Đại gia chi 7.300 tỷ mua cổ phần Vinaconex là ai?

TP - Để nắm trọn lô cổ phiếu Vinaconex của SCIC, ông Nguyễn Xuân Đông sẽ phải “chi” ra 7.366,6 tỷ đồng, cao hơn khoảng 2.000 tỷ so với tính toán ban đầu từ SCIC. 

Tại Hội nghị toàn quốc về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vừa được tổ chức, Chính phủ từng lưu ý thời gian qua, công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Phiên bán vốn Nhà nước tại Vinaconex thành công thu về hơn 9.300 tỷ đồng (ngày 22/11) thực sự được xem là cú hích và đem lại niềm hy vọng mới. 

Bán theo lô lớn hấp dẫn hơn

Ngày 22/11, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) đã thoái vốn nhà nước thành công ngoài mong đợi tại Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG; Vinaconex). Hai phiên đấu giá đã thu về 9.369 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm. 

Tổng Giám đốc Vinaconex Đỗ Trọng Quỳnh cho biết, hai phiên đấu giá trọn lô lớn nhưng đều rất thành công chứng tỏ sự hấp dẫn của Vinaconex đối với các nhà đầu tư. “Đất đai chỉ là một phần lợi thế đóng góp vào sự thành công này, Vinaconex còn rất nhiều lợi thế khác đã tạo dựng, tích lũy được trong suốt 30 năm qua”, ông Quỳnh khẳng định.

Đại gia chi 7.300 tỷ mua cổ phần Vinaconex là ai? ảnh 1 Theo lãnh đạo Vinaconex, hai phiên đấu giá trọn lô lớn nhưng đều rất thành công đã chứng tỏ được sự hấp dẫn của Vinaconex đối với các nhà đầu tư. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc phụ trách SCIC cũng cho biết, rút kinh nghiệm từ cuộc đấu giá cổ phần Vinaconex năm 2017 (từng ế), trên cơ sở làm việc với công ty tư vấn và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, SCIC đã quyết định thay đổi phương thức bán vốn từ việc chia thành các lô nhỏ sang bán toàn bộ lô. 

“Điều quan trọng hơn là chúng ta phải bán được hết và bán có hiệu quả; đồng thời phải đảm bảo được tỷ lệ chi phối để các nhà đầu tư có thể tham gia được vào quá trình quản trị, thực hiện vai trò của cổ đông lớn nắm cổ phần chi phối. Chúng tôi cho rằng, việc bán theo lô lớn sẽ hấp dẫn hơn so với phương thức bán từng lô lẻ”, ông Thành nói. 

Nhà đầu tư mua Vinaconex có thực sự “giàu”?

Theo tìm hiểu của phóng viên, Cty TNHH An Quý Hưng do ông Nguyễn Xuân Đông làm Tổng Giám đốc là nhà đầu tư bỏ ra giá 28.900 đồng/cổ phần cho lô cổ phần mà SCIC bán đấu giá, tương đương 7.366 tỷ đồng, cao hơn 35,6% giá khởi điểm và cao hơn 50% thị giá VCG đang giao dịch trên sàn. 

Như vậy, để nắm trọn lô cổ phiếu Vinaconex của SCIC, ông Nguyễn Xuân Đông sẽ phải “chi” ra 7.366,6 tỷ đồng, cao hơn khoảng 2.000 tỷ so với tính toán ban đầu từ SCIC. Đây là con số không hề nhỏ đối với một doanh nghiệp có mức vốn điều lệ 500 tỷ đồng như Cty TNHH An Quý Hưng.
Thậm chí, để phiên đấu thực sự coi là thành công thì chỉ còn đúng 10 ngày nữa (4/12/2018), Cty TNHH An Quý Hưng sẽ phải “chồng” đủ cho SCIC 7.366,6 tỷ đồng trong khi các nhà đầu tư khác không trúng giá sẽ được hoàn trả tiền đặt cọc sau 5 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức đấu giá.Vậy, ông Đông có thực sự giàu “khủng” như vậy? 

Đại gia chi 7.300 tỷ mua cổ phần Vinaconex là ai? ảnh 2 Ông Nguyễn Xuân Đông, chủ doanh nghiệp vừa chi hơn 7.000 tỷ đồng mua Vinaconex

Tìm hiểu kỹ hơn cho thấy, doanh nghiệp An Quý Hưng được thành lập năm 2001, vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Công ty TNHH An Quý Hưng trở thành công ty chuyên nghiệp trong lĩnh vực xây dựng nhà xưởng công nghiệp tại khu vực miền bắc Việt Nam, đầu tư bất động sản và nhiều lĩnh vực khác với 3 công ty thành viên: Công ty công nghệ vật liệu mới, Công ty Cổ phần truyền thông I-LanD, công ty bất động sản AQH-LAND. Công ty còn sở hữu công ty sản xuất Bê tông AQH999 tại Chương Mỹ và Phùng Xá, Thạch Thất.

Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi 2 cá nhân gồm ông Nguyễn Xuân Đông (70%) và bà Đỗ Thị Thanh, vợ của ông Đông (30%). Tổng tài sản của doanh nghiệp này đến 31/12/2017 xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn gần 550 tỷ đồng, dài hạn 450 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 956 tỷ đồng và 62,4 tỷ đồng.

“Vậy SCIC có thẩm định nguồn tiền của ông Nguyễn Xuân Đông trước khi tham gia đấu giá hay không?”, ông Nguyễn Chí Thành, cho hay, theo quy chế, nhà đầu tư cứ đủ điều kiện tham gia đấu giá, có nguồn tiền để đặt cọc hơn 540 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ cổ phiếu yêu cầu là có quyền đấu giá.

“Với một giao dịch như thế này, nhà đầu tư không thể không chuẩn bị cả về mặt tài chính và nhân lực để tham gia quản trị một doanh nghiệp lớn như Vinaconex sau khi trúng đấu giá”, ông Thành nói. Cũng ông Thành cho biết: Trong trường hợp họ không đủ các tiềm lực về tài chính sẽ bị mất cọc. Hơn nữa, SCIC không phải là cơ quan chịu trách nhiệm để đi thẩm định nguồn tiền của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi tham gia vào tổ chức bán đấu giá như thế này, chúng tôi đã mời các cơ quan bảo vệ pháp luật để đảm bảo cuộc đấu giá thành công. Về nguồn tiền, các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước sẽ thẩm định. 

Về cơ cấu, bộ máy đang làm việc hiện thời của Vinaconex, ông Thành cho rằng đang làm rất tốt. Tuy nhiên, chủ sở hữu mới chắc chắn sẽ sắp xếp lại, tinh giảm, bổ nhiệm những vị trí chủ chốt. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.