Đại học tung điểm sàn thấp vét thí sinh, Bộ GD&ĐT nói gì?

Cánh cửa tuyển sinh ĐH ngày càng “rộng” với thí sinh Ảnh: Như Ý
Cánh cửa tuyển sinh ĐH ngày càng “rộng” với thí sinh Ảnh: Như Ý
TP - Kết quả thi THPT quốc gia năm nay  được đánh giá là sáng hơn năm 2018 do phổ điểm đẹp hơn. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các trường ĐH xác định mức điểm sàn rất thấp để “vét” đủ chỉ tiêu.

Từ năm 2017, Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH được tự xác định điểm sàn. Như Tiền Phong đã phản ánh, có rất nhiều trường ĐH có điểm sàn xét tuyển sinh năm nay chỉ ở mức 12, 13 điểm/tổ hợp 3 môn thi. Trường ĐH Thành Đông có 14 ngành đào tạo, trừ 4 ngành liên quan đến nhóm ngành sức khỏe phải theo quy định điểm sàn của Bộ GD&ĐT, còn lại 10 ngành có điểm sàn đều lấy mức 13 điểm/tổ hợp xét tuyển.

Thậm chí, tại nhiều trường ĐH khu vực phía Nam, điểm sàn xét tuyển chỉ ở mức 12 điểm đối với tổ hợp 3 môn thi. Điểm sàn nêu trên cũng đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng. Nếu ở khu vực 1 (cộng 0,75 điểm) và nhóm ưu tiên (cộng 2 điểm), thí sinh sẽ được cộng tối đa 2,75 điểm. Như vậy chỉ cần điểm thi 9,25 điểm (hơn 3 điểm/môn), thí sinh đã đủ điều kiện xét tuyển ĐH. Đây là mức sàn thấp nhất đối với các trường ĐH trên cả nước trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Năm ngoái, điểm trúng tuyển vào những trường này cũng chỉ ở mức 14 - 15 điểm, tức chỉ khoảng từ hơn 4 điểm đến 5 điểm/môn thi là trúng tuyển ĐH. Điều đáng nói, khác với kỳ thi 3 chung trước đây, kỳ thi THPT quốc gia có mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT. Mức điểm 4-5 điểm/môn thi mới chỉ ở mức trung bình để xét tốt nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, năm nay đề thi đáp ứng tiêu chí 60% là kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp phổ thông. Phân tích phổ điểm cho thấy đề có độ phân hóa tốt. Nếu căn cứ vào tỷ lệ thí sinh đạt từng ngưỡng điểm thì năm nay trường nào xác định điểm sàn 13 chỉ tương đương với mức 12 điểm của năm 2018.

Không đánh đổi chất lượng lấy số lượng

Nói về việc vì sao phải có điểm sàn và vì sao điểm sàn không được quá thấp, bà Nguyễn Thị Kim Phụng nêu ví dụ về việc Bộ GD&ĐT quyết định “giữ” điểm sàn hai nhóm ngành là sư phạm và sức khỏe. Bà Phụng cho rằng ở góc độ khoa học và thực tiễn, căn cứ chủ yếu để xác định điểm sàn là yêu cầu về chất lượng đối với nguồn tuyển của các ngành cần quy định điểm sàn và phổ điểm thi của thí sinh. Bên cạnh đó, các yếu tố về chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng thí sinh lựa chọn, điểm ưu tiên... của các trường trong khối ngành Y, Sư phạm cũng là những cơ sở để Hội đồng điểm sàn tham khảo, lựa chọn và đưa ra quyết định cuối cùng.

Điểm sàn tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn tuyển, chất lượng đầu vào của các ngành quan trọng là đào tạo thầy cô giáo và đào tạo đội ngũ thầy thuốc, cán bộ y tế.  Đặc biệt, chính sách điểm sàn sẽ ngăn chặn một số trường do thiếu nguồn tuyển có thể lấy điểm sàn quá thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực.

Theo bà Phụng nguồn tuyển chỉ là một trong những tiêu chí để tham khảo xác định điểm sàn. Trường nào có nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký xét tuyển có thể nâng điểm sàn lên mức cao hơn. Nhưng không được phép căn cứ vào nguồn tuyển để hạ điểm sàn. Không vì tuyển đủ chỉ tiêu mà hạ điểm sàn quá thấp, nói cách khác  không nên đánh đổi chất lượng lấy số lượng.

Tuy nhiên, cũng có thực tế, trong số những trường xác định điểm sàn thấp năm vừa rồi có những trường đầu ngành của lĩnh vực nông lâm, thủy lợi, mỏ địa chất…Với những nhóm ngành này, sinh viên ra trường có việc làm sớm, làm đúng ngành đào tạo, thậm chí có ngành thiếu nhân lực… nhưng do không được thí sinh ưa thích, lựa chọn nên phải xác định điểm sàn thấp.

Năm 2018, toàn hệ thống có khoảng hơn 30 trường có ngành lấy điểm sàn đến 13, chủ yếu là các trường tư thục, trường thuộc một số tỉnh ở địa bàn khó khăn và trường đào tạo khối ngành nông lâm, thủy lợi… Đặc biệt là những trường đầu ngành của khối nông lâm, thủy lợi đều có ngành phải lấy điểm thấp nhất trong hệ thống. Nhưng những trường ở địa bàn thuận lợi vẫn không đủ nguồn tuyển.

“Điểm sàn thấp đồng nghĩa với chất lượng đầu vào thấp, nhưng không phải tất cả những trường lấy điểm sàn thấp đều là những trường kém chất lượng. Mặt khác, phải xác định giáo dục ĐH là giáo dục bậc cao, dù trong hoàn cảnh nào các trường cũng không nên đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển” - bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhắc lại.

Như vậy, theo bà Phụng, việc nâng cao chất lượng đầu vào sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng dạy và học, đến chất lượng đầu ra, từ đó có tác động tích cực trong việc tăng cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Qua đó tạo sức cạnh tranh cho lao động trình độ cao của Việt Nam trong thị trường lao động hiện nay.

Đứng từ góc độ trường ĐH, PGS. Đào Văn Đông, hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Giao thông - Vận tải cho rằng, điểm đầu vào của các trường  không phải là điều kiện tiên quyết tạo ra chất lượng trong suốt quá trình đào tạo, nhưng đó là điều kiện cần.

Khi đã trúng tuyển ĐH ở mức điểm nào, sinh viên đều phải nỗ lực cố gắng xây dựng cho mình một chương trình học tập  tốt nhất, đáp ứng nhiều nhất các tiêu chí của nhà trường cũng như doanh nghiệp, đặc biệt  là đáp ứng được chuẩn tuyển dụng của các doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế. Theo ông Đông, có  3 tiêu chí để tạo nên chất lượng đào tạo tốt: đầu vào của nguồn tuyển (chất lượng thí sinh), nỗ lực của sinh viên trong quá trình đào tạo và dịch vụ nhà trường cung cấp cho sinh viên.

Nhiều chuyên gia không ủng hộ chủ trương xác định điểm sàn thấp để “vét” đủ chỉ tiêu đào tạo hiện nay của các trường ĐH. Về phía Bộ GD&ĐT, do các trường ĐH đã được tự chủ, Bộ cũng chỉ khuyến cáo các trường cần nâng cao chất lượng đầu vào để đảm bảo chất lượng đầu ra.

MỚI - NÓNG