Đại học Quảng Bình: Bệnh hình thức và những hệ lụy

Đại học Quảng Bình: Bệnh hình thức và những hệ lụy
TP - Sau khi Tiền phong đăng bài Đại học Quảng Bình: 6 điểm vẫn đỗ đại học, dư luận trên địa bàn rất bức xúc về việc lãnh đạo của trường này đã bỏ qua những quy định trong quy chế tuyển sinh, tùy tiện hạ mức điểm đầu vào...

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi nêu 1 vụ việc điển hình về bệnh hình thức của lãnh đạo trường Đại học Quảng Bình. Đó là việc khi trường này nhận một ô tô khách 30 chỗ, BKS 73B 1818, để phục vụ cho việc tham quan, học tập của giảng viên, sinh viên trong trường. Xe hoàn toàn mới và chưa có lái xe.

Nếu như ở một cơ quan khác, để tuyển dụng một lái xe thì đó là việc hoàn toàn đơn giản. Chỉ cần thông báo tiêu chuẩn với các tiêu chí cụ thể của đối tượng cần tuyển dụng và giao cho phòng Tổ chức - Hành chính trực tiếp làm việc là xong. Nhưng ở Đại học Quảng Bình thì công việc này rắc rối và phức tạp hơn nhiều.

Hiệu trưởng Nguyễn Huỳnh Phán ra quyết định thành lập Hội đồng Khảo sát năng lực lái xe, gồm Ban Giám hiệu và một số cán bộ chủ chốt. Cảm thấy chưa yên tâm, ông Hiệu trưởng còn mời thêm ông Lê Tự Thành - Giám đốc Cty TNHH Thành Đức tham gia Hội đồng. Những thành viên của Hội đồng không có ai đang là giáo viên của Trung tâm Đào tạo lái xe trong tỉnh.

Đến ngày giám sát năng lực lái xe, xe lăn bánh trên QL 1A theo hướng Nam - Bắc. Không hiểu sao, khi đến thị trấn Hoàn Lão (cách Đồng Hới gần 15 km) thì người cần được “khảo sát năng lực lái xe” không được cầm lái nữa, mà thay vào đó là ông Lê Tự Thành.

Chiếc xe chở Hội đồng Khảo sát năng lực lái xe đã gây tai nạn với xe máy mang BKS 73K6 3973 khiến cho chị Lê Thị Tuyết tử vong và anh Nguyễn Trường Thi bị thương nặng. Không biết cả Hội đồng khảo này phải trả lời như thế nào trước cái chết thương tâm của chị Tuyết?

Đến việc “tu thân, tề gia”

Ông Nguyễn Huỳnh Phán hiện đang giữ nhiều chức quan trọng của trường Đại học Quảng Bình. Là Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy trường, kiêm Trưởng khoa Giáo dục thường xuyên, là Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng và là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của trường.

Có lẽ vì phải đảm trách quá nhiều công việc quan trọng nên ông đã không nhớ ra trường hợp xử lý kỷ luật giảng viên mà ông là Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng khiến cho dư luận trong trường bất bình.

Giảng viên Lan Anh đã “nhầm” khi xóa tên thí sinh có tham gia dự thi khiến cho thí sinh này bị 0 điểm, trong khi điểm thực của thí sinh là 8. Giảng viên Lan Anh đã bị HĐTĐKT xử lý kỷ luật đúng quy chế.

Còn tại Hội đồng thi Quảng Trạch, ngày 20/6/2008, khi bà Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng của trường (vợ của ông Hiệu trưởng) làm Phó ban coi thi đã lợi dụng khi đồng nghiệp đi ăn sáng, tự tiện mở thùng đựng đề thi, túi đựng đề thi và lấy đáp án của môn thi đưa cho thí sinh photocopy. Vụ việc được phát hiện và lập biên bản.

Vi phạm quy chế thi nghiêm trọng như thế nhưng, khi xét danh hiệu thi đua bà Hà không những không chịu hình thức kỷ luật nào mà còn được bầu làm Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Trả lời với chúng tôi về vụ việc này, ông Phán nhẹ như không: “Vì hậu quả không nghiêm trọng và đã được khắc phục”.

Chính cách trả lời này của ông Hiệu trưởng khiến chúng tôi nhớ lại vụ việc một thời xôn xao dư luận Quảng Bình. Đó là vào tháng 9/2004, khi ông Nguyễn Huỳnh Phán đang là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình. Ông có tham gia lớp đào tạo lái xe hạng B1.

Trong môn thi lý thuyết về luật giao thông, gần 160 học viên thì có 2 người sử dụng tài liệu, vi phạm quy chế thi. Một trong 2 người đó có ông Hiệu trưởng trường CĐSP Quảng Bình. Người ta xôn xao vì tính vấn đề của nó. Thầy còn vi phạm thì nói sao được trò?...

MỚI - NÓNG