Năm nay, Đại học Kiểm sát Hà Nội dự kiến tuyển 410 chỉ tiêu hệ chính quy đại học, trong đó 350 dành cho ngành Luật, chuyên ngành Kiểm sát; còn lại dành cho chuyên ngành Luật Thương mại. Đây cũng là ngành mới mở của năm nay.
Năm phương thức tuyển sinh của trường được áp dụng theo từng chuyên ngành. Với chuyên ngành Kiểm sát, trường tuyển sinh theo các phương thức, gồm xét học bạ (cả trường chuyên và không chuyên); xét tuyển kết hợp học bạ và chứng chỉ tiếng Anh (IELTS tối thiểu 7.0 hoặc tương đương); sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022.
Thí sinh xét tuyển vào chuyên ngành Kiểm sát phải đạt học lực giỏi, hạnh kiểm tốt năm kỳ (trừ kỳ II lớp 12) khi sử dụng các phương thức liên quan đến học bạ, phương thức còn lại có thể đạt loại khá.
Chuyên ngành Luật Thương mại chỉ sử dụng duy nhất phương thức xét học bạ ba năm THPT. Điều kiện cần là thí sinh tối thiểu đạt loại khá về hạnh kiểm, học lực năm kỳ bậc THPT.
Điểm sàn xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT là 17 (tổng điểm ba môn theo tổ hợp, chưa gồm điểm ưu tiên), cao hơn năm ngoái hai điểm.
Thí sinh khi dự thi vào Đại học Kiểm sát phải đảm bảo sức khoẻ vượt qua vòng sơ tuyển. Thí sinh không bị dị hình, dị dạng, khuyết tật, không nói ngọng, nói lắp, không mắc bệnh kinh niên, mãn tính.
Ngoài ra, thí sinh không quá 25 tuổi, có lịch sử chính trị rõ ràng; cha, mẹ, anh chị em ruột hoặc vợ, chồng chưa từng vi phạm pháp luật hình sự đến mức bị kết án, trừ vi phạm hình sự về giao thông. Những yêu cầu này được áp dụng với thí sinh đăng ký ngành Luật, chuyên ngành Kiểm sát.
Thời gian nộp hồ sơ dự kiến từ 25/4 đến hết 22/5 (áp dụng với sơ tuyển) và từ 1/6 đến 30/6 (xét tuyển).
Năm 2022, trường ĐH Kiểm sát Hà Nội sẽ tuyển sinh 350 chỉ tiêu đại học hệ chính quy ngành Luật, chuyên ngành Kiểm sát; việc phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến như sau:
Chỉ tiêu xét tuyển thẳng là 10 chỉ tiêu; chỉ tiêu ưu tiên xét tuyển thẳng không quá 14 chỉ tiêu.
Chỉ tiêu theo khu vực: Không quá 112 chỉ tiêu cho khu vực phía Bắc (từ tỉnh Quảng Bình trở ra và không bao gồm khu vực Tây Bắc); không quá 55 chỉ tiêu cho khu vực Tây Bắc (theo phân định của ngành giáo dục). Không quá 113 chỉ tiêu cho khu vực phía Nam (từ Quảng Trị trở vào và không bao gồm khu vực Tây Nam bộ); không quá 70 chỉ tiêu cho khu vực Tây Nam bộ (theo phân định của ngành giáo dục).
Chỉ tiêu tuyển sinh đối với nữ: Tối đa 50% chỉ tiêu theo từng phương thức xét tuyển. Không hạn chế tỷ lệ nữ sơ tuyển và đăng ký dự tuyển vào trường ĐH Kiểm sát Hà Nội.
Điểm chuẩn năm 2021 của Đại học Kiểm sát Hà Nội được chia theo khu vực, tổ hợp và nhóm thí sinh. Thí sinh nữ tại miền Bắc, thi tổ hợp C00 phải đạt 29,25 điểm mới trúng tuyển. Trong khi đó điểm chuẩn với thí sinh nam miền Nam, thi tổ hợp A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh) thấp nhất chỉ 20,1.