Trong buổi gặp gỡ báo chí sáng 17/10 thông tin về Đại lễ tưởng niệm và hội thảo khoa học kỷ niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng chư vị tổ sư ni Tiền bối Hữu Công, Hòa thượng Thích Thanh Đạt Chủ tịch Hội đồng khoa học Học viện Phật giáo Việt Nam nêu thân thế, đóng góp của vị ni sư Diệu Nhân với đạo và đời.
Ni sư Diệu Nhân là công chúa Lý Ngọc Kiều cháu gái nội vua Lý Thái Tông được vua Lý Thánh Tông nhận làm con nuôi, được gả cho bị Châu mục ở châu Chân Đăng (miền Tam Nông, Phú Thọ). Sau này bà xuất gia, được Chân Không Đại sư tiếp nhận, đắc Pháp và là ni sư duy nhất Việt Nam được nối dòng thiền.
“Đây là dịp để Phân ban Ni giới Trung ương, hàng Ni giới, nữ Phật tử noi gương và kế thừa tư tưởng của Ni sư Diệu Nhân và Chư vị tiền bối Ni trong sự nghiệp tu tập, hoằng dương chính pháp”, Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm nói.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN khẳng định, đây là điều vô cùng đáng quý bởi ni sư Diệu Nhân là nữ giới duy nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam được trao Tâm ấn, nối dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi-từ Ấn Độ truyền sang.
Không chỉ là tấm gương mẫu mực về đức hạnh, đạo hành, ni sư Diệu Nhân để lại giá trị đáng quý trong bài kệ Thị Tịch mang ý nghĩa lớn về tư tưởng Phật học, triết lý nhân sinh.
Giải thích về việc chọn tổ chức hội thảo về ni sư vào năm lẻ 906 năm viên tịch, Thượng tọa Thích Thanh Quyết nói rằng, Giáo hội chuẩn bị cả năm nay. Ban đầu BTC chỉ coi đây là cuộc hội thảo quy mô nhỏ nhằm chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 910 năm viên tịch của Ni sư Diệu Nhân, nhưng không ngờ nhận được sự hưởng ứng lớn của các học giả, phật tử. BTC nhận được hơn 110 bài tham luận, bài nghiên cứu có chất lượng.
Hội thảo và đại lễ tưởng niệm ni sư Diệu Nhân diễn ra 25-27/10, trong đó hội thảo diễn ra cả ngày 26/10 tại Bảo tàng HVPG VN tại Hà Nội, đại lễ vào 27/10 với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chư tôn đức GHPGVN và nhiều bộ ban ngành cùng tăng ni sinh và hàng nghìn phật tử.