Đại hội cổ đông Vietnam Airlines 2020: Lỗ chưa từng có, kiến nghị hỗ trợ 12.000 tỷ đồng

Lãnh đạo VNA dự kiến khó khăn sẽ kéo dài thêm vài năm tới, khoảng năm 2023 mới có thể phục hồi đạt hiệu quả như năm 2019, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt
Lãnh đạo VNA dự kiến khó khăn sẽ kéo dài thêm vài năm tới, khoảng năm 2023 mới có thể phục hồi đạt hiệu quả như năm 2019, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt
TP - Sáng 10/8, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA, mã cổ phiếu HVN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Năm 2019, VNA có kết quả kinh doanh ấn tượng nhất từ trước tới nay, nhưng năm 2020 với dịch COVID-19 bùng phát, thành quả tài chính của tổng công ty đều bị cuốn trôi.

Tác động chưa từng có

Tại Đại hội cổ đông VNA, Tổng Giám đốc VNA Dương Trí Thành cho rằng, dịch COVID-19 tác động tới hàng không lớn hơn chiến tranh thế giới thứ 2. Tại Việt Nam, trong 15 ngày (từ 1/4), mỗi ngày chỉ có 3 chuyến bay chở khách nội địa, dừng toàn bộ bay quốc tế, kể cả trong chiến tranh cũng chưa từng có ít chuyến bay như vậy. CEO VNA cho rằng, giai đoạn 2016-2019, hãng tăng trưởng mạnh, kết quả kinh doanh năm vừa qua khả quan nhất từ trước tới nay.“Chưa bao giờ VNA vững mạnh như vậy”, ông Thành nói. VNA Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) luôn chiếm trên 50% thị phần nội địa. Khi dịch COVID-19 bùng phát, hãng lớn chịu nhiều ảnh hưởng nhất.

Sau thời gian giãn cách xã hội, trong tháng 6 và 7/2020, VNA khai thác trên 500 chuyến bay nội địa/ngày, gần bằng cùng kỳ năm trước, với 18 đường bay mới. Song, đợt dịch thứ 2 bùng phát đã bẻ gãy đà phục hồi.Ngày 8/8 vừa qua, hãng chỉ còn bay 102 chuyến nội địa. Đường bay quốc tế chưa biết khi nào mở lại khi một số nước đã bước vào đợt bùng phát dịch thứ 3.

VNA dự kiến sản lượng vận tải cả năm 2020 chỉ bằng 30-40% so với cùng kỳ năm trước, tiền vé thu về bằng 30%. Tổng doanh thu hợp nhất chỉ bằng khoảng 56% năm 2019; lỗ hợp nhất khoảng 15.000 tỷ đồng, công ty mẹ lỗ khoảng 14.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo CEO VNA, đây là dự báo theo kịch bản hồi tháng 5, khi chưa có đợt bùng phát dịch bệnh lần 2.

Kế toán trưởng VNA Trần Thanh Hiền cho biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới khả năng trả nợ các khoản vay của hãng. Qua đàm phán, VNA đã được các tổ chức tín dụng gia hạn nợ sang năm 2021 với hơn 2.400 tỷ đồng. Cùng với đó, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cuối năm nay có thể tăng lên tới 12-14 lần so với con số 2,6 lần cuối năm 2019. “Hết năm 2019, hãng có số tiền mặt dự trữ khoảng 4.000 tỷ đồng. Dịch tái bùng phát, tới cuối tháng 8 này cơ bản hãng sẽ cạn tiền mặt”, ông Hiền nói.

Chờ nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng

Chủ tịch HĐQT VNA Phạm Ngọc Minh (nghỉ hưu từ 11/8) cho biết, đã đề xuất Nhà nước (với tư cách là cổ đông lớn chiếm 86% cổ phần) có giải pháp hỗ trợ. Theo ông Minh, từ đầu dịch tới nay, hãng có 15 báo cáo gửi cơ quan có thẩm quyền. “Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VNA hoàn tất thủ tục để trình cấp cao hơn Chính phủ ra quyết định phương án hỗ trợ VNA. Trong đó, giải pháp quan trọng là Nhà nước cho VNA vay 4.000 tỷ đồng và tăng vốn chủ sở hữu thêm khoảng 8.000 tỷ đồng.Hiện tại, các thủ tục cuối cùng đang hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền”, ông Minh tiết lộ.

Về giải pháp vượt qua khó khăn, ông Minh cho hay, lãnh đạo VNA chủ động xây dựng các phương án ít xấu nhất. Hãng không chờ đợi, luôn sẵn sàng khai thác thị trường dù nhỏ nhất. Điển hình, trong tháng 6-7 vừa qua, khi thị trường nội địa phục hồi, hãng đã mở 18 đường bay mới, nhiều và nhanh nhất từ trước tới nay (trước đây để mở 1 đường bay mới mất 6 tháng). 

Theo ông Dương Trí Thành, thời gian tới VNA sẽ tiếp tục tái cấu trúc đội máy bay. Trong đó, ưu tiên tạm hoãn hoặc hủy các hợp đồng thuê máy bay; bán các máy bay đang sở hữu đã khai thác nhiều năm (hiện VNA có 107 máy bay, trong đó hãng sở hữu 50 chiếc, còn lại là thuê); tái cơ cấu, thoái vốn các khoản đầu tư tại công ty con, công ty liên danh, liên kết...

Với người lao động, theo lãnh đạo VNA, nhân viên của hãng tại 18 chi nhánh nước ngoài hiện đã tạm nghỉ việc. Dù vậy, những nhân viên này được nhận hỗ trợ từ các gói cứu trợ của chính phủ nước sở tại. Với nhân sự tại Việt Nam, hãng cũng cắt giảm một số nhân sự không cần thiết, luân phiên nghỉ việc, tự nguyện giảm lương, cắt giảm chi phí không cần thiết..., nhờ đó tiết kiệm hơn 5.000 tỷ đồng. Riêng phi công, vừa qua thu nhập đã giảm 40-50% so với trước, giờ không còn lương 300-400 triệu đồng/tháng, chỉ còn bình quân 77 triệu đồng/tháng/người.

Các cổ đông của VNA đã biểu quyết thông qua kết quả kinh doanh năm 2019, với doanh thu hơn 100.316 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.389 tỷ đồng, nhưng không chia cổ tức. Các cổ đông cũng thông qua chủ trương mua 50 máy bay thân hẹp mới và bán 9 máy bay A321CEO sản xuất năm 2007. Năm 2020, các cổ đông thông qua mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất hơn 40.500 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt hơn 32.500 tỷ đồng; lỗ hợp nhất không quá 15.177 tỷ đồng, lỗ công ty mẹ không quá 14.487 tỷ đồng. 

MỚI - NÓNG