghiệp được đặt trong khu bếp dã chiến, nằm cạnh khu bãi xe của chùa Tam Chúc. 800 đầu bếp đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau đều răm rắp làm việc, như một cỗ máy hoạt động rất nhuần nhuyễn và ăn khớp trong niềm hoan hỉ mừng Đại lễ.

Thầy Thánh Trí phụ trách khu bếp cho biết, có những đầu bếp xuất thân gia đình giàu sang, nhưng vẫn sẵn sàng tình nguyện đến ở một khu nhà tạm, giường tầng trong thời gian phục vụ Vesak. Theo thầy Thánh Trí, tất cả nguồn thực phẩm đều được kiểm duyệt chặt chẽ và lấy từ các dự án VietGap.

Tại khu vực “đại tiệc” hàng nghìn sinh viên tình nguyện phục vụ các suất ăn chay, trong đó có tới 500 sinh viên thông thạo tiếng Anh sẵn sàng hỗ trợ du khách khi có yêu cầu. Các sinh viên này cũng sẵn sàng giúp người Việt giao tiếp với các đại biểu đến từ hơn 120 quốc gia trên thế giới. 

Quên mệt mỏi

Ghi nhận của Tiền Phong cho thấy, lượng du khách đổ về đông chưa từng thấy không chỉ khiến khu nhà ăn quá tải, bếp quá tải, trung tâm báo chí quá tải mà cả lực lượng chức năng trong đó có lực lượng CSGT bị quá tải. Hậu quả là nhiều đoàn xe, thậm chí là các đoàn đại biểu quốc tế có xe dẫn cũng đành phải trễ giờ. Thay vì làm ca, lực lượng CSGT phải làm việc từ sớm tới đêm, đặc biệt phải khản cổ để phân luồng, hướng dẫn hàng nghìn chiếc xe ô tô của nhiều đoàn đại biểu và du khách về Tam Chúc.

Mệt vì phương tiện quá tải, vì trời nắng nóng, khiến chị Tr.T.H cán bộ Phòng CSGT tỉnh Hà Nam phải nhập viện chiều 12/5. Tuy đổ bệnh, chị vẫn vui vẻ gồng mình điều hành lực lượng CSGT dẫn đoàn, phân luồng nhằm đảm bảo an toàn giao thông an toàn cho du khách và đảm bảo và mong cho Đại lễ thành công.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.