Ngày 24-5-1977, Chủ tịch Đặng Tiểu Bình đọc một diễn văn mang tiêu đề “Tôn trọng tri thức: Tôn trọng tài năng”, cho biết có khả năng kỳ thi đại học toàn quốc sẽ được phục hồi sau một thập kỷ gián đoạn.
Mùa đông năm đó, hơn năm triệu thí sinh ở độ tuổi từ 15 đến 35 đã thi đại học. Kỳ thi này không chỉ khôi phục hệ thống thi cử mà còn khôi phục cả sự công bằng, bình đẳng trong xã hội.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, kể từ khi phục hồi chế độ thi tuyển đại học đến nay, đã có tất cả 36 triệu sinh viên được nhận vào các trường đại học, cao đẳng và trường dạy nghề.
Tỷ lệ trúng tuyển cũng tăng từ 4,7% hồi năm 1977 lên 56,85% vào năm 2006. Giảng đường đại học đã mở rộng cánh cửa cho tất cả mọi người, chứ không chỉ là “khu vườn Eden” cho những sinh viên có số phận may mắn.
Ở Trung Quốc, tuyển chọn người tài thông qua các kỳ thi là truyền thống có từ đời nhà Tuỳ (581- 618). Kể từ khi hệ thống thi cử ra đời đến nay, việc bảo bảo đảm tính bình đẳng luôn được coi trọng.
Tuy nhiên, người ta không khỏi băn khoăn là liệu “gaokao” (tức “cao khảo” - kỳ thi đại học) có thực sự công bằng với tất cả mọi người hay không?
“Câu trả lời là không,” chuyên gia giáo dục Chu Zhaohui nói. “Nhưng chúng ta chưa tìm ra cách nào tốt hơn để thay thế. Đến nay, thi tuyển vẫn là phương pháp ít dở nhất mà chúng ta có được.”
Tình trạng “phân biệt đối xử” giữa các khu vực trong kỳ thi là khía cạnh bị chỉ trích nhiều nhất. Các tỉnh thường bị ấn định chỉ tiêu về số lượng các trường, bởi vậy số lượng và chất lượng các trường của mỗi tỉnh cũng khác nhau nhiều.
Thí dụ, tỉnh Hồ Nam có số trường đại học, cao đẳng tính theo đầu người thấp hơn so với Bắc Kinh. Bởi vậy, thí sinh ở Hồ Bắc phải có điểm bài thi cao hơn nhiều so với thí sinh ở Bắc Kinh mới mong đỗ vào đại học.
Một nữ công nhân tham gia kỳ thi đại học tháng 12-1977. (ảnh: Tân Hoa xã). |
Những năm gần đây, thực tế này đã dẫn đến tình trạng nhiều gia đình phải chuyển chỗ ở để con họ có nhiều cơ hội thi đỗ vào đại học hơn.
Năm 2005, một thí sinh xuất sắc của tỉnh Hồ Nam đã không được nhận vào trường đại học danh tiếng Thanh Hoa, châm ngòi cho cuộc tranh luận về vấn đề thí sinh đại học ngoại tỉnh.
Li Yang, một thí sinh người Hồ Bắc, đến Hải Nam thi đại học, bởi vì cậu tin rằng, kỳ thi ở đây ít cạnh tranh hơn. Sau sự kiện này, “thí sinh ngoại tỉnh” bị cấm trên toàn quốc.
Đầu tháng 3 năm nay, trong kỳ họp quốc hội, đại biểu Fan Yi đã đề nghị bãi bỏ “gaokao”. Tuy nhiên, đối với những người đã tham gia cuộc thi tuyển đại học năm 1977 thì đây có vẻ là một lời đề nghị thiếu thận trọng.
“Đối với một xã hội đã có thời nhiệt thành bãi bỏ kỳ thi đại học, gây thiệt thòi cho cả một thế hệ thanh niên, thì bây giờ chúng ta nên vui mừng với chế độ thi cử mà phải khó khăn lắm mới khôi phục lại được này và tiếp tục nỗ lực để hoàn thiện nó,” học giả Lei Yi nói.
Suốt ba thập kỷ qua, nền đại học Trung Quốc không ngừng cải cách, chẳng hạn như mở rộng tuyển sinh, đào tạo liên thông và hoàn thiện đề thi. Tuy nhiên, những cải cách này chưa chạm được đến vấn đề cốt lõi – đó là sự thiếu vắng tinh thần đại học, gói gọn trong bốn nguyên tắc sau: tinh thần tự chủ, tinh thần nhân văn, tinh thần khoa học và tinh thần phản biện.
Do sự cạnh tranh trong học tập ngày càng gay gắt, nên chủ nghĩa vị lợi tràn lan khắp các giảng đường. Những vụ bê bối liên quan đến việc đạo văn trong giới giáo sư ngày càng nhiều, rồi cao học chỉ được xem như là một phương tiện cho sinh viên săn việc làm. Trong bối cảnh đó, chức năng của đào tạo cao học đã bị lẫn lộn và vì thế hiệu quả cũng giảm bớt.
Để tạo dựng hình lại ảnh của mình, các trường đại học ở Trung Quốc cần xác lập được vị trí của mình dưới ngọn cờ “tinh thần đại học”. Chính phủ cũng cần trao cho các trường nhiều quyền tự chủ hơn nữa, và phải xem đó là nền tảng cho sự phát triển quốc gia.
Theo Nhân dân/CRIENGLISH. com