Vẫn bán công khai
Như Tiền Phong đã thông tin, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sử dụng giáo trình dạy tiếng Trung có bản đồ Trung Quốc kèm hình lưỡi bò làm tài liệu giảng dạy trong một thời gian dài. Cụ thể, tại trang 36 của cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese” bài 7 in hình bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò”. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng trường này xác nhận: Ngày 22/10, khi phát hiện, lãnh đạo nhà trường cho thu hồi và hủy bỏ toàn bộ cuốn giáo trình này.
Tuy nhiên, ngày 2/11, phóng viên đến Trung tâm Tư vấn và dịch vụ sinh viên (phòng B1.06Y, ĐH KD&CN) để hỏi và vẫn mua được giáo trình có in hình bản đồ hình lưỡi bò này. Nhân viên ở đây cho biết, cuốn tài liệu được thầy cô của khoa Tiếng Trung và Tiếng Nhật gửi xuống in, phô tô, bán cho sinh viên với giá 30.000 đồng/cuốn.
Về việc này, TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Hiệu trưởng thường trực, Phó Chủ tịch HĐQT trường ĐH Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, ngay trong ngày 4/11 sẽ cho kiểm tra, đình chỉ việc bán tài liệu. “Chúng tôi đã yêu cầu giáo viên, sinh viên nộp lại tài liệu. Còn nguồn gốc từ đâu đưa về đây thì sẽ được xem xét. Cuốn giáo trình này được một số giáo viên mua trong nước. Sau khi thu hồi sẽ tìm nguyên nhân, xem xét trách nhiệm thuộc về ai mới đưa ra biện pháp xử lý”, ông Lượng thông tin.
Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần chỉ đạo xử lý
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tỏ ra bức xúc trước sự việc, đề nghị làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra sự việc này, đặc biệt là khâu kiểm tra, thẩm định với một tài liệu đã được in sẵn như quyển giáo trình này. “Đây là chuyện quá sai trái khi đưa một tài liệu sai về khoa học chính trị hiện tại. Khi người ta gian dối, bịa ra đường lưỡi bò, đưa vào dạy cho học sinh thì nhà trường phải chịu trách nhiệm. Trước mắt là hủy bỏ ngay tài liệu này và kiểm điểm trách nhiệm, đưa ra hình thức xử lý kỷ luật những người đã quyết định lấy giáo trình này mà không thẩm định, kiểm tra để đưa vào cho học sinh học”, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ nói.
Ngoài ra, ông Nhĩ cho rằng, cần phải làm rõ, thời điểm nhập vào khi nào, số lượng nhập, in ấn phát ra bao nhiêu để thu hồi, hủy bỏ tất cả số tài liệu này. “Bộ GD&ĐT đã có quy định về trách nhiệm cụ thể của nhà trường trong việc thẩm định giáo trình giảng dạy phải phù hợp với tình hình. Lãnh đạo nhà trường phải có hiểu biết về chính trị để nhận biết được giáo trình nào phù hợp và không phù hợp. Trong trường hợp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có trách nhiệm và có những chỉ đạo ngay để xử lý không để lan rộng, kéo dài”, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ nói thêm.
Một tiến sỹ đang làm việc tại cơ sở nghiên cứu và đào tạo có uy tín tại Hà Nội cho hay, việc chọn giáo trình rất hệ trọng trong giảng dạy và về nguyên tắc, thầy cô giáo có thể tham khảo bất cứ nguồn nào. Chọn giáo trình nước ngoài chưa biên dịch là điều nên tránh, ưu tiên giáo trình Việt ngữ. “Giáo trình nước ngoài được lựa chọn phải là giáo trình kinh điển được nhiều nước thừa nhận và sử dụng. Về trường hợp cụ thể này, chương trình dạy phải do khoa và bộ môn duyệt nên trách nhiệm của khoa và bộ môn. Nó cũng thể hiện sự yếu kém về chuyên môn và sự vô trách nhiệm thuộc về khoa và bộ môn. Hủy bỏ là chuyện đương nhiên và Bộ Giáo dục và Đào tạo phải kỷ luật trường, trường phải kỷ luật khoa, bộ môn và những cá nhân liên quan” - vị này cho hay.
Thông tư 04/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học. Theo đó, giáo trình phục vụ cho việc giảng dạy, chuẩn bị bài giảng của giảng viên và học tập của sinh viên đối với các môn học có trong chương trình đào tạo phải được hội đồng khoa học và đào tạo khoa trình hiệu trưởng xem xét, lựa chọn. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học về công tác chỉ đạo, tổ chức biên soạn, lựa chọn, duyệt và thẩm định giáo trình của đơn vị theo quy định này. Trước mắt là hủy bỏ ngay tài liệu này và kiểm điểm trách nhiệm, đưa ra hình thức xử lý kỷ luật những người đã quyết định lấy giáo trình này mà không thẩm định, kiểm tra để đưa vào cho học sinh học”.