Đại hội cổ đông ngân hàng: Lo sóng ngầm vẫn cuộn

TP - Mùa đại hội cổ đông ngân hàng 2017 vừa kết thúc. Tuy  không “sóng gió” như những đồn đoán trước đó, nhưng vẫn xảy ra nhiều bất ngờ; đã xuất hiện biến động tại những nhà băng lớn.

Đi qua trong tin đồn

Khi mùa đại hội bắt đầu vào tháng 4, giới chuyên gia, phân tích đưa ra hình dung vô số vấn đề lớn khối nhà băng sẽ phải đối mặt trong lần đại hội cổ đông này. Với 3 ngân hàng thương mại nhà nước Vietcombank, VietinBank, BIDV, đó là câu chuyện tăng vốn, chia cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt.

Với các ngân hàng cổ phần phía Bắc, lời than dành cho những nhà băng “rắn mặt” là dù lãi lớn nhưng cứ đằng đẵng mời cổ đông xơi cổ tức bằng cổ phiếu. Câu chuyện lên sàn cũng được hâm nóng tại các ngân hàng như Techcombank, VPbank, VIB. Nhưng nóng hơn cả, vẫn là việc thay tướng tại những nhà băng đang tái cơ cấu.

Còn khối phía Nam, tâm điểm dồn cả vào hai nhà băng lớn là Sacombank và Eximbank. Trước ngày đại hội, thông tin ai sẽ tham gia hội đồng quản trị Eximbank đột nhiên được “hoá giải”. Một đại diện NamABank bất ngờ lên tiếng với PV Tiền Phong trước 24 giờ diễn ra đại hội cổ đông rằng, ngân hàng này sẽ không cử người để thêm “chân” vào ghế hội đồng quản trị (dù trước đó, đằng đẵng 2 năm trời bên NamABank từng đeo bám quyết liệt). Một nguồn tin cho biết, điều này vừa đến từ sự tự nguyện của nhóm cổ đông Eximbank nhưng cũng có phần nhờ NHNN đã  phân tích “phải trái, hơn thiệt” giữa các nhóm cổ đông.

Khiến thị trường chứng khoán nhấp nhổm suốt 2 tháng qua là việc ai sẽ ngồi “ghế nóng” chủ tịch HĐQT Sacombank. Nhìn lại, tháng 3/2017, bất ngờ có tin ông Bùi Thành Nhơn, chủ tịch tập đoàn bất động sản Novoland sẽ “đổ” vài ngàn tỷ đồng vào để  trở thành chủ nhà băng này. Tuy nhiên, thông tin này sớm bị dập tắt. Thay vào đó, ông Đặng Văn Thành bắn tin "cha đẻ” Sacombank muốn quay trở lại.

Dẫu vậy, “đất dữ” Sacombank không dễ vào. Mong muốn của ông Thành không thành hiện thực dù hậu thuẫn phía sau có tới 2 quỹ ngoại sẵn sàng rót 1 tỷ USD tiền mặt. Lý do, theo một người trong cuộc: Ông Thành có một số “vấn đề” pháp lý thời còn ngồi ghế chủ tịch và nguồn gốc hai quỹ ngoại phía sau còn chưa rõ ràng.

Sacombank lo sóng ngầm

Việc ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam tham gia vào “ghế nóng” chủ tịch Sacombank khiến thị trường đặt câu hỏi: Có hay không lợi ích nhóm khi “ông trùm” bất động sản Him Lam kiêm Chủ tịch LienVietPostBank bất ngờ rời khỏi ngân hàng do chính ông sáng lập để sang mảnh đất mới - Sacombank?

“Sacombank là một ngân hàng đang trong giai đoạn khó khăn phải tái cơ cấu nhưng cũng là một ngân hàng tiềm năng. Vị trí ứng viên chủ tịch Sacombank cần đủ 5 điều kiện khắt khe”, ông Nguyễn Đức Hưởng, người từng được đề cử vào HĐQT Sacombank và bất ngờ xin rút vào phút chót cho biết.

Ngày 30/6 vừa qua, Sacombank trở thành nhà băng cuối cùng tổ chức đại hội sau 2 lần hoãn. Tại buổi họp, nhiều cổ đông thắc mắc việc sáp nhập SouthernBank vào Sacombank và ông Trầm Bê không tham dự. Có mặt, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh đã lên tiếng giải thích: NHNN không tự chỉ định ngân hàng nào sáp nhập với nhau mà dựa trên tinh thần minh bạch, công khai. Việc ông Trầm Bê không tham dự đại hội bởi đến lúc này ông Trầm đã hết “quyền”. Nói về những đại diện mới, ông Thanh khẳng định: “Đây là những người đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn, không hề có lợi ích nhóm”.

Theo ông Thanh, nút thắt của Sacombank chính là tài sản đảm bảo xấu, tài sản siết nợ xấu, phần lớn là bất động sản. Việc Sacombank mời ông Dương Công Minh tham gia vào quá trình tái cơ cấu, một người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản là một lựa chọn tốt. “NHNN kỳ vọng Sacombank sẽ gỡ được nút thắt nợ xấu, đang tồn tại lớn ở bất động sản”, Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh lưu ý.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.