Đại gia đầu tư 500 tỷ đồng cứu Công ty Bình An

Đại gia đầu tư 500 tỷ đồng cứu Công ty Bình An
TPO -Sáng 9-5, ông Trần Kim Minh - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 (TPHCM), cho biết, sẽ đầu tư 500 tỷ đồng vào Cty Bình An.

> Nữ "đại gia" thủy sản nợ nghìn tỉ đồng 

Ông Minh (đứng) đại diện cho đối tác bơm 500 tỷ đồng cho Binafishco. Ảnh: VnExpress
Ông Minh (đứng) đại diện cho đối tác bơm 500 tỷ đồng cho Binafishco. Ảnh: VnExpress.

Sáng 9-5, Cty Cổ phần Thủy sản Bình An (Cty Bình An - Bianfishco) đưa Nhà máy chế biến fillet cá tra vào hoạt động, chính thức tuyên bố Cty Bình An "sống lại". Nhiều chủ doanh nghiệp khác đã đến hoặc gửi hoa chúc mừng. 

Đầu tư

Cũng sáng 9-5, tại Cty Bình An, ông Trần Kim Minh - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 (TPHCM), cho biết, sẽ đầu tư 500 tỷ đồng vào Cty Bình An để phát triển chế biến xuất khẩu cá tra sang Mỹ.

Nguồn tiền ấy, ông Minh cho biết, khoảng 30% là vốn tự có của Công ty 584, còn 70% vay của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Ông Minh nói, Công ty 584 của ông có đầu tư ở Mỹ. Ngày 2 và 3-5, ông gặp bà Phạm Thị Diệu Hiền (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An - PV) đang điều trị ở bệnh viện tại Mỹ.

Ông cũng làm việc với một số đối tác, thấy thương hiệu Bianfishco rất có uy tín tại thị trường này, sản phẩm Bianfishco vào Mỹ với thuế suất bằng không và vào được các siêu thị.

Đặc biệt, cũng theo ông Minh, Công ty Bình An đã có hợp đồng xuất vào Mỹ hơn 1.000 container fillet cá tra (loại 20 tấn), trị giá khoảng 100 triệu USD, nhưng do nợ nần chưa thực hiện được, nên ngày 7-5, các cổ đông Công ty 584 họp và quyết định đầu tư vào Cty An Bình.

Một người Tây Ban Nha cũng xuất hiện ở Cty Bình An, giới thiệu là chủ doanh nghiệp, đề nghị được mua sản phẩm cá tra của Bianfishco để nhập vào thị trường châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi.

Ông Trần Văn Trí (trái) làm việc với các đối tác đưa nước uống collagen sang Pháp và Canada, trưa 8-5. Ảnh: Sáu Nghệ
Ông Trần Văn Trí (trái) làm việc với các đối tác đưa nước uống collagen sang Pháp và Canada, trưa 8-5. Ảnh: Sáu Nghệ.

Trưa hôm trước, 8-5, một số đối tác ở Pháp, Canada, đã ký biên bản ghi nhớ với ông Trần Văn Trí (người nhận ủy quyền điều hành Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An từ bà Phạm Thị Diệu Hiền) để đưa nước uống collagen của Cty Bình An sang Pháp, Canada và Mỹ.

Ông Trí cho biết, Nhà máy sản xuất nước uống collagen sẽ hoạt động trở lại trong vài ngày tới. 

Cty Bình An nhộn nhịp xe chở cá tra sáng 9-5
Cty Bình An nhộn nhịp xe chở cá tra sáng 9-5.

Hồi sinh

Nhà máy chế biến cá tra, ngày đầu hoạt động trở lại với khoảng 1.000 công nhân, chế biến 100 tấn cá tra, mua của bà Trần Thị Ánh Nguyệt nuôi ở tỉnh Vĩnh Long. Tiền mua cá do Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình cho vay.

Gia đình bà Nguyệt có năm công ty, từ chế biến thức ăn thủy sản, phụ phẩm, đến nuôi cá và chế biến fillet, nhưng bị nợ nần nên hết vốn lưu động, các công ty phải tạm đóng cửa, gia công, hoặc hoạt động rất khó khăn.

Trong đó, Cty Bình An nợ gần 19 tỷ đồng, vừa rồi trả 11 tỷ đồng. Bà Nguyệt nhìn thấy bạn hàng tương lai nên kịp thời “liên kết để phát triển”.

Dây chuyền chế biến cá tra fillet hoạt động trở lại
Dây chuyền chế biến cá tra fillet hoạt động trở lại.

Trước đó, ngày 4-5, Nhà máy giá trị gia tăng của Cty Bình An hoạt động trở lại, gia công sản phẩm cao cấp cho đối tác Nhật Bản, thực hiện hợp đồng trị giá 40 triệu USD.

Còn Viện Nghiên cứu Thủy sản Bình An tái hoạt động nhờ Bộ Khoa học - Công nghệ hỗ trợ 23 tỷ đồng nghiên cứu ba đề tài khoa học về cá tra, thực hiện trong bốn năm.

Một diễn biến khác, ngày 8-5, Cục An ninh Nông nghiệp Nông thôn (Tổng cục An ninh, Bộ Công an) có công văn gửi một số cơ quan cho biết, sẽ chủ động phối hợp các đơn vị chức năng trong và ngoài ngành “có biện pháp ngăn chặn những cổ đông của Cty Bình An tự ý chuyển nhượng cổ phần trái phép cho nước ngoài”.

Ông Trần Văn Trí giải thích với PV Tiền Phong, việc làm nhằm bảo vệ thương hiệu quốc gia Bianfishco vì khi Công ty Bình An chủ động cơ cấu lại nợ, được nhiều người giúp đỡ tái hoạt động, một số tổ chức nước ngoài đang trả giá cao để mua lại.

Theo Viết
MỚI - NÓNG